Lâu nay, Đài Loan có chủ quyền với đảo Thái Bình lớn nhất tại Biển Đông và cũng đã tuyên bố có chủ quyền tuyệt đối đối với các đảo tại Biển Đông. Nhưng việc đàm phán và ký kết DOC gần đây, kể cả Đại lục hoặc các nước ASEAN đều không tìm đến Đài Loan. Đài Loan dường như bị cố ý lãng quên trong vấn đề Biển Đông.

Trong năm qua, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Văn phòng công tác Đài Loan của Đại lục không hẹn mà gặp, đều nhấn mạnh việc hai bờ phải cùng nhau bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn chủ quyền tại Đông Hải và Biển Đông.

Đưa Đài Loan vào vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh muốn kêu gọi hợp tác hai bờ, vì đảo Thái Bình có vị trí quan trọng cho cung cấp bổ sung, linh hoạt về chiến thuật quân sự. Đi sâu hơn nữa, Đại lục muốn từ hợp tác kinh tế sẽ lan toả sang hợp tác quân sự giữa hai bờ, trực tiếp đi vào cốt lõi quan hệ chính trị hai bờ.

Sự lan toả này không chỉ thể hiện “đại dân tộc chủ nghĩa” mà còn là bước tiến quan trọng của Đại lục trong công tác Đài Loan. Nhưng vấn đề Biển Đông vốn dĩ phức tạp, hiện tại Đài Loan và Đại lục chưa thể bàn về tin cậy quân sự, nói gì đến xử lý vấn đề Biển Đông; nếu muốn từ vấn đề Biển Đông để đi đến cơ chế hợp tác bàn bạc trao đổi quân sự thì càng không thực tế chút nào, thậm chí còn làm đảo lộn nhân quả.

Mỹ muốn can thiệp vào Biển Đông, lấy đó làm cớ để trở lại châu Á, mục đích đã quá rõ. Thực chất của vấn đề Biển Đông là quan hệ Mỹ - Trung. Mỹ đương nhiên muốn Đài Loan đi theo sách lược Biển Đông của mình, không chấp nhận việc hai bờ liên kết với nhau trong vấn đề này; chỉ có điều là việc Đài Loan muốn tiến vào thị trường “10+1” này, “sờ tay vào củ khoai nóng” qua Trung Quốc và ASEAN thì chẳng khác gì tự lấy đá đập vào chân mình. Đương nhiên, Đại lục cũng không muốn vì liên kết mà Đài Loan lại được ngồi vào bàn đàm phán quốc tế về vấn đề Biển Đông. Bị kẹp giữa hai con voi này, cho dù là hình thức hay thực chất, tình thế của Đài Loan thực sự vô cùng khó khăn./.

Vũ Việt (gt)