Điều đáng chú ý hiện nay là ASEAN có vẻ hăng hái hơn trong việc tiếp cận các vấn đề liên quan đến tranh cãi chủ quyền tại khu vực này. Trước thời điểm tháng 7/2010, ASEAN rất rụt rè và sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc theo cơ chế song phương từng được áp dụng trong gần hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, hiện giờ điều đó dường như đã thay đổi khi các nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền đẩy mức cảnh báo lên cao hơn và kiên quyết công khai hóa tranh chấp. Diễn biến mới này tất sẽ khiến bầu không khí tại khu vực Biển Đông nóng thêm.

Năm ngoái, Mỹ - nước luôn đứng bên lề theo dõi cuộc tranh chấp trên Biển Đông - đã can dự tích cực hơn với các nước ASEAN dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh, đảm bảo tự do và an toàn tuyến hàng hải qua khu vực này. Động thái đó của Mỹ đã giúp các nước thành viên ASEAN đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông có thêm động lực. Tuy nhiên, điều này cũng khiến triển vọng giải quyết tranh chấp trở nên phức tạp hơn. Vấn đề đang được quan tâm là liệu có bên nào dám để căng thẳng hiện nay leo thang thành cuộc xung đột vũ trang với sự tham gia trực tiếp của các siêu cường? Dù muốn hay không, sẽ có những cái giá đáng kể nào đó phải trả cho tương lai của mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc. Bằng cách nào đó, các nước ASEAN sẽ phải vượt qua sự khác biệt về lập trường vì lâu nay các nước có và không có tranh chấp ở Biển Đông không trực tiếp trao đổi thẳng thắn với nhau khi đề cập đến mối quan hệ toàn cục giữa ASEAN với Trung Quốc.

Theo báo "Dân tộc", một vấn đề cũng đáng lưu ý là khi Trung Quốc trở nên quyền lực hơn, có nhiều ảnh hưởng chính trị hơn và được thế giới công nhận thì ASEAN lại tìm đến các cường quốc khác để có được cảm giác yên tâm từ các cam kết của họ. Bằng cách quốc tế hóa tự do và an toàn hàng hải trên Biển Đông, các nước này muốn tạo đối trọng để chống lại sự quyết đoán hơn của Trung Quốc. Đây là một ý tưởng sai lầm vì Trung Quốc sẽ không chịu khuất phục. Những gì đang diễn ra sẽ chọc tức giới lãnh đạo Trung Quốc, khiến họ chủ trương cứng rắn hơn với ASEAN và kết cục dẫn đến bất ổn toàn bộ khu vực và về lâu dài triệt phá mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc.

Khác với Mỹ, Trung Quốc gần gũi với ASEAN về địa lý và mọi tác động tiêu cực từ phương Bắc đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới ASEAN. Báo "Dân tộc" cho rằng các nước ASEAN không quên Mỹ cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn cả ở trong và ngoài nước. Vì thế, ASEAN cần tỏ ra khôn ngoan hơn trong lập trường và trong giải quyết các bất đồng chính trị nội bộ, nhất là trong các vấn đề liên quan đến quan hệ giữa ASEAN với các siêu cường. Nếu không có một lập trường chung về vấn đề này, ASEAN rốt cuộc sẽ suy yếu. Nếu muốn nâng cao vị thế trên trường quốc tế, các nước thành viên ASEAN trước tiên phải tự giải quyết các vấn đề nội bộ của mình.

  Theo Nationmultimedia

 Hương Trà (gt)