Phát biểu trước 200 đại biểu tại “Đối thoại Cartagena: Hội nghị cấp cao xuyên Thái Bình Dương” thường niên diễn ra ở Colombia hồi cuối tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Philippines Cesar Purisima khẳng định "việc tái lập hoạt động thương thuyền cho thế kỷ 21 với Mỹ Latinh thông qua Liên minh Thái Bình Dương và châu Á thực sự có ý nghĩa". “Đối thoại Cartegena” thảo luận về những vấn đề địa-kinh tế và an ninh xảy ra ở khu vực Thái Bình Dương do IISS tổ chức. Quả thực, có một số xu hướng lớn đang kết nối Liên minh Thái Bình Dương, gồm Chile, Colombia, Mexico, Peru và các đối tác châu Á. Trước khi liên minh này được thành lập vào năm 2011, các nước thành viên Mỹ Latinh của liên minh này chủ yếu bị “bao vây” bởi hai khối: Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA) do Venezuela đứng đầu.

Giống ASEAN, Liên minh Thái Bình Dương cũng phải đối mặt với sự chậm trễ kéo dài của việc kết thúc vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Vì vậy, liên minh này tìm cách mở rộng ngoại thương thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) quy mô nhỏ. Liên minh Thái Bình Dương hiện là nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 4%. Kim ngạch xuất khẩu của khối hiện bằng một nửa của khu vực và chiếm khoảng 40% Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Các chính phủ Liên minh Thái Bình Dương hiện chỉ có những bước nhỏ để can dự với các nước phía bên kia Thái Bình Dương. Colombia đã mở Đại sứ quán ở Thái Lan và lãnh sự quán ở Auckland và Thượng Hải, bắt đầu chia sẻ Đại sứ quán với các nước thành viên liên minh khác ở Singapore và Việt Nam. Bogota hiện cũng đứng trước ngưỡng cửa gia nhập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và muốn tham gia đàm phán Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các chính phủ châu Á cũng không chậm trễ. Trong tháng 1/2015, Trung Quốc đã đăng cai một hội nghị của Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribbe (CELAC). CELAC gồm tất cả các quốc gia Nam Mỹ, Mexico và nhiều nước Caribbe. Kế hoạch của Trung Quốc là bơm 250 tỷ USD đầu tư vào khu vực này và tăng gấp đôi kim ngạch thương mại lên mức 500 tỷ USD trong 10 năm tiếp theo.

Hàn Quốc cũng đã ký FTA với Chile, Peru, Colombia và có kế hoạch khởi động lại đàm phán FTA với Mexico. Nhật Bản - nước đã ký FTA với ba nước Liên minh Thái Bình Dương - cũng đang tham gia đàm phán với Colombia. Là thành viên ASEAN duy nhất có quy chế quan sát viên tại các hội nghị của Liên minh Thái Bình Dương, Singapore đã ký FTA với Chile, Peru và cùng đàm phán TPP với Mexico. Nước này cũng đã ký FTA với Costa Rica và Panama, hai nước có thể sớm gia nhập Liên minh Thái Bình Dương. Với định hướng toàn cầu của Singapore, không hề ngạc nhiên khi nước này tìm cách thúc đẩy một FTA giữa ASEAN và Liên minh Thái Bình Dương. FTA này sẽ giúp cả hai khu vực hài hòa thương mại, đẩy mạnh FDI xuyên Thái Bình Dương và thúc đẩy các lợi thế so sánh. Đây là nhận định của Omar Lodhi - người đứng đầu khu vực Đông Á của Abraaj - tập đoàn đầu tư có lợi ích ở các thị trường mới nổi.

Barry Desker - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam và từng là thành viên điều hành Ủy ban Phát triển Thương mại Singapore - nói: "Dù có thể không thích hợp để đưa ra dự đoán, nhưng một FTA giữa ASEAN-Liên minh Thái Bình Dương sẽ dễ dàng đạt được hơn TPP". Cả ASEAN và Liên minh Thái Bình Dương đang nhận thấy những thay đổi địa chính trị trong chính khu vực của mình, nơi các nước đồng thời hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và sự đảm bảo an ninh từ Mỹ. Tiến sĩ Marty Natalegawa - cựu Ngoại trưởng Indonesia - cho rằng các nước ở hai bên bờ Thái Bình Dương cần phải tăng cường sự kết nối của mình và "quyết tâm có một số tiêu chí và nguyên tắc cơ bản về cách xử lý mối quan hệ này như thế nào nhằm mang lại lợi ích không chỉ hôm nay mà còn cho nhiều thập kỷ tới đây".

Theo "Straits Times"

Vũ Hiền (gt)