Abe_IYNX.jpg

Luật an ninh mới của Nhật Bản cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) thực hiện "quyền tự vệ tập thể", chính chức khẳng định một quyết định của nội các Nhật Bản hồi tháng 7/2014 về việc "diễn giải lại hiến pháp hòa bình". Thủ tướng Shinzo Abe và đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã quyết tâm vượt qua cuộc bỏ phiếu bất chấp những cuộc biểu tình quần chúng lớn nhất từng được chứng kiến kể từ những năm 1960 do phong trào sinh viên vì hòa bình phát động. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy đa phần người dân Nhật Bản không ủng hộ luật an ninh mới. Nhiều học giả, luật sư và thẩm phán về hưu coi luật này là "vi hiến". Các đảng đối lập chính ở Nhật Bản như: Đảng Dân chủ, Đảng Đổi mới và Đảng Cộng sản đã tuyên bố "lật đổ" luật này, cam kết hợp tác chặt chẽ để giành lại quyền kiểm soát thượng viện trong các cuộc bầu cử vào năm tới.

Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ việc Nhật Bản thông qua dự luật này trong khi cả Mỹ, Philippines và Úc "ủng hộ nhiệt tình". Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố rằng dự luật này là cần thiết để đảm bảo an ninh cho nước Nhật trong một thế giới ngày càng bất ổn và cho phép Tokyo đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và an ninh quốc tế.

Các quyền hạn của phòng thủ tập thể mới có thể sẽ được áp dụng đầu tiên cho SDF làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan với những nguyên tắc can dự mạnh mẽ hơn. Nội dung chính của dự luật này là nhằm nâng cấp khả năng hoạt động của SDF trong việc phối hợp với các lực lượng đồng minh nhằm tăng cường sự răn đe chống lại sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc, trong đó có vụ tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản. Trong thời gian nội các Nhật Bản tranh luận về dự luật này, SDF đã tiến hành tập trận đổ bộ với lực lượng Mỹ tại California và cùng với các lực lượng Mỹ, Úc tham gia tập trận quân sự Talisman Sabre 2015 được tổ chức tại Úc.

Là một phần của sự tái định hướng chiến lược này, Chính quyền của Thủ tướng Abe đã nới lỏng các hạn chế xuất khẩu đối với những thiết bị liên quan đến quân sự- chẳng hạn thông tin liên lạc và các cảm biến được xuất khẩu sang Mỹ và Anh. Nếu giành được hợp đồng chế tạo tàu ngầm cho Úc, đây sẽ là lần đầu tiên sau chiến tranh Nhật Bản có thể xuất khẩu một hệ thống vũ khí chiến đấu lớn. Nhật Bản đã và đang chuyển giao tàu tuần tra bảo vệ bờ biển và máy bay giám sát hàng hải cho Philippines và Việt Nam. Điều này chứng tỏ Nhật Bản mong muốn hỗ trợ các nước ASEAN trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.

Để chuyển hướng sự quan tâm của dư luận về dự luật an ninh không được lòng dân, Thủ tướng Abe mới đây đã khởi động lại chương trình "Abenomics" với mục tiêu tăng GDP của Nhật Bản lên 600 nghìn tỷ yên vào năm 2020. Ông Abe tuyên bố sẽ có 3 "mũi tên" mới trong việc tái khởi động chương trình "Abenomics", đó là: một nền kinh tế hùng mạnh, hỗ trợ chăm sóc trẻ em và tăng cường an sinh xã hội. Tuy nhiên, với những khẩu hiệu mờ nhạt, ít nội hàm này, người ta có thể thấy rằng chương trình nghị sự về chính sách xã hội và kinh tế trong nước của Chính quyền Abe đã bị đình trệ. Kế hoạch chi tiêu của Chính phủ Nhật Bản cho tài khóa 2015-2016 là một con số kỷ lục: 102,4 nghìn tỷ yên. Việc nới lỏng định lượng hàng năm 80 nghìn tỷ yên của Ngân hàng Nhật Bản đã chứng kiến nợ công của nước này tiếp tục tăng trên 230% GDP.

Việc khuyến khích ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản thâm nhập sâu hơn vào thị trường xuất khẩu sẽ đem lại hy vọng cho ông Abe trong việc tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế. Tăng chi tiêu quốc phòng là một thành phần quan trọng của nỗ lực này nhằm kích thích đầu tư. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã yêu cầu một ngân sách kỷ lục khác cho tài khóa 2015-2016 là 5,09 nghìn tỷ yên, tăng 2,2% so với tài khóa 2014-2015.

Nếu Chính quyền Thủ tướng Úc Turnbull quyết định chọn hợp đồng đóng tàu ngầm với Nhật Bản, họ vừa hoàn thành mục tiêu chính trị trong nước là đảm bảo công việc sản xuất của Úc, vừa củng cố và làm sâu sắc quan hệ an ninh giữa Úc và Nhật Bản.

Theo "The Conversation

Hương Trà (gt)