Vậy mà đây lại là sự thực. Cho rằng Pháp từ lâu đã trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Malaixia, vượt trên cả Mỹ, Trên thực tế, bất chấp sức ép của Mỹ, với ngân sách mua sắm trang thiết bị quân sự trên dưới 900 triệu euro mỗi năm, Malaixia đang đứng ở vị trí thứ 5 trong danh sách khách hàng công nghiệp quốc phòng của Pháp, sau hai nước vùng Vịnh là Arập Xêút và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, và hai nước thuộc nhóm BRICS là Braxin và Ấn Độ. Trường hợp của khách hàng Malaixia là một trong những thành công còn ít được chú ý của Pháp. Trong 10 năm qua, công nghiệp quốc phòng Pháp đã rất thành công với những hợp đồng không nhỏ ký với Malaixia: 2 tàu ngầm cổ điển lớp Scorpène (DCNS) năm 2002; 4 chuyên cơ vận tải A400M (Airbus quân dụng) năm 2005; 12 trực thăng vận tải chiến thuật EC725 (Eurocopter) năm 2010 và sẽ cung cấp cho khách hàng này 6 tàu khu trục Gowind trong năm 2012. Trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Pháp cũng thành công không kém. Hãng Airbus thực sự có một cuộc "càn quét" tại Malaixia, đặc biệt với việc AirAsia mua hẳn một phi đội 100% máy bay Airbus. Hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng Đông Nam Á này, với thành công của mình, sẽ trang bị nhiều máy bay A320 nhất thế giới (đặt hàng 375 chiếc, trong đó có 200 máy bay Neo). Ngoài ra, theo Tổng giám đốc AirAsia, Tony Fernandez, hãng này đang đề nghị mua thêm 15 chiếc A350 và đang tiến hành đặt hàng một phi đội A330-300 mới (gồm 5 máy bay A330-200). Trong khi đó, hãng Malaixia Airlines (MAS) đang sở hữu một phi đội 11 chiếc A330-300 (ngoài 13 chiếc chưa bàn giao), 3 chiếc A330-200. Eurocopter, chi nhánh sản xuất trực thăng của tập đoàn EADS, cũng bán được hơn chục sản phẩm cho khách hàng Malaixia. Năm 2007, hãng ATR (50% EADS, 50% Finmeccanica của Italia) đã bán được hơn hai chục chiếc ATR 72-500 cho hai chi nhánh của MAS. Cuối cùng, tháng 6/2011, nhà thầu viễn thông Measat đã lựa chọn công ty Astrium (thuộc EADS) sản xuất vệ tinh Measat-3B thay vì chọn Boeing như trước đây. 

Tại sao các khách hàng tại Malaixia lại ưu ái trang thiết bị của Pháp đến như vậy? Cũng như nhiều nước khác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với dân số gần 29 triệu người, Malaixia đang đạt được tăng trưởng cao về vận chuyển hành khách (+ 6,7% năm 2011). Hơn nữa, MAS và AirAsia đang nuôi tham vọng gia nhập sân chơi của các hãng hàng không lớn của thế giới. Từ đó tất yếu có nhu cầu nâng cấp mạnh mẽ về trang thiết bị để có thể trở thành các hãng hàng không tầm cỡ khu vực và quốc tế, cho dù hiện nay MAS đang gặp khó khăn và phải tự cơ cấu lại. Ngoài việc là điểm đến thuận lợi cho các nguồn đầu tư vào cảng hàng không và trang thiết bị bay, Malaixia còn muốn chuyển hướng từ vị trí khách hàng trở thành một nước sản xuất. Ý chí chính trị này đã được thể hiện ở Thủ tướng Najib Razak, cựu Bộ trưởng Quốc phòng giai đoạn 1999 – 2004, đồng thời là người rất hiểu chất lượng của các trang thiết bị và vũ khí Pháp, đặc biệt là trực thăng chiến đấu Tigre mà ông đã từng sử dụng. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 7% mỗi năm kể từ 50 năm nay, Malaixia thực sự có tham vọng vượt qua vị trí của một nước đang phát triển đứng vào hàng ngũ các nước phát triển, kể cả trong lĩnh vực hàng không và vũ trụ. Nhiều chuyên gia công nghiệp quốc phòng Pháp cho rằng chưa cần bàn đến một vị thế đồng đẳng hoặc gần ngang bằng với sức mạnh vũ khí của Mỹ, để có thể xuất khẩu, các tập đoàn vũ khí của Pháp buộc phải linh hoạt và năng động hơn, có nghĩa là phải tổ chức hợp tác công nghiệp kết hợp với chuyển giao công nghệ. Điều này đặc biệt phù hợp với trường hợp của Malaixia. Có thể lấy cơ chế hợp tác cùng có lợi giữa tập đoàn DCNS (chuyên về lĩnh vực hàng hải quân sự) với tổ hợp Boustead làm ví dụ. Chi nhánh đóng tàu BNS (xưởng đóng tàu hải quân Boustead), với lựa chọn thiết kế hạm đội hải quân Pháp, đã giành được hợp đồng sản xuất trang thiết bị hải quân trị giá 2,14 tỉ euro để có thể cung cấp cho Malaixia 6 tàu khu trục mẫu Gowind (các tàu này đều sẽ được BNS sản xuất tại Malaixia). 

Hoạt động tại Malaixia từ năm 2002, Eurocopter đang được coi là ví dụ tốt nhất cho cơ chế hợp tác quốc phòng nêu trên. Chi nhánh Eurocopter Malaixia, hiện đạt doanh số 105 triệu euro, đã trở thành một trung tâm bảo trì và hỗ trợ đối với tất cả các loại trực thăng tại khu vực Đông Nam Á (Malaixia, Thái Lan, Inđônêxia và Philíppin). Năm 2011, trong khuôn khổ đối tác công nghiệp, chi nhánh này đã ký thỏa thuận hợp tác với tập đoàn CTRM (Tổ hợp nghiên cứu công nghệ Malaixia), trong đó mấu chốt là hợp đồng EC725, cho phép đối tác địa phương trở thành nhà công nghiệp duy nhất trên thế giới cung cấp khung vòm cánh quạt EC130 cho máy báy trực thăng (đến nay chỉ sản xuất tại Pháp). Ngoài ra, cũng hợp tác với Airbus, CTRM đang có một danh sách đặt hàng tổng trị giá 1,5 tỉ euro. Trong lĩnh vực quốc phòng, các nhà công nghiệp thế giới không còn coi nhẹ Malaixia, quốc gia đang thực hiện một chính sách tham vọng hướng tới công nghiệp hàng không vũ trụ. Nhưng trước mắt, là một nước nằm hướng ra Biển Đông ở phía bắc, cũng như phần lớn các nước Đông Nam Á khác, Malaixia đang tăng cường vũ trang để có được một khả năng phòng thủ tin cậy trước sức mạnh của Trung Quốc, nguyên nhân của các mối căng thẳng trong khu vực. Quần đảo Trường Sa giàu tài nguyên năng lượng là nơi tranh chấp chủ quyền đối với nhiều nước, ngoài Trung Quốc và Việt Nam còn có Brunây, Malaixia, Philíppin và Đài Loan. Như lẽ tự nhiên, Malaixia đang tìm cách tăng cường khả năng chiến đấu cho lực lượng hải quân (tàu ngầm, tàu khu trục…), tương tự việc phần lớn các nước láng giềng đang trang bị cho mình các tàu ngầm cần thiết để bảo vệ lãnh hải. Bởi hiện nay, Trung Quốc đang triển khai một lực lượng gồm 63 tàu ngầm, trong đó có 8 tàu ngầm hạt nhân và 31 tàu tác chiến hiện đại./. 

Tin gốc:l'industrie aéronautique et de défense française s'est imposée en Malaisie

Theo La Tribune (ngày 10/2)

Viết Tuấn (gt)