Ban đầu, Bắc Kinh đề nghị viện trợ 100.000 USD, và sau đó mới miễn cưỡng tăng lên 1,6 triệu USD. Hành vi "bủn xỉn" này của Bắc Kinh đã vấp phải sự lên án rộng rãi, cả ở Đông Á lẫn trên thế giới. Có nhiều suy đoán về việc tại sao các quan chức Trung Quốc lại để xảy ra một sự "thất bại" trong quan hệ như vậy. Một số chuyên gia cho rằng lý do chỉ đơn giản là quân đội Trung Quốc không có khả năng cung cấp viện trợ nhanh chóng và hiệu quả như cách mà quân đội Mỹ đã tiến hành tại Philippines. Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lưu ý rằng những hạn chế hậu cần như vậy không giải thích được việc Bắc Kinh không hỗ trợ tiền mặt hào phóng hơn. Hành vi trên của Trung Quốc cho thấy chế độ Bắc Kinh tàn nhẫn đối với số phận của những người khác, chỉ quan tâm đến bản thân và những lợi ích quốc gia của họ.

Những giải thích trên phần nào có lý, tuy nhiên có một luận điểm khác dường như có sức thuyết phục hơn. Quan hệ của Bắc Kinh với Manila khá căng thẳng trong những năm gần đây, nhất là do những tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Những căng thẳng đã bùng lên hồi đầu năm 2012, khi Philippines triển khai một số tàu xung quanh bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham, để củng cố lập trường của họ. Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt với động thái này, phái nhiều tàu đánh cá và tàu tuần tra hải quân tới khu vực. Căng thẳng chỉ dịu đi vào tháng 6/2012, khi chính phủ của Tổng thống Benigno S. Aquino ra lệnh cho các tàu Philippines rời khỏi khu vực trên. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ca ngợi việc rút tàu là một động thái hòa giải đáng hoan nghênh.

Nhưng bầu không khí thân mật giữa hai nước sớm tan biến. Có tin tức cho rằng chính phủ Aquino không những định phái các tàu Philippines trở lại vùng biển tranh chấp, mà Manila còn yêu cầu Mỹ bắt đầu việc tuần tra bằng máy bay không người lái để giám sát những động thái của Trung Quốc tại khu vực này. Mặc dù sau đó chính phủ Philippines đã phủ nhận việc yêu cầu Mỹ tuần tra, nhưng phản ứng của Bắc Kinh với tin tức trên là tức giận. Một bài xã luận trên "Trung Quốc Nhật báo" đã cáo buộc Philippines "gây rối tại Biển Đông, quyết tâm lôi kéo Mỹ vào tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, phớt lờ thiện chí của Bắc Kinh và cố tình làm phức tạp vấn đề".

Tình hình không được cải thiện nhiều kể từ đó. Căng thẳng mới nhất bùng nổ hồi tháng 3/2013, khi Philippines gửi đơn kiện liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc lên tòa án quốc tế. Các quan chức Trung Quốc ngày càng tức giận với sự hành xử nói chung của chính phủ Philippines, bao gồm cả việc tăng cường đáng kể các quan hệ quân sự của Manila với Washington và khả năng các lực lượng Mỹ trở lại triển khai tại quốc gia Đông Nam Á này. Trung Quốc chắc chắn rất tức giận với những diễn biến này và các quan chức Trung Quốc muốn gửi đến Manila một thông điệp, có lẽ bằng cách giảm bớt viện trợ nhân đạo đúng vào lúc Philippines cần nhất. Đây cũng có thể là một thông điệp gián tiếp gửi đến Việt Nam, Malaysia và các quốc gia Đông Nam Á khác đang thách thức lập trường của Bắc Kinh đối với các vấn đề lãnh thổ tại Biển Đông. 

Quyết tâm gửi đi một thông điệp chính trị gay gắt có thể giải thích lý do Bắc Kinh lại muốn chấp nhận dư luận tiêu cực không tránh khỏi khi cứu trợ quá bủn xỉn như vậy. Ít nhất thì các nhà phân tích cũng không nên loại trừ khả năng này và chỉ cho rằng cứu trợ ít là do Trung Quốc gặp khó khăn về hậu cần hoặc vô tâm cố hữu. Những giải thích đó không có sức thuyết phục trong tình huống này. 

Theo "Chinausfocus

Lê Sơn (gt)