Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris, đã mô tả kế hoạch cải tạo đảo của Trung Quốc như một "hành động khiêu khích" nhằm vào các quốc gia nhỏ hơn ở Biển Đông. Xây đảo trong khu vực như quần đảo Trường Sa là một động thái ghi điểm với những người có tinh thần dân tộc ở Trung Quốc và cũng nhằm củng cố yêu sách biển của Trung Quốc trong khu vực giàu tài nguyên. Tuy nhiên, hoạt động này có thể đem lại hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường biển khu vực và các nguồn thủy sản quan trọng. Bảo đảm ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực này rất quan trọng đối với lợi ích của Úc và các nước khác trên toàn cầu. Ước tính có khoảng 60% hàng hóa thương mại của Úc đi qua Biển Đông, trị giá 5 nghìn tỷ USD.

Quần đảo Trường Sa nằm ở phía Nam Biển Đông, được Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần. Quần đảo Trường Sa gồm hơn 120 hòn đảo, bãi đá, rặng san hô rải rác trên 240.000 cây số vuông. Đây là những đốm nhỏ không đáng kể trên bản đồ, nhưng gần các tuyến đường biển quan trọng. Khoảng 10% sản lượng đánh bắt cá toàn cầu ước tính đến từ Biển Đông, khiến việc tiếp cận vùng biển này quan trọng đối với an ninh lương thực trong khu vực. Hiện cũng đã có suy đoán liên quan đến trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tiềm năng ở vùng biển tranh chấp, nhưng chưa chắc chắn chính xác.

Trung Quốc được coi như người đến trễ trong các trò chơi chiếm đóng đảo. Đài Loan được coi là “người cư ngụ” lâu đời nhất trên hòn đảo giữa quần đảo Trường Sa khi chiếm đóng đảo lớn nhất Trường Sa, đảo Ba Bình (dài 1,4km, rộng 370 mét) kể từ năm 1956. Philippines, Malaysia và Việt Nam chiếm đóng một số đảo những năm 1960 và 1970. Trung Quốc đã không thực sự có các hành động liên quan cho đến những năm 1980. Kết quả là, Trung Quốc đã bị bỏ lại phía sau so với các quốc gia nhỏ hơn, chiếm đóng các thực thể nhỏ hơn, thường bao gồm các bãi đá nổi hoặc bãi đá chìm. Trong số tám thực thể Trung Quốc chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa, năm trong số đó không nổi ngay cả khi mức nước triều thấp. Những thực thể này thậm chí không đủ tiêu chuẩn để được gọi là "đảo" theo luật quốc tế. Vì vậy, xây dựng và mở rộng các thực thể nhỏ này là sự lựa chọn hấp dẫn của Trung Quốc. Nhưng nó sẽ không giống như một hòn đảo "bình thường" theo luật pháp quốc tế. Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) mà Trung Quốc và các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông tham gia, phân biệt rõ giữa các đảo tự nhiên và nhân tạo. UNCLOS nêu rõ rằng các cấu trúc nhân tạo không đủ điều kiện trở thành đảo, không có vùng lãnh hải riêng, sự hiện diện của chúng không ảnh hưởng đến việc phân định ranh giới biển.

Trung Quốc đã tô vẽ những nỗ lực cải tạo của mình nhằm đem lại lợi ích cho khu vực, chẳng hạn khi gợi ý rằng các hòn đảo nhân tạo sẽ giúp công tác tìm kiếm và cứu nạn trên biển của Trung Quốc tại khu vực dễ bị bão. Bắc Kinh đã bảo đảm với Mỹ rằng những nỗ lực cải tạo đất sẽ không đe dọa tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Nước này cũng đã gợi ý rằng các nước khác, trong đó có Mỹ, có thể sử dụng các cơ sở này "khi điều kiện chín muồi". Đáng ngại hơn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã nói rằng trong khi một số nước khác giữ im lặng về các hoạt động xây dựng đảo, một số nước đã "can thiệp vào các hoạt động bình thường của Trung Quốc trên lãnh thổ của mình". Sự thật thì các quốc gia khác có yêu sách cũng đã có những nỗ lực cải tạo trên các đảo chiếm đóng trong quần đảo Trường Sa, nhưng hoạt động của Trung Quốc đặc biệt quan ngại bởi quy mô và tốc độ của nó. Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harris, đã nói rằng Trung Quốc đã "tạo ra hơn bốn cây số vuông đảo nhân tạo". Việc này là thực sự đáng ngại khi tổng diện tích 12 đảo lớn nhất Trường Sa trước kia vẫn ít hơn một nửa diện tích này.

Tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa cho thấy ít dấu hiệu phân giải, sự tranh cãi hiện nay chỉ là mới nhất trong chuỗi các sự cố giữa các bên tranh chấp. Năm 2002, Trung Quốc và các bên tranh chấp khác đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong đó các bên cam kết tự kiềm chế. Nhưng bất chấp điều đó, có vẻ như Trung Quốc và các quốc gia khác đang tiếp tục nỗ lực thể hiện sức mạnh trong khu vực chiến lược này. Bất chấp sự đảm bảo từ phía Trung Quốc rằng các hoạt động cải tạo đất tuân theo "tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường", rất khó để biện minh khi nạo vét hàng tấn cát rồi đổ lên các rạn san hô, hệ sinh thái rất quan trọng để duy trì sự tồn tại nguồn thủy sản, cung cấp protein cho hàng trăm triệu người trên bờ.

Theo “The jakarta globe” (ngày 8/5)

Hương Trà (gt)