Theo nhà phân tích địa chính trị Jen Alic, thỏa thuận ngày 6/4 giữa tập đoàn khí đốt khổng lồ của Nga Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) có những nền tảng địa chính trị nhằm chống lại sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Thỏa thuận này đã cấp cho tập đoàn của Nga hai giấy phép khai thác các giếng khí đốt Mộc Tinh và Hải Thạch tại Biển Đông, ngoài khơi thềm lục địa của Việt Nam, và trao cho Gazprom 49% cổ phần của các giếng này, tương đương với 55,6 tỷ m3 khí đốt. Mặc dù các giếng khí đốt này nằm trong lãnh hải Việt Nam, nhưng thỏa thuận này đạt được khi các tranh chấp lãnh hải của Trung Quốc tại Biển Đông đang nóng lên và sự có mặt của Nga không phải là ngẫu nhiên. Thỏa thuận giữa Gazprom và PetroVietnam đạt được chỉ 1 tháng sau khi ông Vladimir Putin được bầu lại làm Tổng thống Nga. Các tuyên bố của giới quan chức Trung Quốc cho thấy sự quan ngại của họ và sự kết nối giữa liên doanh khí đốt trên với các tranh chấp lãnh thổ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nói: "Trung Quốc hy vọng công ty của các nước nằm ngoài khu vực Biển Đông sẽ tôn trọng và ủng hộ nỗ lực của các bên liên quan trực tiếp trong việc giải quyết tranh chấp thông qua thương thuyết song phương". Trung tâm của vấn đề là Biển Đông. Cách đây hơn 10 ngày, Trung Quốc và Philíppin đã rơi vào một bế tắc tại Biển Đông sau khi các tàu hải giám của Trung Quốc can thiệp để ngăn một tàu chiến Philíppin bắt giữ các ngư dân Trung Quốc gần khu vực bãi đá ngầm Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) đang tranh chấp. Cả hai nước đều tuyên bố bãi đá ngầm Scarborough là một "bộ phận lãnh thổ không thể tách rời" của họ (khu vực này giàu tiềm năng khí đốt). Hiện có 6 quốc gia và vùng lãnh thổ có tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo, bãi đá ngầm và rặng san hô tại Biển Đông là Trung Quốc, Philíppin, Việt Nam, Đài Loan, Malaixia và Brunây.

Biển Đông cũng có tầm quan trọng chiến lược đối với Nga. Khi Mỹ đang tạo "bàn đạp" Biển Đông của họ từ Philíppin, Nga cũng làm điều tương tự thông qua Việt Nam, trong khi Trung Quốc rõ ràng coi các diễn biến đó là tiềm tàng cho một xung đột rộng hơn tại đây. Cho đến nay, Mỹ vẫn đang chọn giải pháp đứng ngoài tranh chấp Trung Quốc-Philíppin. Mặc dù Oasinhtơn đã ký một hiệp ước phòng thủ đa phương với Manila, nhưng các quan chức cho rằng hiệp ước này không rõ ràng và mập mờ trong việc liệu Mỹ có đến hỗ trợ Philíppin để bảo vệ tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông hay không, thậm chí trong trường hợp có xung đột công khai trong khu vực. Trong khi đó, trong vài thập kỷ qua, Nga đã cố gắng xây dựng lại những quan hệ thời Xôviết của họ với Việt Nam. Nga đã cho Việt Nam vay 8 tỷ USD để xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam. Hơn nữa, trong số công nghệ vũ khí hiện đại mà Nga xuất khẩu sang Việt Nam có một danh sách khiến Trung Quốc không hài lòng vì số vũ khí này đang giúp Việt Nam tăng cường đáng kể năng lực quốc phòng. Ngoài ra, Nga rõ ràng đang cam kết xây dựng một căn cứ tàu ngầm và một nhà máy đóng tàu tại Việt Nam. Diễn biến cuối cùng sẽ là việc Việt Nam đồng ý cho phép Nga mở lại một căn cứ quân sự thời Liên Xô tại Việt Nam. Nói tóm lại, Nga đang giúp Việt Nam ít bị tổn thương hơn trước sự xâm lược của Trung Quốc và hợp đồng khí đốt mới nhất - tạo bàn đạp tại Biển Đông đang tranh chấp - là sự bảo vệ (của Nga đối với Việt Nam) mà Bắc Kinh không hoan nghênh. Mỹ cũng đang thực hiện một số lợi ích tại Việt Nam. Hai nước vừa tuyên bố sẽ thực hiện các hoạt động trao đổi hải quân "phi chiến đấu" tại cảng Đà Nẵng trong 5 ngày để nhấn mạnh những quan hệ chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Việt Nam. Đó cũng là một thông điệp rõ ràng với Trung Quốc trong bối cảnh bế tắc hiện nay giữa nước này và Philíppin. Tuyên bố trên được đưa ra khi Mỹ và Philíppin cũng đang tiến hành một cuộc tập trận hải quân tương tự, dự kiến kéo dài trong 2 tuần.

Theo "Oilprice" (ngày 21/4)

Vũ Hiền (gt)