14/01/2016
Tối 12/1 (tức sáng 13/1 theo giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đọc Thông điệp Liên bang 2016, thông điệp cuối cùng của ông trên cương vị lãnh đạo nước Mỹ. Nội dung thông điệp lần này hướng tới sự lạc quan và hy vọng, trong đó điểm lại những thành tựu đã đạt được và đề ra các mục tiêu chính sách trong năm tới.
Những trọng tâm đối nội
Mở đầu bài diễn văn, Tổng thống Obama đã điểm qua những nội dung chính của thông điệp liên bang lần này. Trong đó bao gồm các kế hoạch hỗ trợ sinh viên, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, cải cách hệ thống kiểm soát di cư, bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực súng đạn, đảm bảo an ninh xã hội và tăng lương. Ông khẳng định: “Tôi sẽ không từ bỏ chừng nào hoàn thành những mục tiêu này”.
Trong bài diễn văn, ông nói rằng tương lai của nước Mỹ chỉ có thể như mong muốn nếu người dân “hoàn thiện nền chính trị” và hợp tác cùng nhau. Ông nói: “Tôi không muốn chỉ nói về năm tới. Tôi muốn tập trung vào cả 5 năm, 10 năm tới và lâu hơn nữa… Tôi muốn nhấn mạnh đến tương lai của chúng ta”. Ông nói rằng trong suốt 7 năm qua, mục tiêu của nước Mỹ là phát triển một nền kinh tế phục vụ lợi ích cho tất cả mọi người, và thực tế là nhiều thành tựu đã được gặt hái. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này khẳng định vẫn còn nhiều việc phải làm và dù rằng vẫn còn nhiều tranh cãi về mặt chính trị song cũng có rất nhiều vấn đề mà người dân Mỹ đạt được sự đồng thuận lớn.
Theo ông Obama, những cơ hội mới trong xã hội nhiều biến động ngày nay cần người dân nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng để có thể nắm bắt. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần tạo điều kiện để mọi người dân đều được hưởng giáo dục, để không một sinh viên chăm chỉ nào phải thất nghiệp”. Ông cho biết chính quyền đã có những nỗ lực để giảm lãi suất cho vay để học đại học của sinh viên xuống 10%, và tích cực giảm học phí, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch miễn hai năm học phí cho mọi sinh viên để khuyến khích việc học tập.
Không chỉ lưu tâm tới vấn đề giáo dục, nội dung Thông điệp Liên bang của ông Obama còn khẳng định nước Mỹ cần có những biện pháp đảm bảo phúc lợi xã hội, để những công dân Mỹ được hưởng đúng những gì mà họ đã cống hiến. Ông nói: “Chương trình An sinh xã hội và Chăm sóc Sức khỏe cho người già là những điều quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta không những cần xây dựng các chương trình này, mà còn cần củng cố chúng… nội dung và mục tiêu của Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe hợp túi tiền (ACA) là nhằm giải tỏa những lo ngại của người dân rằng dù mất việc làm, chuẩn bị đi học, hay bắt đầu khởi nghiệp, mỗi người cũng đều sẽ nhận được những hỗ trợ nhất định”. Ông cho biết tính đến nay gần 18 triệu người đã được nhận trợ cấp… và các doanh nghiệp đã tạo ra nhiều việc làm mỗi tháng kể từ khi ACA chính thức thành luật.
Một vấn đề quan trọng khác được đề cập tới trong Thông điệp Liên bang là sự cần thiết của các cải cách cơ cấu. Ông nhấn mạnh: “Những nguyên tắc lạc hậu cần phải được sửa đổi, và tình trạng quan liêu phải được xóa bỏ”. Ông cho biết trong năm tới sẽ sửa đổi nhiều nguyên tắc để đảm bảo lợi ích và khuyến khích sự phát triển trong lĩnh vực tư nhân.
Tổng thống Obama cũng kêu gọi người dân Mỹ phát huy tính sáng tạo chủ động vốn có để đối mặt với những thách thức to lớn. Ông cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc nghiên cứu các công nghệ y khoa mới và phát triển các nguồn năng lượng sạch nhằm chống lại tình trạng biến đổi khí hậu. Ông ghi nhận thành quả của việc đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch 7 năm về trước. Ông nói: “Tại những cánh đồng từ Iowa tới Texas, năng lượng gió ngày càng rẻ hơn những nguồn năng lượng truyền thống. Trên các mái nhà từ Arizona cho tới New York, năng lượng Mặt trời đang giúp nước Mỹ tiết kiệm hàng chục triệu USD mỗi năm, và tạo ra thêm nhiều việc làm, với mức lương tốt hơn… Trong khi đó, chúng ta đã cắt giảm gần 60% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu từ nước ngoài, và cắt giảm lượng khí thải cácbon nhiều nhất trên thế giới”. Với những thành tựu đã đạt được, ông nhấn mạnh chương trình nghị sự trong năm tới sẽ tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái sinh.
Về vấn đề bầu cử, ông cho biết sẽ thúc đẩy các cải cách với cơ chế để khiến quá trình bầu cử diễn ra đơn giản, thuận tiện và đúng đắn hơn, nhằm phù hợp với xã hội hiện đại ngày nay. Tổng thống Obama kêu gọi người dân và các chính trị gia cùng phối hợp để giảm bớt sự chi phối của đồng tiền trong các hoạt động chính trị, để các lợi ích nhóm và các thế lực không thể tác động tới các cuộc bầu cử. Ông nói: "Trong năm tới, tôi dự định sẽ đi khắp nước Mỹ để thúc đẩy cải cách trong vấn đề này".
Ưu tiên trong chính sách đối ngoại
Ưu tiên số một về chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama là bảo vệ người dân và tiêu diệt các mạng lưới khủng bố. Không chỉ điểm lại những hoạt động chống khủng bố trong năm vừa qua của Mỹ, như dẫn đầu liên minh gồm hơn 60 quốc gia nhằm cắt đứt nguồn tài chính của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), đập tan nhiều âm mưu khủng bố, chặn đứng sự bành trướng của các tay súng và tư tưởng cực đoan của các phần tử cực đoan cũng như huấn luyện, vũ trang và hậu thuẫn các lực lượng chống khủng bố tại Iraq và Syria. Ông Obama còn kêu gọi Quốc hội xem xét khả năng triển khai quân đội để chống lại mối đe dọa từ IS. Ông nói: “Nếu thực sự muốn chiến thắng cuộc chiến này, và muốn gửi một thông điệp tới chính các binh sỹ của chúng ta và cả thế giới, Quốc hội Mỹ cần thông qua đề xuất triển khai quân để tiêu diệt IS. Hãy tổ chức một cuộc bỏ phiếu”. Ông cũng khẳng định dù Quốc hội có cương quyết trong cuộc chiến chống IS hay không thì những kẻ khủng bố này cũng sẽ chịu chung số phận với những phần tử cực đoan trước đó. Ông nhấn mạnh nếu những kẻ khủng bố làm tổn hại tới người dân Mỹ, nước Mỹ “sẽ truy đuổi các ngươi tới cùng”.
Ông cho biết chính sách đối ngoại còn cần tập trung vào việc giải quyết các bất ổn kéo dài trong suốt nhiều thập kỷ tại Trung Đông, Afghanistan, Pakistan, Trung Mỹ, châu Phi và châu Á. Theo ông, thế giới sẽ trông chờ vào vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc gánh vác các trách nhiệm này. Người đứng đầu Nhà Trắng còn kêu gọi Quốc hội nhanh chóng cân nhắc xem xét dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba.
Ông Obama kêu gọi người dân và các nhà lập pháp chấm dứt sự chia rẽ trong chính trị và “thay đổi hệ thống để phản ánh sự tốt đẹp của xã hội chúng ta”. Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Khi các chính trị gia phỉ báng người Hồi giáo, khi các thánh đường Hồi giáo bị tàn phá, trẻ em bị bắt nạt, chúng ta cũng không hề an toàn hơn… Đó không là điều phản ánh sự thật mà là hành động sai trái… Nó phản bội lại các giá trị của con người và đất nước chúng ta”.
Kết thúc Thông điệp Liên bang 2016, Tổng thống Obama kêu gọi người dân đoàn kết, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo,... cùng nhau thực thi các quyền lợi dân chủ để bảo vệ sự thật, bảo vệ những người yếu thế và các giá trị của nước Mỹ.
Theo website Nhà Trắng, Mỹ
Văn Cường (gt)
Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu bài viết “Ngoại giao vì quan hệ Mỹ - Trung ổn định” của tác giả Jake Werner, nhà nghiên cứu tại Viện Quincy. Theo tác giả, cho dù Mỹ và Trung Quốc cáo buộc nhau phá vỡ hiện trạng nhưng thực chất đều là những “cường quốc nguyên trạng”, chia sẻ nhiều lợi ích chung. Trung...
Với chính quyền Biden, nếu như năm 2021 là năm ổn định bộ máy và hoạch định chính sách, năm 2022 lại là năm để công bố và triển khai chính sách. Chỉ trong nửa cuối năm 2022, một loạt văn bản và tuyên bố chính sách đối ngoại lớn đã được đưa ra, trong đó có nhiều văn bản liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương...
Ngày 29/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài diễn văn đầu tiên trước Nghị viện, hay còn gọi là Thông điệp Liên bang trong các năm sau, vào dịp gần kết thúc 100 ngày đầu của chính quyền mới. Diễn văn tập trung vào các vấn đề đối nội nhưng vẫn hàm chứa những nội dung đối ngoại quan trọng.
Với sự lây lan nhanh chóng cùng sự gia tăng tỷ lệ tử vong bởi đại dịch COVID-19, liệu cơ hội giành chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới đây bắt đầu bị đe dọa?
Một lần nữa, nước Mỹ chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế mới với sự sụp đổ của các thị trường và người nộp thuế đang cứu trợ những người giàu có. Đã đến lúc Mỹ phải cải tổ khế ước xã hội vô lý này.
Donald Trump giờ đây dường như đã không còn đáp ứng được kì vọng của cử tri Mỹ. Mặc dù có nhiều lợi thế, tuy nhiên, nếu nhìn nhận kỹ hơn, có thể thấy rằng những yếu tố bất lợi rất có khả năng đem đến thất bại cho ông trong cuộc bầu cử sắp tới.