Theo tờ báo trên, thỏa thuận này được ký nhân chuyến thăm Campuchia của Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, trong đó Trung Quốc cam kết sẽ huấn luyện và nâng cấp trang thiết bị quân sự cho Campuchia. Chuyến hàng đầu tiên gồm 12 trực thăng sẽ được chuyển tới Campuchia trong thời gian tới.

Đã xuất hiện những lo ngại ngày càng tăng về các hành động của Trung Quốc trong khu vực này. Nhiều nước, gồm cả Việt Nam và Philíppin, đang lo ngại việc Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng. Trong khi đó, ông Hun Sen và chính phủ của ông ta được coi là thu lợi quá nhiều và quá nhanh trong chiến lược của Bắc Kinh tại khu vực này.

Thái độ của Bắc Kinh đối với những tranh chấp trên Biển Đông thường rất ngỗ ngược và luôn gây phiền hà. Tại hai hội nghị thượng đỉnh gần đây, Chủ tịch ASEAN Campuchia đã đóng vai trò người được Trung Quốc ủy nhiệm trong việc ngăn cản các nỗ lực của các nước thành viên nhằm khởi động các cuộc hòa đàm. Những tuyên bố của Bắc Kinh rằng họ sở hữu Biển Đông và tất cả các đảo cũng như bãi đá ngầm thường được hỗ trợ bởi chính sách ngoại giao ưa sử dụng vũ lực.

Việt Nam, Philíppin và hầu hết các thành viên ASEAN thường bị gây phiền hà bởi việc Trung Quốc từ chối thảo luận về các tranh chấp lãnh thổ. Thái Lan, nước không có những xung đột như vậy với Trung Quốc, đã tuyên bố sẽ thúc đẩy các giải pháp ngoại giao. Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkaew đã bày tỏ hy vọng tổ chức các cuộc thương thảo giữa Trung Quốc và Philíppin. 

Đầu tư kinh tế ồ ạt của Trung Quốc tại khu vực này cũng là một vấn đề. Có rất ít nghi ngờ rằng tại Campuchia, Mianma và một số nơi khác, Trung Quốc đang dùng sức ép tài chính nhằm đưa mục tiêu ngoại giao và quân sự của họ tiến xa hơn nữa.

Điều này liên quan trực tiếp tới Thái Lan. Các nhà theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan muốn Chính phủ Thái Lan bỏ qua các cuộc đàm phán với Campuchia và đối đầu với nước láng giềng trong vấn đề tranh chấp xung quanh ngôi đền Preah Vihear. Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha thậm chí đã nói rằng chiến tranh cũng là một sự lựa chọn mặc dù ông gọi nó là "giải pháp cuối cùng".

Ngoài huấn luyện và viện trợ quân sự, Trung Quốc cũng thỏa thuận sẽ xây dựng tuyến đường sắt dài hơn 400 km từ Preah Vihear tới Koh Kong. Tuyến đường này sẽ chạy gần như song song với đường biên giới Thái Lan-Campuchia.

Thỏa thuận xây dựng lục quân và tăng cường sức mạnh không quân cho Campuchia đang đặt cả Trung Quốc và Campuchia vào tình thế khó xử với toàn khu vực này. Nó xuất hiện đúng vào thời điểm khi căng thẳng giữa Thái Lan và Campuchia đang được đẩy lên xung quanh vụ tranh chấp có liên quan tới ngôi đền Preah Vihear.

Hy vọng Campuchia sẽ hiểu thỏa thuận quân sự của họ với Trung Quốc đang làm gia tăng những mối lo ngại đối với các nước láng giềng. Phnôm Pênh nên từng bước giải thích và làm giảm những căng thẳng này. 

Theo Bangkok Post

Văn Cường (gt)