index(1).jpg 

Ông Tập Cận Bình đã được người đồng cấp, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, tiếp đón rất nồng nhiệt. Cả hai nhà lãnh đạo đều mong muốn hai nước tiếp tục là "bạn bè chia ngọt sẻ bùi" và cam kết tăng cường quan hệ song phương. Ông Tập Cận Bình cho biết mục đích của chuyến thăm này là để “củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Zimbabwe, tăng cường hợp tác thiết thực và nâng quan hệ song phương lên một tầm cao mới". Quan hệ song phương giữa hai nước, đến thời điểm này, gần như hoàn toàn phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Zimbabwe, sau Nam Phi. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, kim ngạch thương mại Trung Quốc - Zimbabwe đã đạt 1.2 tỷ USD năm 2014, trong đó xuất khẩu từ Zimbabwe vào Trung Quốc, chủ yếu là thuốc lá, bông và quặng crôm, chiếm hơn 2/3 tổng kim ngạch thương mại song phương.

Kim cương của Zimbabwe từ trước đến nay luôn đóng vai trò quan trọng trong trao đổi buôn bán giữa hai nước mặc dù xuất khẩu kim cương của Zimbabwe ra thị trường thế giới đã giảm mạnh trong hai năm qua, từ mức hơn 650 triệu USD năm 2012 xuống còn 350 triệu USD năm 2014. Nhìn chung, mục tiêu thương mại của Trung Quốc đối với các nước châu Phi cũng đúng như với Zimbabwe: Bắc Kinh nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên, sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu hàng hóa đã qua chế biến sang các quốc gia ở khu vực này. Zimbabwe đang hy vọng tìm được cách thức mới để tăng cường hợp tác kinh tế hiệu quả hơn. Kinh tế Zimbabwe đã rơi vào tình trạng tụt dốc không phanh từ nửa đầu thế kỷ 21, GDP của nước này đã bị giảm hơn 50% trong giai đoạn 2000-2008. Gần đây, tình hình kinh tế toàn cầu ảm đạm, kết hợp với một đợt hạn hán nghiêm trọng tại khu vực miền Nam châu Phi, khiến nhịp độ tăng trưởng kinh tế bị chậm lại. Các chuyên gia kinh tế dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế của nước này chỉ khoảng 1,5% trong năm nay.

Theo một báo cáo được công bố vào tháng 10/2015 của Viện Brookings, Zimbabwe đứng thứ 9 trong danh sách các điểm đến đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi. Tại đây, quốc gia châu Á này đã đầu tư chủ yếu vào các ngành năng lượng, khai thác mỏ và nông nghiệp. Bắc Kinh cũng đã và đang cung cấp các khoản vay và tiến hành một số dự án xây dựng ở Zimbabwe, trong đó có Sân vận động Quốc gia, Học viện Quốc Phòng và Trung tâm mua sắm và giải trí tại thủ đô Harare. Hầu hết tất cả các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng ở nước này đều được hỗ trợ bởi các tổ chức tài chính Trung Quốc và do các doanh nghiệp nước này xây dựng. Trong khi ông Mugabe nhiệt liệt chào đón các đầu tư Trung Quốc thì nhật báo "Zimbabwe Independent" đã cáo buộc Trung Quốc khiến quốc gia châu phi này mắc nợ gần 500 triệu USD (số tiền vay của Trung Quốc để thực hiện các dự án xây dựng với "giá trên trời và chất lượng kém"). Hiện các công ty xây dựng Trung Quốc đang được đối xử quá ưu đãi trong các dự án xây dựng, đặc biệt Trung Quốc thường đưa chuyên gia và người lao động của họ sang làm việc và không thuê lao động địa phương.

Những lo ngại này không hề được đề cập trong các bài phát biểu chính thức về chuyến đi của ông Tập Cận Bình. Thay vào đó, hai chính quyền đều ca ngợi các khoản đầu tư và thỏa thuận xây dựng mới, bao gồm dự án 1 tỷ USD mở rộng, nâng cấp nhà máy nhiệt điện Hwange. Hiện Trung Quốc cũng đang đàm phán với Zimbabwe để hoàn tất một số dự án lớn, nhất là dự án xây dựng tòa nhà Quốc hội mới, xây dựng 3 nhà máy phát điện và một kho chứa dược phẩm tại quốc gia châu phi này. Chuyến dừng chân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Zimbabwe đã cho thấy một bức tranh khái quát về những ưu và nhược điểm của quốc gia miền Nam châu Phi này khi quá phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

Theo "The Diplomat"

Vũ Hiền (gt)