Dù mối quan hệ của Hy Lạp với các quốc gia láng giềng vẫn căng thẳng nhưng những ngày sắp tới, mối đe dọa chính đối với chính phủ nước này sẽ chủ yếu đến từ trong nước. Lãnh đạo đảng Syriza, Alexis Tsipras, đã trở thành Thủ tướng với cương lĩnh tranh cử gồm: tăng mức lương tối thiểu, hủy bỏ thuế bất động sản, đảo ngược các cải cách chính mà "Bộ ba" chủ nợ quốc tế (gồm Ủy ban châu Âu - EC, Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB và Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF) đưa ra nhằm giảm thiểu áp lực từ những chính sách tài chính khắc khổ, yêu cầu các đối tác châu Âu đàm phán để tái cơ cấu "núi nợ", hiện đã lên tới 175% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Tuy nhiên, chính phủ mới phải chịu lùi bước những tuần gần đây để được kéo dài chương trình cứu trợ. Hy Lạp tiếp tục chấp nhận sự giám sát của các chủ nợ, cam kết không dừng lại tiến trình tư nhân hóa, tiếp tục cải tổ hệ thống lương hưu bất luận những biện pháp này sẽ tạo ra sự bất đồng lớn ngay trong chính phủ. 

Hy Lạp sẽ chứng kiến sự chia rẽ nội bộ trong đảng Syriza nổi lên. Đây là những mâu thuẫn ý thức hệ tương tự như vấn đề mà đảng này vấp phải trước bầu cử. Tháng 7/2013, Syriza, đảng trên thực tế là liên minh giữa các nhóm cánh tả, đã tổ chức đại hội để thảo luận về tổ chức và định hướng chính trị. Tsipras được phê chuẩn là lãnh đạo đảng với hơn 70% số phiếu ủng hộ. Nhưng một phe khác trong đảng, được biết đến với cái tên Cương lĩnh tả (Left Platform), đã giành được 30% số ghế trong ban chấp hành trung ương của Syriza. Nhóm này phản đối tiến trình tư nhân hóa các công ty trong những lĩnh vực chiến lược và ủng hộ việc để ngỏ khả năng Hy Lạp rời khu vực Eurozone. Dù sử dụng các ngôn từ ôn hòa hơn để thu hút cử tri, nhưng các mâu thuẫn ngay trong đảng chưa bao giờ được giải quyết triệt để. Sau bầu cử, Thủ tướng Tsipras đã chỉ định lãnh đạo nhóm Cương lĩnh tả, Panagiotis Lafazanis, làm Bộ trưởng Năng lượng, Môi trường và Tái thiết nhằm làm dịu đi sự phản đối từ nhóm này. 

Tuy nhiên, trong cuộc họp nội các ngày 23/2 thảo luận về các đề xuất của Hy Lạp với Eurozone, ông Lafazanis đã chỉ trích đề xuất của Athens về việc tiếp tục tiến trình tư nhân hóa các công ty nhà nước. Đảng Syriza và đối tác liên minh, đảng người Hy Lạp độc lập, kiểm soát 162 trên tổng số 300 ghế tại quốc hội nước này. Nếu những thành viên trong đảng Syriza nổi loạn hoặc đảng người Hy Lạp độc lập bỏ phiếu chống lại chính phủ, khả năng kiểm soát quốc hội của Thủ tướng Tsipras sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Nhóm Cương lĩnh cánh tả nắm giữ khoảng 30 ghế trong quốc hội Hy Lạp, điều này đồng nghĩa việc sự ủng hộ của nhóm này đối với Thủ tướng Tsipras là rất quan trọng để có được đa số phiếu.

Trong trường hợp có sự nổi loạn như vậy chống chính phủ, ông Tsipras sẽ phải hoặc bỏ đi một vài cam kết với EU và IMF hoặc phải tìm kiếm các đối tác khác để thông qua đề xuất gây tranh cãi này. Đảng trung dung Potami, hiện nắm giữ 17 ghế, dường như là lựa chọn phù hợp nhất nhưng sự ủng hộ của họ sẽ phải kèm theo các điều kiện, đáng chú ý có điều kiện không được để Hy Lạp vỡ nợ và giữ quan hệ tốt với EU. Syriza không thể nhận được sự ủng hộ của các đảng phái chính, bao gồm đảng trung hữu New Democracy và đảng trung tả, Phong trào Xã hội chủ nghĩa Panhellenic và sự hợp tác với đảng cựu hữu Golden Dawn. Hy Lạp dự kiến sẽ trình danh sách đầy đủ hơn các biện pháp cải cách với EU và IMF vào cuối tháng 4. Sự phê chuẩn của các chủ nợ này sẽ quyết định việc Hy Lạp có thể tiếp tục nhận được nguồn tiền vay từ chương trình cứu trợ (khoảng 7 tỷ euro mà Athens đang cần gấp).

Ngay cả khi liên minh của Thủ tướng Tsipras vượt qua được mâu thuẫn trong đảng, quốc hội Hy Lạp sẽ phải sớm thảo luận và thông qua luật liên quan đến những cam kết của nước này với nhóm Eurozone. Thủ tướng Tsipras sẽ chịu áp lực lớn nếu không ban hành một số chính sách mà chính phủ của ông vừa mới cam kết với EU, điều này cũng đồng nghĩa với việc đe dọa nghiêm trọng đến gia hạn chương trình cứu trợ Hy Lạp và địa vị thành viên Eurozone của nước này.

Theo Stratfor

Trần Quang (gt)