Giữa những năm 1980, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã đưa ra khái niệm "một quốc gia, hai chế độ". Theo đó Hong Kong, vốn là thuộc địa của Anh, được chuyển giao cho Trung Quốc vào năm 1997. Việc Bắc Kinh cho phép Hong Kong duy trì các thể chế hành chính của Anh trong 50 năm, được cho là giúp tạo điều kiện dễ dàng cho quá trình chuyển giao, nhưng mục đích chính lại là nhằm "ve vãn" 23 triệu người dân Đài Loan chấp nhận một liên minh chính trị với Trung Quốc Đại lục theo một dàn xếp tương tự.

Bắc Kinh đã có được sự trợ giúp mong muốn vào năm 2008, khi ông Mã Anh Cửu của Quốc dân đảng được bầu làm Tổng thống Đài Loan. Ông Mã Anh Cửu đã giành chiến thắng nhờ những cam kết thúc đẩy kinh tế Đài Loan (thiết lập những quan hệ thương mại gần gũi hơn với Trung Quốc đại lục). Tuy nhiên, các cử tri Đài Loan nghĩ rằng 21 hiệp định mà ông Mã Anh Cửu đã ký kết với Bắc Kinh là đi quá xa. Gần 90% người dân Đài Loan đều tuyên bố nhất quán trong nhiều thập kỷ rằng họ đánh giá cao sự độc lập và không đồng ý với ý tưởng liên minh chính trị với Trung Quốc. Cử tri Đài Loan đã nhắc lại quan điểm này trong các cuộc bầu cử địa phương gần đây khi Quốc dân đảng vấp phải thất bại lớn. Với việc các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội được tổ chức trong năm 2016, hơn 60% cử tri Đài Loan - đang có những người đứng đầu hoặc thuộc về, hoặc liên minh với đảng Dân tiến (DPP) - luôn ủng hộ Đài Loan độc lập.

Bắc Kinh cũng không thành công hơn trong việc thuyết phục 7 triệu người dân Hong Kong "trở về quê hương" trong niềm vui. Đó là lỗi của Bắc Kinh. Ngay sau khi Hong Kong được chuyển giao năm 1997, Bắc Kinh đã tỏ rõ rằng họ đã nói dối trong thỏa thuận với Anh. Bắc Kinh đã nuốt lời hứa cho phép Hong Kong hành động nhanh chóng hướng đến một hệ thống chính trị dân chủ. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng hiện nay tại Hong Kong là việc Bắc Kinh tuyên bố cử tri Hong Kong không có quyền tự do bầu Trưởng đặc khu hành chính khi hệ thống mới ra mắt vào năm 2017. Hai tháng trước đây, hàng chục nghìn người biểu tình đã chiếm 3 trung tâm chủ chốt của Hong Kong và án ngữ tại đó cho đến nay.

Mặc dù các cuộc biểu tình gần như đã chấm dứt, nhưng mong muốn của người dân Hong Kong về một chính quyền đại diện người dân và có trách nhiệm vẫn còn đó và sự tức giận với Bắc Kinh dường như không giảm, với việc người dân của vùng lãnh thổ này ngày càng xác định mình là người Hong Kong chứ không phải là người Trung Quốc. Gần 2/3 cư dân Hong Kong tuyên bố rằng trước hết họ là người Hong Kong, sau đó mới là người Trung Quốc. Khoảng 27% nói rằng họ chỉ là người Hong Kong, khiến cho tình trạng bất ổn tại Hong Kong sẽ tiếp tục và có thể ngày càng tăng. Trong cuộc thăm dò công luận vừa qua, chỉ có gần 9% người Hong Kong tự nhận họ là người Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với mức 32% khi Hong Kong được chuyển giao.

Tại Đài Loan, uy tín của Tổng thống Mã Anh Cửu cũng sụt giảm thê thảm từ lúc ông này được tái cử năm 2012. Đài Loan đã từng là một trong những xã hội công bằng nhất thế giới, nhưng việc ông Mã Anh Cửu theo đuổi những quan hệ kinh tế với Trung Quốc đã tạo ra sự bất bình đẳng xã hội. Giới trẻ Đài Loan đặc biệt giận dữ khi nhìn thấy việc làm của họ được chuyển cho người Trung Quốc, trong khi một số tài phiệt Đài Loan, có quan hệ tốt với cả Quốc dân đảng và đảng Cộng sản, lại tích tụ được lượng của cải lớn.

Kết quả cuộc bầu cử địa phương vừa qua có thể báo trước tương lai u ám của Quốc dân đảng trong các cuộc bầu cử năm 2016, khi phải đối mặt với đảng đối lập DPP. Đối với Bắc Kinh, kết quả này là sự kiên quyết từ chối nỗ lực của họ nhằm lôi kéo Đài Loan vào một liên minh chính trị. Nguy hiểm hiện nay là Bắc Kinh sẽ thực thi kiểu hành động quân sự mà họ đã thực hiện để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và các khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông. 

Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan chỉ là một "tỉnh phản loạn" và nên quay về với Trung Quốc. Nhưng có thể nói tuyên bố của Bắc Kinh là vô căn cứ bởi lịch sử quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc là phức tạp và điểm mấu chốt là chưa hề có một chính quyền nào cai trị đồng thời cả Trung Quốc và Đài Loan. 

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng chưa bao giờ từ bỏ "âm mưu" xâm lược Đài Loan nếu hòn đảo này không chịu mở đường cho liên minh chính trị. Trong cuộc bầu cử năm 2016, nếu cử tri Đài Loan từ chối Trung Quốc một cách rõ ràng như trong cuộc bầu cử địa phương vừa qua, chắc chắn Bắc Kinh sẽ xem xét lại phương án của họ. Và Mỹ, cùng với các đồng minh châu Á, có thể phải xem xét lại những nghĩa vụ của mình để bảo vệ Đài Loan.     

Theo iPolitics

Văn Cường (gt)