Mặc dù không bố trí các tàu sân bay tới Thái Bình Dương hay đưa 2.500 quân tới đồn trú tại Ôxtrâylia, nhưng việc thành lập thành phố Tam Sa mới đây của Trung Quốc trong khu vực Hoàng Sa đang tranh chấp sẽ đưa vở kịch địa chính trị trên Biển Đông sang một giai đoạn mới. Hành động leo thang này có thể có tầm quan trọng chiến lược như là một phần của việc Bắc Kinh đáp lại "trọng tâm" mà Mỹ đang rêu rao hay còn gọi là tái cân bằng tại châu Á.

Việc thành lập một thành phố mới trên đảo san hô dài 2km ở Biển Đông (có dân số khoảng 150 ngư dân), với đầy đủ bộ máy chính quyền và quân đội sẽ làm cho vấn đề vượt ra khỏi một cuộc tranh cãi ngoại giao với các nước cùng tuyên bố chủ quyền khác, trong trường hợp này là Philíppin và Việt Nam. Trung Quốc dường như cũng coi thành phố Tam Sa mới này như một trung tâm hành chính và để kiểm soát một khu vực rộng lớn hơn nữa trên Biển Đông.

Hành động của Trung Quốc diễn ra khi Việt Nam thông qua Luật Biển khẳng định tuyên bố của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mặc dù không trùng khớp, nhưng hành động của Bắc Kinh cũng diễn ra sau việc các nhà lãnh đạo ASEAN không ra được thông cáo chung liên quan tới các hòn đảo và bãi ngầm đang tranh chấp ở Hoàng Sa và Trường Sa, nơi có nhiều bãi đá cũng như nguồn dầu khí và trầm tích phong phú. Điều này khiến Ngoại trưởng Inđônêxia Marty Natalegawa phải thực hiện các chuyến đi con thoi trong khu vực tới Việt Nam, Campuchia, Xinhgapo và Malaixia nhằm khôi phục lập trường chung trong ASEAN về vấn đề Biển Đông, gồm cả việc ủng hộ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002.

Trong khi ASEAN, với sự ủng hộ của Mỹ, đã tìm cách giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán đa phương, thì Trung Quốc vẫn khẳng định việc thảo luận song phương với từng nước tuyên bố chủ quyền, nơi họ có thể lấn át hơn.

Bắc Kinh lâu nay vẫn khẳng định rằng trong vòng cái được xác định là "đường chín đoạn", chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông, là thuộc chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc. Tuyên bố này hoàn toàn mâu thuẫn với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển, giới hạn các khu kinh tế trong vòng 338km thềm lục địa của một quốc gia.

Bắc Kinh biện luận rằng những tuyên bố về chủ quyền này của Trung Quốc có trước Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển và cũng phù hợp với công ước này. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa kiểm soát được đảo Phú Lâm, nơi mà họ gọi là Vĩnh Hưng, cho tới năm 1974 khi họ có một cuộc giao chiến hải quân với Hà Nội khiến 71 lính Việt Nam hy sinh.

Trong năm 2010, Trung Quốc đã tuyên bố rằng những phần lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông là một phần trong "lợi ích cốt lõi" của họ giống như chủ quyền lãnh thổ không thể chối cãi đối với trường hợp Đài Loan và Tây Tạng. Bắc Kinh sau đó cũng đã xem xét lại quan điểm này khi có sự phản đối mạnh mẽ của ASEAN và Mỹ. Tuy nhiên, các biện pháp mới của Trung Quốc không thuyết phục được rằng họ đã có sự định nghĩa kiềm chế hơn về lợi ích cốt lõi.

Những hành động của Trung Quốc có thể được vạch định nhằm đưa ra những thông điệp vượt trên cái gọi là tuyên bố chủ quyền. Chủ nghĩa dân tộc là một vấn đề dễ thay đổi tại Trung Quốc và việc để Trung Quốc bị "cạnh tranh" bởi những quốc gia nhỏ như Philíppin và Việt Nam là một sự xúc phạm đối với quốc gia này. Vào thời điểm khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng và giới lãnh đạo đang trong thời kỳ chuyển giao, chủ nghĩa dân tộc đại chúng có thể được coi như một thuật nghi binh đáng khen ngợi.

Nhưng cũng có một điểm lớn hơn là kể từ khi Oasinhtơn thông báo chiến lược "tái cân bằng" của họ bằng việc sẽ cử 60% lực lượng hải quân tới đồn trú tại Thái Bình Dương vào năm 2020 thì các nhà chiến lược Trung Quốc vẫn chưa biết làm thế nào để đối phó. Mỹ sẽ không thể hiện lập trường về những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông ngoài việc mong muốn nhìn thấy các bên giải quyết một cách hòa bình. Lợi ích quốc gia cơ bản của Mỹ là việc duy trì tự do hàng hải.

Liệu Bắc Kinh có nhận thấy cần phải thể hiện sự quyết đoán của họ để Oasinhtơn có thể thấy một chút về bản sắc riêng của nước này trong học thuyết Monroe hay không? Để đảm bảo, Bắc Kinh sẽ phải hiểu rõ rằng sự khẳng định của họ sẽ không gồm cả Đông Á và có xu thế hướng tới các quốc gia nhỏ hơn đang nghiêng về phía Mỹ nhằm cân bằng với Trung Quốc.

Nhưng Bắc Kinh dường như đang tính toán rằng bất chấp tư thế quân sự mạnh mẽ hơn của Mỹ trong khu vực, Trung Quốc vẫn có thể đương đầu và sự đáp lại của Mỹ sẽ chỉ giới hạn ở những lời quở trách ngoại giao. Bắc Kinh dường như đang đánh cược rằng Mỹ sẽ không can thiệp quân sự nếu có một cuộc đụng độ hải quân giữa Trung Quốc và Việt Nam hoặc Philíppin trên Biển Đông.

Có thể có một thông điệp từ phía Bắc Kinh rằng "đây là láng giềng của chúng tôi, người ngoài không nên can thiệp vào". Nhưng đâu là lôgích về vai trò của Trung Quốc trong một trật tự quốc tế? Đây là một vấn đề nếu trong một thế giới có trật tự, Trung Quốc tìm kiếm một vai trò lớn hơn để hình thành các quy định xứng với tầm vóc chính trị và kinh tế ngày càng tăng của họ. Nó sẽ hoàn toàn là một vấn đề khác nếu thông điệp này chỉ đơn thuần về sức mạnh.

Tác giả: Robert A. Manning, nhà nghiên cứu cao cấp của Hội đồng Đại Tây dương (Atlantic Council). Nguồn: Bangkok Post

Văn Cường (gt)