Theo bà Susan Rice, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, chuyến công du 8 ngày của ông Obama “là một cơ hội quan trọng” để khẳng định những nỗ lực không ngừng của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Một trong những ưu tiên hàng đầu của chuyến đi là đổi mới các mối quan hệ đồng minh, ủng hộ phát triển dân chủ, thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và quan hệ thương mại, đầu tư vào các cơ chế của khu vực như ASEAN, làm sâu sắc hợp tác văn hóa cũng như giao lưu nhân dân. Ngoại trừ thúc đẩy dân chủ, hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân, rõ ràng chuyến thăm vừa rồi của ông Obama chưa đạt được những kết quả mong đợi trong việc thắt chặt quan hệ đồng minh, thúc đẩy TPP và tăng cường đầu tư vào ASEAN. 

Với mục tiêu xây dựng quan hệ đồng minh, mục tiêu của Mỹ về việc tạo ra cơ chế hợp tác 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn đã không đạt được kết quả khả quan nào. Tại Nhật Bản, ông Obama đã từ chối không ở lại nhà khách do Thủ tướng Abe sắp xếp, không phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản và Đệ nhất Phu nhân Mỹ đã vắng mặt trong chuyến thăm cấp Nhà nước này. Mặc dù ông Obama đã công khai tuyên bố quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong khuôn khổ Điều 5 của Hiệp ước An ninh chung giữa Mỹ và Nhật Bản nhưng lại nói thêm là ông không đặt ra “giới hạn đỏ” nào cho Trung Quốc. Rõ ràng, Mỹ và Nhật Bản không có đủ sự tin tưởng lẫn nhau và cách tiếp cận của mỗi nước đối với mối quan hệ song phương cũng khác nhau. Ngoài ra, hai nước cũng không có sự phối hợp chặt chẽ cần thiết trong các chính sách đối với Trung Quốc. 

Hàn Quốc cũng muốn nhận được sự ủng hộ của Mỹ về an ninh một cách công khai như Nhật Bản. Các quan chức nước này cho rằng hiệp ước giữa Mỹ và Hàn Quốc nên bao gồm cả hòn đảo Dokdo đang có tranh chấp với Nhật Bản. Những tranh cãi hiện nay xung quanh những vấn đề trong lịch sử như tình trạng nô lệ tình dục đang là trở ngại lớn cho Hàn Quốc trong việc hợp tác với Nhật Bản. Vì vậy, sẽ rất thú vị để chờ xem trong tương lai ông Obama sẽ đáp lại yêu cầu trên của Hàn Quốc như thế nào. 

Với Philippines, cuối cùng hai nước cũng đã kết thúc quá trình đàm phán và kí kết hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng, tạo điều kiện cho lính Mỹ quay trở lại Philippines. Tuy nhiên, để đi đến được hiệp định này, hai bên đã phải nỗ lực rất nhiều để tìm đường vòng nhằm “lách” hiến pháp của Philippines. Bên cạnh đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng phải đối mặt với làn sóng phản đối ở trong nước. Ngoài ra, do hiệp định này không cần đến sự phê chuẩn của Quốc hội Philippines, nên quá trình thực hiện sẽ bị tác động bởi sự thay đổi chính quyền tại nước này. 

Thất bại lớn nhất của ông Obama là đã không đạt được thỏa thuận về đàm phán TPP, vốn được coi là trọng tâm chính trong chính sách “tái cân bằng” của Mỹ. Trên thực tế, ngay trước chuyến công du Nhật Bản, ông Obama đã có một số lo ngại. Lúc đầu ông chỉ muốn thực hiện một chuyến thăm làm việc đơn giản, nhưng sau đó chuyến đi đã bị kéo dài do phía Nhật Bản cho biết Nhật Hoàng Akhito muốn đích thân cám ơn Tổng thống Obama về sự ủng hộ của Mỹ sau thảm họa nguyên tử. Tình hình xấu đi khi một vài quan chức trong nội các Nhật Bản đến thăm đền Yasukuni. Mặc dù chính quyền Obama đã nhiều lần bày tỏ sự thất vọng khi giới chức Nhật Bản có các chuyến thăm ngôi đền gây tranh cãi này nhưng các chuyến viếng thăm vẫn tiếp tục được thực hiện. Thủ tướng Abe cho rằng ông Obama có thể đánh đổi những cam kết về an ninh đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để đạt được thỏa thuận về TPP và Nhật Bản có thể tận dụng điều này. Tuy nhiên, cuối cùng Nhật Bản vẫn không chấp nhận nhượng bộ đối với các sản phẩm nông nghiệp. Sau đó, khi đang ở thăm Hàn Quốc, ông Obama đã công khai phê phán nạn nô lệ tình dục trong thời kỳ Thế chiến thứ 2 như “một sự vi phạm nghiêm trọng và khủng khiếp đối với quyền con người”.

Chiến lược tái cân bằng của Mỹ có thể sẽ phải hứng chịu những hậu quả khó lường trước nếu nó phát triển theo hướng kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Trong lịch sử, Trung Quốc và Malaysia có mối quan hệ bạn bè hữu nghị. Chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ tới Malaysia sau 50 năm này phần nào nhằm mục đích chia rẽ quan hệ truyền thống này. Tuy nhiên, ông Obama vẫn lên tiếng phê phán tình hình nhân quyền ở Malaysia và cho rằng tình hình này “cần được cải thiện”. Điều này đã khiến Malaysia “phật ý”. Với Philippines, mặc dù Mỹ và Philippines đã ký hiệp định hợp tác quốc phòng, nhưng việc Mỹ có đứng ra để đối đầu với Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột tại khu vực bãi cạn Scarborough hay không thì còn phải xem xét.

Tóm lại, về cơ bản việc thực hiện chiến lược cân bằng của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang gặp khó khăn ngày một nhiều. Hiện Mỹ đang ở thế tiến thoái lưỡng nan trong việc triển khai chiến lược của mình ở khu vực: Nếu tiếp tục, sẽ là mạo hiểm vì sẽ đối đầu trực tiếp với Trung Quốc; nếu dừng lại, uy tín và ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực cũng như trên thế giới sẽ bị tác động.

Theo  “China US focus” (ngày 5/5)

Viết Tuấn (gt)