Trên thực tế, quyết định thành lập AIIB của Trung Quốc là một trong những sáng kiến ngoại giao quan trọng nhất trong khu vực và dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn cũng như mối quan tâm giữa các nước lớn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khi được khởi xướng tháng 10/2014 với số vốn dự kiến 50 tỷ USD, nhiều người lo ngại rằng nó có thể là một thách thức cho Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB). 

Tuy nhiên, hiện đã có quan điểm ở châu Á và các khu vực khác rằng mặc dù là các thể chế tài chính cung cấp nguồn vốn lớn cho toàn cầu trong hơn 50 năm qua nhưng ADB và WB đã bị Mỹ, cùng các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Đức và một số nước khác chi phối.

Nhu cầu phát triển hạ tầng trên toàn châu Á đã làm xuất hiện một khoảng cách tài trợ mà các thể chế tài chính cũ không thể lấp đầy. Về khía cạnh này, sáng kiến của Trung Quốc là kịp thời và được đưa ra bởi sức mạnh kinh tế và chính trị hiện tại của họ và người ta cũng có thể hiểu được lý do của những dự án đầy tham vọng của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng lập luận rằng AIIB sẽ chỉ tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng trong khi WB và ADB có thể phân phối nguồn vốn trong một loạt lĩnh vực kinh tế và xã hội. 

Hơn nữa, Bắc Kinh cũng than phiền rằng mặc dù họ là nền kinh tế lớn nhất châu Á, nhưng sức mạnh của Trung Quốc không được phản ánh trong các hoạt động thực tế của ADB. Một sự thật là Nhật Bản, nhà sáng lập ADB, không được hưởng quyền phủ quyết nhưng cùng với Mỹ kiểm soát khoảng 1/4 ngân quỹ trong khi Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 6%. Nhật Bản cũng luôn cố gắng giữ vai trò là Chủ tịch ADB kể từ khi ra đời đến nay. Bên cạnh đó, nỗ lực để tăng ngân quỹ của các nước đã thất bại và cảm giác về sự xa lánh là một trong những lý do thúc đẩy Trung Quốc đưa ra sáng kiến AIIB.

Bởi nghi ngờ về sự thống trị của phương Tây cũng như nhờ sự phát triển tự tin của mình sau khi đạt sự tăng trưởng kinh tế đáng kể trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã quan tâm đến việc mở rộng ảnh hưởng kinh tế của mình trong khu vực. Đề nghị thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước Á-Âu bằng cách đóng góp 40 tỷ USD cho quỹ “Con đường Tơ lụa” là một sáng kiến khu vực của Bắc Kinh để tăng cường ảnh hưởng của mình. Khi được công bố vào tháng 10/2014, đã có 21 quốc gia tham gia AIIB, chủ yếu là các quốc gia châu Á. Tuy nhiên, AIIB đã không có sự hiện diện của Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc. Washington đã cố gắng vận động và thuyết phục các đồng minh và đối tác thân cận của mình không ủng hộ AIIB vì cho rằng AIIB sẽ làm suy yếu sự vượt trội của Mỹ ở khu vực. 

Có thể nhìn thấy một số khác biệt lớn trong thái độ của Mỹ và Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng các ngân hàng đầu tư hạ tầng mới nên đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị và tính minh bạch trong chính sách cho vay. Nhiều người ở Mỹ và Nhật Bản lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng các ngân hàng mới như một công cụ để thúc đẩy các mục tiêu chính trị và kinh tế của riêng Bắc Kinh, đồng thời cũng bày tỏ quan ngại về một số khía cạnh mơ hồ trong các đề nghị của AIIB. 

Để xua tan những quan ngại và ngờ vực, Trung Quốc đã tuyên bố nước này sẽ không thực hiện bất kỳ quyền phủ quyết nào trong AIIB. Điều này rõ ràng là nhằm lôi kéo các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia ủng hộ và tham gia AIIB. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng thừa nhận rằng về các thủ tục và cách thức hoạt động, AIIB phải học hỏi từ WB, ADB cũng như các thể chế tài chính toàn cầu khác. Ông Jim Liqun, người được lựa chọn làm Tổng Thư ký và thúc đẩy việc thiết lập AIIB, cũng nhấn mạnh: "Trung Quốc sẽ không ép buộc hay dọa nạt mà sẽ cùng làm việc với các thành viên để đạt được sự đồng thuận trong tất cả các quyết định của AIIB, Trung Quốc sẽ không lạm dụng quyền hạn với tư cách là cổ đông lớn”. 

Ngày 31/3 là hạn chót để các nước tham gia với tư cách là thành viên sáng lập. Sau thời điểm này các mước vẫn có thể tham gia AIIB như thành viên bình thường và sự khác biệt với các thành viên sáng lập là họ sẽ không có vai trò trong việc xác định các quy tắc và quy định của AIIB. Điều này đã mang đến một cảm giác mạnh mẽ giữa các đồng minh phương Tây rằng khi là thành viên sáng lập, họ có thể kiềm chế và điều tiết Trung Quốc tại thời điểm quyết định về các quy tắc và quy định của AIIB.

Các đồng minh quan trọng của Mỹ như Anh, Đức, Italy, Hàn Quốc và Australia đã quyết định tham gia AIIB. Quyết định tham gia AIIB của Anh ngày 12/3 đã tạo lên một xu hướng tham gia của nhiều nước châu Âu. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne thậm chí còn nói rằng AIIB sẽ lấp đầy khoảng trống lớn trong đầu tư hạ tầng ở châu Á. Ông nói rằng việc tham gia AIIB ở giai đoạn này sẽ tạo ra "một cơ hội tuyệt vời cho Vương quốc Anh và châu Á đầu tư và phát triển cùng nhau".

Một số quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), WB và ADB cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với AIIB. Ngày 24/3, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao đã có cuộc thảo luận với Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ và bày tỏ hy vọng sẽ hợp tác với AIIB trong các cơ hội lớn xây dựng cơ sở hạ tầng. Điều này cũng được đưa ra trong tuyên bố của Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde. 

Mặc dù các xu hướng hình thành AIIB đang được ủng hộ mạnh mẽ nhưng Mỹ và Nhật Bản quyết định không tham gia AIIB. Các quan điểm của Nhật Bản khá chia rẽ về vấn đề này. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso ngày 20/3 cho biết Nhật Bản sẽ thận trọng trong quyết định của mình vì những cam kết mạnh mẽ đối với Mỹ cũng như mối quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh. Còn Ngoại trưởng Fumio Kishida ngày 30/3 phàn nàn rằng Tokyo đã không nhận được bất kỳ sự bảo đảm rõ ràng nào để xua tan lo ngại về quyền điều hành AIIB. Tuy nhiên, các nhóm doanh nghiệp lớn ở Nhật Bản lo ngại rằng họ có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư khi nó rơi vào tay các quốc gia phát triển phương Tây. Sau khi quyết định không tham gia AIIB, sẽ thật thú vị khi xem Mỹ và Nhật Bản áp dụng chiến lược gì trong những tháng tới.

Theo The Pioneer (Ấn Độ)

Duy Anh (gt)