Khi sóng gió nổi lên ở Hoàng Hải, Nam Hải (Biển Đông), nhiều người liên tưởng đến việc Trung Quốc đang chế tạo hàng không mẫu hạm. Nếu như hiện nay Trung Quốc đã có hàng không mẫu hạm thì tình hình sẽ ra sao? Mỹ - Hàn có tiến hành diễn tập không? Clinton có nói “Nam Hải (Biển Đông) là lợi ích của Mỹ” không? Việc Trung Quốc có hàng không mẫu hạm được cho rằng chỉ còn là vấn đề thời gian. Phương Tây dự đoán khoảng năm 2012-2015 và có người còn cho rằng đến lúc đó Trung Quốc sẽ có 6 chiếc hàng không mẫu hạm. Nếu đúng như vậy thì lực lượng hàng không mẫu hạm của Trung Quốc sẽ đứng đầu châu Á, nhưng vẫn còn kém xa Mỹ cả về trọng tải của tàu và số lượng máy bay trên các hàng không mẫu hạm.

 

Trung Quốc và phương Tây có một mối lo ngại chung. Đó là Mỹ và Trung Quốc sẽ đi đến đối đầu như giữa Nhật và Mỹ ở Thái Bình Dương trước đây. Thực ra, tranh giành quyền lợi trên biển với Mỹ là một hạ hạ sách, chính sách của Trung Quốc hiện nay không có điều này, tương lai cũng sẽ không có. Nếu Mỹ coi Trung Quốc là “kẻ thù trên Thái Bình Dương” thì đó là một sai lầm lớn, bởi vì đó sẽ là một tai hoạ cho toàn thế giới.

 

Trung Quốc có sử dụng hàng không mẫu hạm và lực lượng hải quân để giải quyết lãnh thổ với các nước xung quanh không hoặc có cho Mỹ một bài học không? Nếu Trung Quốc có thể khống chế được quy mô xung đột và từ đó giành được sự nhượng bộ chiến lược của các nước bá quyền thì có thể mạo hiểm như vậy. Nhưng cần phải thấy rõ, sự ác liệt của xung đột không chỉ phụ thuộc vào một phía Trung Quốc và hiệu ứng chính trị của xung đột sẽ mở rộng ra toàn cầu. Lợi ích của Trung Quốc ở nhiều nơi trên thế giới sẽ đứng trước những thách thức khó xác định. Nếu coi đó là “trung sách” thì Trung Quốc cần phải hết sức thận trọng.

 

Chế tạo hàng không mẫu hạm để sử dụng, nhưng nên dùng vào việc tăng cường sức uy hiếp chiến lược và để bảo vệ hoà bình. Trung Quốc có hàng không mẫu hạm khác với Trung Quốc chưa có hàng không mẫu hạm. Hàng không mẫu hạm sẽ giúp Trung Quốc hoá giải tranh chấp quốc tế, chứ không trực tiếp tham gia giải quyết các vấn đề cụ thể. Đây mới là thượng sách trong việc dùng hàng không mẫu hạm.

 

Hàng không mẫu hạm không thể giúp Trung Quốc giải quyết ngay được vấn đề an ninh trên biển, 5 - 6 chiếc cũng không đủ, thậm chí gấp đôi cũng không thể làm được. Chỉ có thông qua việc tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, bao gồm cả sức mạnh mềm, kết hợp với ngoại giao có trí tuệ và có sức tưởng tượng, mới có thể từng bước xoá bỏ những trở ngại trên biển, nhằm giúp Trung Quốc trỗi dậy.

 

Trung Quốc cần phải hiểu rõ, thông qua việc chế tạo hàng không mẫu hạm để thay đổi cán cân lực lượng “Trung Quốc mạnh Mỹ yếu” ở khu vực Thái Bình Dương sẽ không thể thực hiện được trong một thời gian rất dài nữa. Thông qua tăng cường lực lượng quân sự để đe doạ các nước xung quanh, khiến xung quanh trở thành “châu Á của Trung Quốc” cũng không thể thực hiện được. Nhật Bản trước đây đã từng theo đuổi mục tiêu này, kết quả là mang lại tai họa cho đất nước.

 

Trung Quốc là Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ duy nhất chưa có hàng không mẫu hạm. Việc Trung Quốc chế tạo hàng không mẫu hạm đã được nhiều nước thông hiểu, thậm chí có quan chức cấp cao của Mỹ bày tỏ “hoan nghênh hàng không mẫu hạm Trung Quốc thăm Mỹ”. Về việc chế tạo hàng không mẫu hạm, Trung Quốc đã có một khởi đầu tốt. Nhưng trong thời gian tới làm thế nào để thế giới chấp nhận một cách bình lặng hàng không mẫu hạm của Trung Quốc, quá trình này vẫn còn rất nhiều khó khăn.