Lầu Năm Góc bắt đầu triển khai các kế hoạch biến Lãnh thổ Bắc Ôxtrâylia thành một trung tâm tác chiến của quân đội Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngày 4/4, đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên đã tập kết tại thành phố Darwin. Các tàu chiến và máy bay ném bom đường dài của Mỹ nỗ lực chuẩn bị sử dụng các căn cứ và máy bay trinh sát không người lái đã có mặt tại căn cứ không quân trên quần đảo Cocos của Ôxtrâylia ở Ấn Độ Dương. Việc triển khai lực lượng này của quân đội Mỹ được tiến hành theo thỏa thuận giữa Chính quyền Obama và Chính phủ Công đảng của Thủ tướng Julia Gillard tháng 11/2011. Đợt triển khai đầu tiên của Mỹ tại Darwin chỉ có 200 lính thủy đánh bộ, nhưng sau đó quân số sẽ tăng lên 2.500 binh sĩ vào năm 2017. Bên ngoài, Mỹ tuyên bố sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Ôxtrâylia chỉ nhằm mục đích huấn luyện binh sĩ và thúc đẩy khả năng phối hợp tác chiến giữa các lực lượng Mỹ và Ôxtrâylia, đồng thời góp phần vào việc cứu trợ thảm họa thiên tai trong khu vực. Thực tế, việc đồn trú của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại Darwin là một bộ phận trong các kế hoạch lớn hơn của Mỹ nhằm bảo đảm hậu cần, nâng cấp và mở rộng các bến cảng cũng như các căn cứ quân sự của Ôxtrâylia phục vụ ý đồ quân sự của Mỹ trong khu vực. Hoạt động quân sự của Mỹ tại Bắc Ôxtrâylia chỉ là một phần trong chiến lược trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Obama nhằm ngăn chặn và xóa bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Chính quyền Obama có ý đồ bao vây Trung Quốc bằng một mạng lưới các nước đồng minh và căn cứ nhằm tăng cường ưu thế chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Việc Mỹ nhanh chóng tăng cường sức mạnh nhằm ngăn chặn Trung Quốc đang gây nhiều lo ngại trong giới lãnh đạo tại Ôxtrâylia, các nước khu vực và thế giới. Cuộc đối đầu và căng thẳng trong những ngày gần đây giữa tàu chiến của hải quân Trung Quốc và Philíppin cho thấy nguy cơ nổi lên một cuộc xung đột quân sự trong khu vực.

Oasinhtơn tích cực ủng hộ Philíppin khẳng định chủ quyền trên các vùng biển tranh chấp với Trung Quốc, dẫn đến căng thẳng ngày càng tăng giữa hai nước. Tại Oasinhtơn, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Zbigniew Brzezinski lên tiếng cảnh báo mối đe dọa của một cuộc đối đầu Mỹ-Trung. Giới chính trị ngoại giao và quân sự Ôxtrâylia cũng hết sức lo ngại trước sự liên kết vô điều kiện với Mỹ chống Trung Quốc của Chính quyền Gillard. Mặc dù không phái nào trong giới cầm quyền Ôxtrâylia đặt dấu hỏi về liên minh quân sự với Mỹ 70 năm qua, nhưng nhiều quan chức lo ngại quan điểm chống Trung Quốc có thể đe dọa những lợi ích thương mại của các công ty Ôxtrâylia. Hiện Trung Quốc là quan hệ đối tác thương mại lớn nhất của Ôxtrâylia và là thị trường xuất khẩu khí đốt và các loại khoáng sản chủ yếu của Ôxtrâylia. Ngày 12/4, Tướng Peter Leahy, cựu chỉ huy quân đội Ôxtrâylia, cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại trước liên minh quân sự Mỹ-Ôxtrâylia. Mặc dù Tướng Leahy ủng hộ Mỹ triển khai lực lượng lính thủy đánh bộ ở Darwin và chú trọng châu Á là sự trả giá cần thiết cho liên minh Mỹ-Ôxtrâylia, song ông cũng cảnh báo dư luận có thể rất lo ngại nếu Mỹ triển khai chiến lược trở lại châu Á quá vội vàng hoặc thiếu tính toán và Trung Quốc nhận thấy họ đang bị bao vây phong tỏa. Ông khẳng định, các thỏa thuận căn cứ giữa Mỹ và Ôxtrâylia, không được thảo luận công khai, là những quyết định ẩn chứa nhiều hậu quả nghiêm trọng. Chúng có thể lôi kéo Ôxtrâylia vào hàng loạt hoạt động gây căng thẳng và thậm chí xung đột với Trung Quốc. Thực tế, các kế hoạch triển khai lực lượng của Mỹ tại Ôxtrâylia không thể không thu hút sự chú ý của Trung Quốc. "Nhân dân Nhật báo" của Trung Quốc ngày 11/4 cảnh báo, nếu Canbơrơ tiếp tục quá chú trọng liên minh với Oasinhtơn, điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ tốt đẹp mà hai nước nỗ lực xây dựng nhiều năm qua./. 

Theo Wsws (ngày 14/4)

Viết Tuấn (gt)