Theo bài báo trên, cuộc tìm kiếm các nguồn dầu thô đang thúc đẩy nhiều nước tiến hành thăm dò tài nguyên dầu mỏ ngoài khơi trong "vùng đặc quyền kinh tế" (EEZ), được xác định là nằm trong vòng 200 hải lý tính từ bờ biển của một quốc gia theo điều 55, chương 5, Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, những khó khăn đã nảy sinh ở những vùng biển có lưu lượng giao thông hàng hải đông đúc, nơi các tuyên bố về chủ quyền chồng chéo đã tạo ra tranh chấp. Một trong những khu vực tranh chấp nhiều nhất trên thế giới hiện nay là quanh quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

Quần đảo Trường Sa gồm hơn 750 đảo lớn, đảo nhỏ, đảo san hô, cồn đảo mà Trung Quốc, Philíppin, Đài Loan, Việt Nam, Malaixia và Brunây đang tranh chấp. Mặc dù không có dân sinh sống, song khoảng 45 hòn đảo của Trường Sa có quân đội của Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Malaixia và Philíppin đóng quân, nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền quốc gia của những nước này. Với tiềm năng về tài nguyên, khả năng xảy ra đối đầu ở đây là rất lớn và đã xảy ra.

Tuần trước, Philíppin cho biết họ đã chính thức phản đối Trung Quốc về ý định của nước này lắp đặt một giàn khoan dầu ở khu vực đang tranh chấp thuộc Biển Đông. Đại biện lâm thời của Trung Quốc tại Manila đã bị Bộ Ngoại giao Philíppin triệu đến để "yêu cầu Đại sứ quán Trung Quốc làm rõ về sự xuất hiện gần đây của một tàu hải giám và các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc (ở khu vực mà Philíppin tuyên bố chủ quyền)". Các quan chức Philíppin truy vấn các nhà ngoại giao Trung Quốc về ý định của Bắc Kinh vào tháng 7 tới sẽ lắp đặt một giàn khoan dầu khí trên vùng biển gần đảo Douglas Amy Bank, nằm hoàn toàn trong vòng 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philíppin. Vị trí lắp đặt giàn khoan cách khoảng 26 hải lý tính từ Flat Island, một trong những phần nổi thuộc quần đảo Trường Sa bị Philíppin chiếm đóng, và cách đảo Palawan của Philíppin 125 hải lý. 

Vấn đề trên là một mớ phức tạp liên quan đến luật pháp quốc tế, do Trung Quốc đòi chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng như các vùng biển liền kề, trong khi Việt Nam nhất quyết cho rằng bất kỳ công trình xây dựng nào trong khu vực này đều vi phạm thỏa thuận ký kết giữa Trung Quốc và 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002.

Trên mặt trận ngoại giao, tháng 3/2011, Philíppin đã đệ đơn chính thức lên Liên hợp quốc phản đối đòi hỏi của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển xung quanh.

Các tranh chấp đối với quần đảo Trường Sa có liên quan rất lớn tới cuộc đua của các nước tìm kiếm nguồn năng lượng dầu khí ngoài khơi. Sức mạnh kinh tế và quân sự khổng lồ của Trung Quốc khiến nước này có sự vượt trội trong cuộc tranh chấp, nhưng cần phải nhớ rằng giữa Trung Quốc và Việt Nam đã xảy ra một cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu vào năm 1979. Thế giới có quyền lợi trong việc ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho vấn đề này, mà nếu thành công, có thể tạo ra một hình mẫu cho các tranh chấp lãnh hải khác. Một trong những tranh chấp đáng chú ý là ở ngoài khơi biển Caxpi sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, trong đó thỏa thuận ngoại giao giữa Liên Xô và Iran đã không được công nhận và xảy ra tranh chấp giữa Iran và các quốc gia trước đây thuộc Liên Xô như Nga, Adécbaigian, Cadắcxtan và Tuốcmênixtan.

Theo  Market Oracle (Anh)

TT (gt)