Thông dụng hóa là một thuật ngữ kinh tế để mô tả tình trạng gần như là không tồn tại sự khác biệt lớn giữa các sản phẩm cạnh tranh, thay vào đó nó hoàn toàn được quyết định dựa trên giá cả. Các sản phẩm thông dụng hóa được xác định bởi tiêu chuẩn, công nghệ và đặc tính, thay vì thương hiệu hay tính độc đáo của năng lực. 

Dù quy mô còn tương đối nhỏ, với tổng giá trị chỉ từ 2-3 tỷ USD mỗi năm, theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), song thị trường vũ khí Đông Nam Á là thị trường phát triển nhanh chóng và là một trong những thị trường mở và cạnh tranh thực sự (so với Ấn Độ có truyền thống mua phần lớn vũ khí từ Liên Xô/Nga, hay Nhật Bản và Hàn Quốc phụ thuộc ít nhiều vào thị trường công nghiệp quốc phòng Mỹ).

Những yếu tố này là đặc biệt quan trọng, bởi “thị trường người mua” vũ khí đã tồn tại kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Do ngân sách mua sắm vũ khí trong nước giảm, các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu truyền thống ở Bắc Mỹ và châu Âu ngày càng mở rộng tìm kiếm thị trường mới để bù đắp cho thâm hụt của thị trường nội địa. Các tập đoàn quốc phòng châu Âu như BAE Systems, Saab, và Thales hiện có 3/4 thu nhập đến từ các thương vụ nước ngoài. Ngành vũ khí Nga có 90% thu nhập là từ xuất khẩu.

Cùng lúc đó, các nước sản xuất vũ khí khác đang nổi lên như là những nhà xuất khẩu cạnh tranh. Ngành công nghiệp quốc phòng Israel xuất khẩu hơn 75% sản lượng của mình, trong khi các nước như Trung Quốc, Ukraine, và Hàn Quốc tiếp thị vũ khí do họ sản xuất ngày càng mạnh mẽ. Xuất khẩu không chỉ trở nên quan trọng đối với sự tồn tại của hầu hết các nhà sản xuất vũ khí, thị trường quốc tế cũng đang bão hòa với sự đa dạng người bán. Hệ quả là sự hạn chế cung được thay thế bằng sự sẵn sàng bán đối với mọi loại vũ khí thông thường ở Đông Nam Á. Vấn đề chỉ là giá cả.

Một số hệ thống vũ khí hiện đại nhất đang được phổ biến trong khu vực, với rất nhiều nguồn cung. Nga đã bán máy bay Su-30 cho Indonesia, Malaysia, và Việt Nam; Indonesia cũng đang mua 24 máy bay F-16 cũ từ Mỹ. Philippines đặt hàng 12 máy bay tiêm kích FA-50 từ Hàn Quốc, trong khi Thái Lan mua 12 máy bay Gripen của Thụy Điển. Hải quân các nước khu vực cũng mua tàu ngầm từ Pháp, Đức, Hàn Quốc, Nga và Thụy Điển, cũng như các hệ thống trên bộ từ Trung Quốc, Pháp, Đức, Hà Lan, Nga, Hàn Quốc và Anh.

Lục quân Đông Nam Á thậm chí còn thu hút nhiều sự chú ý hơn. Lục quân Malaysia vận hành tăng của Ba Lan; xe thiết giáp từ Anh, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ; dàn hỏa tiễn (MRL) của Brazil; pháo của Nam Phi; vũ khí chống tăng của Pakistan, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, và Mỹ; tên lửa đất đối không (SAM) từ Nga, Trung Quốc, Pakistan, và Anh. Lục quân Indonesia được trang bị tăng Đức; xe thiết giáp của Pháp và Hàn Quốc, vũ khí chống tăng của Nga, Thụy Điển, và Mỹ; SAM của Trung Quốc, Pháp và Thụy Điển; và hiện đặt hàng MRL từ Brazil. 

Không nhà cung cấp nào chiếm thế áp đảo tại thị trường vũ khí Đông Nam Á. Trên thực tế, không nước nào chiếm quá 10% thị phần trong thập kỉ qua, theo số liệu của SIPRI; ngoại trừ duy nhất Nga với 44% thị phần, phần lớn với một quốc gia duy nhất: Việt Nam. Từ những khía cạnh này, người ta có thể suy luận rằng thị trường vũ khí Đông Nam Á ngày càng trở nên thông dụng hơn. Thực tế cho thấy do năng lực của các hệ thống vũ khí này được đánh giá tương đối cân bằng, giá cả chính là động lực đằng sau các thương vụ đó.

Sự thông dụng chắc chắn sẽ giúp các nhà cung cấp mới, như Brazil, Ba Lan, và Hàn Quốc đột phá vào thị trường vũ khí Đông Nam Á. Nó cũng giải thích làm thế nào Nga lại có thể có nhiều cơ hội xuất khẩu vũ khí trong khu vực, đặc biệt là máy bay tiêm kích. Tuy nhiên, do năng lực tương đối như nhau, giá cả không phải lúc nào cũng là yếu tố duy nhất có tác động lớn nhất đến các thương vụ. Thay vào đó, là một loạt yếu tố khác như tính khả tín, hỗ trợ hậu mãi (phụ tùng thay thế và nâng cấp), chuyển giao công nghệ và bù trừ (như bản quyền sản xuất), thậm chí là hối lộ.

Bên cạnh đó, các nước cũng có thể mua từ một nguồn cung riêng để đạt mục tiêu chính trị và/hoặc quân sự cụ thể, như củng cố đồng minh, thúc đẩy tương hỗ quân sự, hay quan hệ song phương chặt chẽ hơn. Ngược lại, một nước cũng có thể lựa chọn đa dạng hóa nguồn cung để phát đi tín hiệu không muốn quá phụ thuộc vào một nhà cung cấp. Vì những lí do chính trị, một số nước sẽ không mua vũ khí từ một số nguồn cung nhất định, bất kể năng lực và giá cả (chẳng hạn, Philippines và Việt Nam gần như chắc chắn không mua vũ khí Trung Quốc, hay Malaysia mua vũ khí của Israel).

Thị trường vũ khí Đông Nam Á có thể được xem là thông dụng hóa một phần, khi giá cả, chứ không phải thương hiệu, có thể thúc đẩy tiến trình ra quyết định mua vũ khí, song các yếu tố khác vẫn có tác động đáng kể. Dù có phải là thị trường thông dụng hóa hay không, thực tế cho thấy quân đội khu vực đang ngày càng mua sắm nhiều khí tài mà sẽ giúp nâng cấp và hiện đại hóa đáng kể năng lực chiến đấu của họ. Cuối cùng, đây sẽ là vấn đề tác động lớn đến an ninh và ổn định của khu vực.

Bài viết của nhà nghiên cứu cấp cao Richard Bitzinger thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS).

Thùy Anh (gt)