Sau 12 năm thương thuyết, Iran và nhóm 6 nước (P5+1) - gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ, Anh và Đức - đã đạt được một hiệp định toàn diện. Hiệp định này chỉ cho phép Iran phát triển hạt nhân phục vụ các mục đích phi quân sự, đồng thời Iran sẽ dần được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ áp đặt với nước này trong nhiều năm qua. Đây là một thành công ngoại giao lớn.

Mặc dù tiến trình thương thuyết đã vấp phải nhiều chỉ trích tại Quốc hội Mỹ, Quốc hội Iran, tại Saudi Arabia, Israel và thậm chí tại Pháp, song các mối lợi tiềm tàng của thỏa thuận này là không thể phủ nhận. Thỏa thuận hạt nhân Iran cho thấy các nhà lãnh đạo thế giới, mặc dù có những quan điểm khác biệt về nhiều vấn đề như cuộc xung đột tại Ukraine và những tranh chấp tại Biển Đông, nhưng vẫn có thể cùng nhau giải quyết một vấn đề chung. Thỏa thuận này cũng khiến khả năng phổ biến vũ khí hạt nhân tại Trung Đông giảm đi, giúp tăng cường chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và cho phép bình thường hóa các quan hệ của Iran với phương Tây.

Việc chấm dứt cô lập Iran có khả năng tái định hình cấu trúc quyền lực ở Trung Đông theo 2 hướng: 

Hướng thứ nhất: Những sự kiện diễn ra phù hợp với hy vọng của các nhà thương thuyết P5+1 và Iran, với việc thỏa thuận này có thể khuếch trương tiếng nói của những người ủng hộ việc Iran đóng vai trò lớn hơn tại khu vực cũng như trên trường quốc tế. Trong trường hợp này, Iran sẽ "chìa tay" với Saudi Arabia và thuyết phục nước này rằng Tehran không có ý định tăng cường ảnh hưởng của mình hay gây tổn hại cho Saudi Arabia và các đồng minh Arập vùng Vịnh khác. Động thái này sẽ khiến Saudi Arabia cùng hợp tác với Iran trong việc sử dụng ảnh hưởng tại Syria để mang lại một thỏa thuận ngừng bắn giữa các lực lượng của chế độ và phiến quân, mở đường cho việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp có uy tín, có khả năng đẩy lùi các lực lượng của tổ chức khủng bố cực đoan "Nhà nước Hồi giáo" (IS). Tương tự, Saudi Arabia và Iran có thể hợp tác chấm dứt chiến sự tại Yemen bằng việc ủng hộ một thỏa thuận chia sẻ quyền lực tại đó.

Trong khi đó, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt - cùng với sự trở lại dần dần của các công ty quốc tế - sẽ tái khởi động nền kinh tế "ốm yếu" của Iran. Việc tăng cường mở cửa hướng về châu Âu và hướng về Mỹ một cách thận trọng hơn có thể khuyến khích những thành viên có tư duy cải cách của tầng lớp trung lưu Iran tìm kiếm tương lai của họ ở trong nước, thay vì di cư. Theo kịch bản này, Tổng thống Hassan Rowhani sẽ bất chấp sự phản đối của phe bảo thủ để theo đuổi những cải cách tối cần thiết ở trong nước. Trên cơ sở này, liên minh gồm các nhân vật cải cách và thực dụng của ông Rowhani có thể dễ dàng giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2016 và ông Rowhani có thể tái cử vào năm 2017.

Hướng thứ hai: Sự ủng hộ tại Iran đối với thỏa thuận hạt nhân không mạnh mẽ. Phái cải cách của ông Rowhani mong muốn cải thiện các quan hệ đối ngoại của Iran, còn các lực lượng bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa xung quanh nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei đang coi thỏa thuận trên là một công cụ cần thiết để xóa bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và tăng cường khả năng quân sự thông thường của Iran. Khi đó, các giáo sĩ theo đường lối cứng rắn sẽ phá hoại sự tin tưởng mà ông Rowhani đang xây dựng với các nước láng giềng của Iran bằng việc nhiều lần tuyên bố rằng thỏa thuận trên là sự công nhận ngầm của các cường quốc thế giới đối với sức mạnh của Iran. Lập trường này đã hỗ trợ những người ngoài nghi và khiến Saudi Arabia tiếp tục những nỗ lực xây dựng một "liên minh Sunni" để kiềm chế ảnh hưởng của Iran và tăng cường cuộc chiến chống lại các lực lượng ủy nhiệm của Iran tại các nước như Syria và Yemen.

Nếu căng thẳng khu vực tăng lên, tác động kinh tế của việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ là không đáng kể. Ông Rowhani và các đồng minh không thể tạo ra hy vọng về kinh tế cho những cử tri Iran. Điều này có thể khiến ông và các đồng minh thất bại trong các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống sắp tới, khiến những người bảo thủ và theo đường lối cứng rắn có thể kiểm soát một chính phủ mới. 

Trên thực tế, việc chấm dứt cô lập Iran đã khiến nhiều nước láng giềng của Iran quan ngại. Họ cho rằng khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Iran sẽ trở nên hùng mạnh hơn và có thể thách thức ảnh hưởng của các nước Arập vùng Vịnh. Do quan ngại về khả năng tái nổi lên của Iran trên trường quốc tế, các nước này đã tìm kiếm sự tái đảm bảo của Mỹ, đồng thời theo đuổi những chính sách không khoan nhượng hơn nữa tại Yemen hay Syria, nơi họ cho rằng có thể kiềm chế những tham vọng bá chủ của Iran.

Tác động của thỏa thuận hạt nhân Iran đối với Trung Đông sẽ phụ thuộc vào những năng động chính trị của Iran. Đa số quan chức Iran đều ủng hộ việc giải quyết tình trạng đối đầu hạt nhân và nhất trí rằng Iran không nên mãi mãi đối đầu với thế giới. Tuy nhiên, một số người tại Iran vẫn coi sự đối đầu này là một thành tố chủ chốt của bản sắc cách mạng nước này.

Theo Project Syndicate

Văn Cường (gt)