Ngày 24/7, Trung Quốc tuyên bố đảo Tam Sa thuộc vùng biển Ðông đang có tranh chấp, một hòn đảo chỉ có khoảng hơn 1.000 cư dân sinh sống, là thành phố mới nhất của Trung Quốc. Ông Tiêu Kiệt, người mới được bầu làm thị trưởng đầu tiên của thành phố, đã ca ngợi tầm quan trọng của Tam Sa trong việc bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc và nói rằng việc chỉ định Tam Sa là thành phố mới là “một quyết định sáng suốt của đảng và Chính phủ Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc và tăng cường việc bảo vệ và phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên”. Theo hãng tin Tân Hoa Xã, chính quyền thành phố Tam Sa quản lý phạm vi diện tích đất liền rộng có 13 km2, nhưng quản lý tới 2 triệu km2 vùng biển quanh đó. 

Chính quyền Trung Quốc đã tổ chức nghi lễ thành lập và gắn biển hiệu cho các cơ quan trực thuộc mà họ gọi là “thành phố cấp địa khu Tam Sa” - tỉnh Hải Nam. Với sự thành lập này, Tam Sa đã thay thế Tam Á trên đảo Hải Nam trở thành thành phố cực nam của Trung Quốc. Bắc Kinh trước đó đã tuyên bố thành lập hội đồng thành phố Tam Sa, đặt trụ sở trên đảo Vĩnh Hưng mà Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm. Thành phố Tam Sa được Trung Quốc chọn làm trung tâm hành chính để quản lý ba quần đảo ở Biển Đông trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Các nước và vùng lãnh thổ khác là Philíppin, Malaixia, Brunây và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền một phần đối với quần đảo Trường Sa.
Trước đó hai ngày, Quân ủy Trung ương Trung Quốc cũng ra lệnh thành lập lực lượng đồn trú của Tam Sa đóng trên đảo Phú Lâm và đặt dưới sự điều động của quân khu Quảng Châu. Đồng thời, Trung Quốc cũng bầu 45 đại biểu lập pháp của hội đồng thành phố Tam Sa và bầu ban lãnh đạo thành phố này. Trong đó, ông Phù Tráng, một nhân vật từng nằm trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, được bầu làm chủ tịch Hội đồng nhân dân. Kể từ khi loan báo quyết định thành lập thành phố Tam Sa hồi tháng trước, chỉ trong thời gian ngắn Trung Quốc đã có một loạt động thái liên tiếp để khẳng định tính chính danh của thành phố này.

Trong khi Trung Quốc liên tiếp có những động thái gây căng thẳng tại Biển Đông, Đài Loan đã quyết định tăng cường hệ thống pháo binh trên đảo Ba Bình/Thái Bình mà họ đang chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa. Một số nguồn tin báo chí và chính quyền tại Đài Bắc ngày 24/7 cho biết loại vũ khí được tăng viện gồm các loại đại bác và súng cối tầm xa. Quyết định này có nguy cơ làm cho tình hình khu vực thêm căng thẳng.
Theo nhật báo "United Evening News" tại Đài Loan, vào tháng 8 tới đây, chính quyền sẽ vận chuyển một số lượng không được tiết lộ súng đại bác 40 ly và súng cối 120 ly ra đảo Thái Bình, tên Đài Loan dùng để gọi đảo Ba Bình, hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa.

Trả lời hãng tin Pháp AFP, một phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Đài Loan, phụ trách bảo vệ đảo này, đã xác nhận nguồn tin trên, nhưng không cho biết chi tiết: “Đúng, các loại vũ khí đó sẽ được vận chuyển đến đảo Thái Bình vào tháng 8, nhưng chúng tôi không thể tiết lộ ngày giờ cụ thể”. Tuần duyên Đài Loan hiện có 130 quân đồn trú trên đảo Ba Bình. Theo tờ "United Evening News", vũ khí được trang bị thêm cho đảo sẽ cho phép mở rộng hỏa lực của pháo binh Đài Loan, vì tầm bắn của súng cối 120 ly xa tới 6,1 km, hơn hẳn tầm bắn của loại súng cối hiện có trên đảo, chỉ là 4,1 km. Đại bác 40 ly sắp được chuyển đến đảo sẽ bắn xa 10 km, xa hơn 30% so với các khẩu súng hiện đang được triển khai.

Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG), trụ sở tại Brúcxen, ngày 24/7 vừa cảnh báo là những căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông có thể leo thang thành xung đột quân sự, do các nước có liên quan đang gia tăng trang bị vũ khí. Theo nhận định của ICG, khả năng giải quyết tranh chấp có vẻ đã giảm đi sau thất bại của ASEAN trong việc đề ra một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Giám đốc chương trình về châu Á của ICG, ông Paul Quinn-Judge cho rằng, “do không có đồng thuận về một cơ chế giải quyết tranh chấp, căng thẳng trên Biển Đông có thể dễ dàng biến thành xung đột vũ trang”. Theo ông Paul Quinn-Judge, chừng nào mà ASEAN không có chính sách đồng nhất về Biển Đông, thì sẽ không thể đề ra những quy tắc có tính cưỡng chế thi hành về việc giải quyết các tranh chấp.

Trong báo cáo công bố ngày 24/7, ICG cho rằng Trung Quốc đã tích cực khai thác những chia rẽ trong nội bộ ASEAN, bằng cách ưu đãi những thành viên ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông. ICG còn ghi nhận là Trung Quốc và các nước tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh đã tiếp tục phát triển lực lượng hải quân và tuần duyên, một phần là do áp lực chính trị trong nước, một phần là do tinh thần dân tộc chủ nghĩa dâng cao. Các chuyên gia thuộc ICG cho rằng cách tốt nhất để giảm căng thẳng là các nước tranh chấp đồng ý với nhau về cách thức chia sẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông. Tổ chức này nhắc lại nỗ lực cuối cùng theo hướng này, đó là thỏa thuận khảo sát địa chấn chung giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philíppin; kế hoạch này đã thất bại vào năm 2008 và theo ICG, trong tương lai, viễn cảnh hợp tác như vậy rất thấp.

Lê Sơn (gt)