Tranh: Dân quân đảo Hải Nam, Trung Quốc

Theo Đới Húc, Nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học Bắc Kinh Trung Quốc, cho rằng vấn đề Biển Đông ngày càng phức tạp. Hàng loạt các dấu hiệu gần đây cho thấy một xu thế: khả năng giải quyết triệt để vấn đề Biển Đông trong một thời gian ngắn là không lớn. Trong tình hình đó, làm thế nào để thực hiện cân bằng giữa việc bảo vệ chủ quyền và giữ ổn định? Tác giả cho rằng, TQ cần học cách bảo vệ biên cương rất hiệu quả trong lịch sử, thành lập binh đoàn xây dựng và sản xuất ở Biển Đông.

Hiện nay, nhu cầu về tài nguyên của TQ ngày càng lớn, tài nguyên khoáng sản trong lục địa ngày càng cạn kiệt. Sự phụ thuộc của TQ vào tuyến đường biển đã ở mức sống còn. Giống như việc coi trọng biên cương trên đất liền trước đây, TQ cần coi trọng việc quản lý biên cương biển, nhằm ngăn ngừa hiểm họa. Do đó, TQ có thể thử nghiệm thành lập “binh đoàn xây dựng và sản xuất ở Biển Đông”.

Về tính chất và tổ chức biên chế có thể tham khảo mô hình của binh đoàn xây dựng và sản xuất ở Tân Cương trước đây. Đồng thời, căn cứ vào tài nguyên và địa lý các vùng biển để tổ chức thành các đoàn khảo sát dầu khí, đoàn sản xuất nghề cá, đoàn xây dựng cơ sở vật chất. Các đoàn đội này cần có tàu sản xuất, tàu hộ vệ vũ trang và tàu hậu cần, hình thành mạng lưới liên kết chặt chẽ, khi xảy ra khủng hoảng hoặc bị khiêu khích có thể phối hợp ứng phó.

Xét đến tình hình phức tạp hiện nay, TQ có thể khôi phục lại lực lượng dân binh ở Biển Đông như trước đây và rút một số tàu không chủ lực của hải quân, bộ đội chuyên nghiệp và một số đơn vị doanh nghiệp để thành lập “binh đoàn xây dựng và sản xuất ở Biển Đông.

Hiện nay, Malaysia, Philippines, VN đều đã xây dựng sân bay trên các. TQ có thể cân nhắc thu hồi một hoặc một số đảo này, cũng có thể xây dựng căn cứ dịch vụ hậu cần cỡ lớn ở khu vực TQ đang kiểm soát, trong đó gồm có sân bay, cầu tàu, các khu dự trữ, vận chuyển thiết bị và khu sinh hoạt. Chỉ có xây dựng được những căn cứ như vậy thì binh đoàn xây dựng và sản xuất mới có thể đứng chân lâu dài ở Biển Đông, các hạm đội viễn dương của TQ mới có thể vào đó nhận tiếp tế, sửa chữa.

Việc TQ thành lập binh đoàn xây dựng và sản xuất ở Biển Đông, một là sẽ trả được món nợ lịch sử, hai là thực hiện trách nhiệm triển khai xây dựng kinh tế biển, ngăn chặn và từng bước làm thay đổi tình trạng hiện nay ở Biển Đông, bảo vệ hòa bình khu vực và thế giới. Một Biển Đông hòa bình không chỉ phù hợp với lợi ích của TQ, mà còn phù hợp với lợi ích của Mỹ và các nước ven Biển Đông. Việc làm trên của TQ có thể lúc đầu sẽ gây ồn ào, nhưng thế giới sẽ rất nhanh coi đó là việc bình thường, giống như binh đoàn xây dựng và sản xuất ở Tân Cương hiện nay.

Điều quan trọng hơn là, TQ phải có đủ mọi điều kiện để thành lập binh đoàn xây dựng và sản xuất ở Biển Đông.

Thứ nhất, Biển Đông có thể làm chỗ dựa về hành chính và địa lý cho binh đoàn này. Tháng 3/1988, TQ đã sử dụng vũ lực đối với Việt Nam tại các đảo ở quần đảo Trường Sa. Sau đó một tháng, tỉnh Hải Nam chính thức được thành lập. Từ đó đến nay, Hải Nam chủ yếu tập trung xây dựng và khai thác ở lục địa đảo này. Biển Đông trực thuộc tỉnh Hải Nam, do đó Hải Nam nên là một trụ cột để bảo vệ chủ quyền Biển Đông.

Thứ hai, tàu cá và ngư dân tỉnh Hải Nam có tiềm năng rất lớn. Theo số liệu thống kê, Hải Nam hiện có hơn 26.500 tàu cá, khoảng hơn 250.000 người làm nghề cá, khoảng 1 triệu người dựa vào nghề cá để sinh sống. Việc khai thác tài nguyên ở Biển Đông không chỉ giải quyết được việc làm cho rất nhiều người, mà còn thúc đẩy kinh tế Hải Nam phát triển.

Ngoài ra, TQ đã có mấy chục năm kinh nghiệm trong việc xây dựng công trình, cầu đường, hơn nữa sức mạnh kinh tế và quân sự của TQ hiện nay đủ để làm hậu thuẫn cho việc thành lập binh đoàn xây dựng Biển Đông.

Biển Đông vừa đóng vai trò kinh tế, đồng thời cũng là một khu vực chiến lược quan trọng nhất của TQ trong tương lai. Việc thành lập binh đoàn xây dựng và sản xuất ở Biển Đông sẽ có lợi cho ngàn năm sau, mong các giới thống nhất tư tưởng, dưới ngọn cờ hòa bình và hợp tác, sớm thúc đẩy thành lập binh đoàn này.

Theo Thời báo Hoàn cầu

Quốc Trung (cộng tác viên tại Bắc Kinh)