Giáo sư Lưu Giang Vĩnh - chuyên gia về quan hệ Trung-Nhật thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh - nhận định: “Quan ngại lớn nhất là sự chồng lấn của các vùng phòng không Trung Quốc và Nhật Bản, trong đó có không phận bên trên quần đảo tranh chấp Điếu Ngư… dẫn đến nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột giữa các máy bay chiến đấu của hai nước. Để giảm thiểu nguy cơ này, vấn đề cấp bách đối với cả hai nước là thương lượng về quần đảo tranh chấp Điếu Ngư. Đó là tất cả những điều mà Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản. Bắc Kinh muốn Tokyo phải thừa nhận rằng có một cuộc tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo này”. Ông Từ Quang Dụ - Tướng về hưu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) - cũng nhất trí với nhận định của Giáo sư Lưu Giang Vĩnh khi nói: “Mục đích cuối cùng (của Trung Quốc) là buộc Nhật Bản ngồi vào bàn đàm phán để tránh những tính toán sai lầm và sự leo thang căng thẳng”. 

Hãng tin Kyodo của Nhật Bản đưa tin cựu Ủy viên Quốc vụ phụ trách giám sát chính sách đối ngoại của Trung Quốc, ông Đường Gia Triền, đã đưa ra đề xuất thương lượng trong một cuộc gặp với các chính trị gia Nhật Bản ở Bắc Kinh hôm 27/11. Ông nói: “Tương tự như cơ chế quản lý khủng hoảng song phương đã được các cơ quan quốc phòng Trung Quốc và Nhật Bản thiết lập, việc quản lý các hoạt động hàng không là điều cần thiết, và vấn đề này nên được thảo luận”. Tuy nhiên, đề xuất này có vẻ như không được đón nhận nhiệt tình ở Tokyo. Ngày 30/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói rằng nước ông “không thể chấp nhận bất kỳ yêu cầu thương lượng nào từ phía Trung Quốc xung quanh việc ADIZ sẽ hoạt động như thế nào”. Tờ "Thời báo Tài chính" dẫn lời Bộ trưởng Onodera nêu rõ: “Theo ADIZ của Trung Quốc, quần đảo Senkaku trở thành lãnh thổ Trung Quốc, vì thế Nhật Bản không thể chấp nhận điều đó”. 

Theo Giáo sư Nghê Lạc Hùng, chuyên gia quân sự ở Thượng Hải, có lẽ Bắc Kinh toan tính rằng nếu ADIZ của họ có hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp với Nhật Bản, điều đó có thể phát đi một tín hiệu tới các bên đang tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở Biển Đông. Giáo sư Nghê Lạc Hùng nhấn mạnh: “Chủ tịch Tập Cận Bình có lẽ đã thấy rằng Trung Quốc giờ đây đang ở trong một tình trạng tương tự với tình trạng mà nước này đã phải đối mặt dưới thời lãnh đạo của Mao Trạch Đông - cùng lúc đối mặt với các vấn đề chính trị trong nước và các mối đe dọa nghiêm trọng từ bên ngoài. Ông ấy có lẽ phải dùng đến biện pháp mạnh tay của Mao Trạch Đông”. 

Các chuyên gia phân tích nói rằng nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột quân sự thực sự giữa Trung Quốc và các nước khác vẫn ở mức độ hạn chế. Ông Bành Đình Hoa, một blogger quân sự tự do, nhận xét: “Các nước như Hàn Quốc và Mỹ cũng đã phản ứng dữ dội về ADIZ. Tuy nhiên, Trung Quốc không nhằm mục tiêu vào họ. Vì thế, hãy quên đi khả năng xảy ra một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Trung Quốc với Mỹ”.

Theo "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" (ngày 1/12)

Mỹ Anh (gt)