Cuộc đối thoại không chính thức giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Benigno Aquino tại Bắc Kinh cuối năm ngoái đã đánh dấu lần trao đổi trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo và làm dấy lên hy vọng hòa giải mối quan hệ song phương trong năm nay. Tuy nhiên, đang có nhiều dấu hiệu cho thấy 2015 tiếp tục là một năm khó khăn. Gần đây, Ngoại trưởng Vương Nghị đã bào chữa cho hoạt động cải tạo và xây dựng gây tranh cãi của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp là “đúng luật pháp” đồng thời cáo buộc các bên tranh chấp khác cũng đang xây dựng trái phép.
Hành động nói trên diễn ra sau nhiều dấu hiệu căng thẳng gia tăng, như quyết định gần đây của giới chức Philippines đuổi việc 18 chuyên gia Trung Quốc làm việc tại Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Philippines (NGCP). Hiện Tập đoàn Điện lực Nhà nước Trung Quốc (SGCC) đang sở hữu 40% cổ phần trong NGCP. Chính phủ Philippines đã gián tiếp lấy quan ngại về an ninh làm cơ sở để từ chối gia hạn thị thực cho các công dân Trung Quốc nói trên, những người tham gia điều hành, duy trì và mở rộng lưới điện của Philippines.

Trung Quốc đã phản ứng bằng cách mới đây đã đâm ba tàu cá Philippines ở bãi cạn Scarborough, một thực thể tranh chấp cách Vịnh Subic của Philippines khoảng 198km về phía Tây và cách đường bờ biển gần nhất của Trung Quốc 900km. Bãi cạn Scarborough đã bị lực lượng bán quân sự của Trung Quốc chiếm đóng sau tình thế bế tắc nguy hiểm với Hải quân Philippines năm 2012. Trong bối cảnh căng thẳng trên biển gia tăng, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã kêu gọi ASEAN thể hiện sự đoàn kết và quyết tâm hơn nữa.

Hình ảnh vệ tinh mới nhất do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington cho thấy các hoạt động xây dựng mở rộng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, nơi Bắc Kinh được cho là đang xây dựng các cơ sở có thể phục vụ cả mục đích dân sự và quân sự. Chẳng hạn tại Đá Chữ Thập, một thực thể tranh chấp có tính chiến lược cao, đã được mở rộng gấp 11 lần, với khoảng 200 lính Trung Quốc đóng tại đây. Giới chức quốc phòng Philippines ước tính Trung Quốc đã hoàn tất gần một nửa dự án cải tạo tại Đá Chữ Thập, mà có thể có đường băng riêng vào cuối năm nay, mở đường cho khả năng áp đặt một Vùng Nhận dạng Phòng Không (ADIZ) trên Biển Đông. Điều này rõ ràng vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố của các bên về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC), trong đó kêu gọi các bên tranh chấp không đơn phương thay đổi hiện trạng. Trung Quốc cũng mới hoàn tất thống kê nguồn cá một cách toàn diện ở vùng biển tranh chấp, đồng thời vừa phát hiện mỏ khí Lingshui 17-2 cách tỉnh Hải Nam khoảng 150km về phía Nam.

Để đáp trả, Philippines đã quyết định cải tạo cơ sở tại các thực thể tranh chấp, đặc biệt là đường băng trên đảo Thị Tứ, thực thể lớn thứ hai thuộc quần đảo Trường Sa. Bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc là "đạo đức giả", Manila cho rằng hoạt động "sửa chữa" của mình "không thể so sánh được với hoạt động cải tạo quy mô lớn của Trung Quốc", mà theo đó làm thay đổi cơ bản và vĩnh viễn các thực thể tranh chấp. Đây là sự vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế.

ASEAN dường như đã ghi nhận tình trạng đáng báo động này. Tại Hội nghị Ngoại trưởng (FMM) diễn ra ở Kota Kinabalu (Malaysia) hồi đầu năm, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman tuyên bố các đại biểu tham dự hội nghị hai ngày này đều "chia sẻ quan ngại mà một số ngoại trưởng nêu ra về hoạt động cải tạo trên Biển Đông". Vài tuần sau, tại Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng diễn ra tại Kuala Lumpur, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thúc đẩy để đưa vấn đề DOC và Bộ Quy tắc ứng xử (COC) vào chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng dự kiến diễn ra vào tháng 11.

Với việc Singapore dự kiến đảm nhiệm vai trò quốc gia điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc vào tháng 8 tới, vẫn đang có sự lạc quan thận trọng rằng sẽ có sự thúc đẩy tích cực hơn trong vấn đề COC. Giới lãnh đạo hàng đầu Singapore ngày càng lớn tiếng kêu gọi một giải pháp dựa trên luật pháp cho tranh chấp trên Biển Đông. Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam gần đây tuyên bố sẽ làm hết sức có thể để có được COC.

Hiện ASEAN đang có kỳ vọng lớn về việc này, ít ra là đang có nhiều dấu hiệu cho thấy tất cả thành viên chủ chốt ASEAN đã không còn nhắm mắt làm ngơ trước hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Hiện tại là thời điểm để ASEAN củng cố nỗ lực thực hiện DOC và đàm phán những điểm chính cuối cùng trong COC, bằng không, những nước tranh chấp như Philippines sẽ có rất ít lựa chọn ngoài việc ngày càng dựa vào những chiến lược thay thế để đáp trả sự hung hăng của Trung Quốc trong tranh chấp biển đảo. 

Bài viết của bài viết của Richard Heydarian, Giáo sư chính trị học Đại học De La Salle (Philippines) đăng trên The Staits Times

Duy Anh (gt)