Bộ Dân chính Trung Quốc tuần trước tuyên bố thành lập Thành phố Tam Sa, quản lý quần đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa), “Trung Sa”, và “Nam Sa” (Trường Sa). Đây không phải là phản ứng bị động của Trung Quốc sau khi Việt Nam thông qua Luật biển ngày 21/6, mà là hành động chủ động của Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền Biển Đông.

Năm 2007, khi có tin Trung Quốc thành lập Thành phố Tam Sa, Việt Nam đã phản đối. Việc thành lập Thành phố Tam Sa lần này đã có sự chuẩn bị đầy đủ. Điều này đã vượt qua vấn đề tuyên bố chủ quyền đối ngoại, thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc quản lý các đảo và vùng biển liên quan ở Biển Đông, đánh dấu công tác quản lý đã bước vào giai đoạn mới. Việc làm này còn có sức nặng hơn việc thông qua Luật biển, do đó đáng được toàn bộ người dân Trung Quốc ủng hộ.

Sự chủ động của Trung Quốc trên vấn đề Biển là do Việt Nam và Philippines “ép buộc” Trung Quốc tạo ra. Việc thành lập Thành phố Tam Sa là một dấu mốc quan trọng: sự khiêu khích của Việt Nam và Philippines không những sẽ gặp phải sự đáp trả kiên quyết của Trung Quốc, mà còn làm cho Trung Quốc coi trọng và đầu tư có hệ thống hơn ở Biển Đông. Nếu sau này những nước này không kiềm chế thì họ sẽ gặp phải hàng loạt thất bại ở Biển Đông.

Bước tiến vượt bậc của giàn khoan trên biển của Trung Quốc và việc tàu “Giao Long” thử nghiệm thành công chứng minh Trung Quốc đã có thực lực của một cường quốc biển. Trung Quốc có đủ khả năng tăng cường sự hiện diện về quốc phòng, khoa học kỹ thuật, kinh tế và con người ở Biển Đông. Nếu biến tranh chấp Biển Đông thành đối kháng về thực lực thì kẻ thắng người thua đã quá rõ ràng. Trước đây, trên vấn đề Biển Đông, Trung Quốc thường “đánh chuột sợ vỡ bình”, cân nhắc rất nhiều. Trung Quốc lo ngại bị cô lập, bị phương Tây trừng phạt và ảnh hưởng đến hình ảnh quốc tế. Nhưng qua các cọ sát với Việt Nam và PLP gần đây nhất, cũng như đối đầu không khoan nhượng với Mỹ trước việc Mỹ can thiệp vào Biển Đông, các lo ngại đó đã được loại bỏ. Quyết tâm và niềm tin của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông từ trên xuống dưới luôn rất kiên định. Thành phố Tam Sa đã được thành lập, Trung Quốc cần bắt bay triển khai, không cần để ý đến phản đối và phản ứng của Việt Nam và Philippines. Đó là những nước chủ động làm cho đối đầu ở Biển Đông leo thang. Biển Đông không thể trở về trạng thái trước đây. Trung Quốc cần tiến lên và dám đối mặt với tính không xác định trong tương lai. Nhịp điệu và độ nóng của xung đột Biển Đông không thể để Việt Nam và Philippines thao túng, Trung Quốc phải kiên quyết giành giật lấy quyền chủ động này.

Trong tiềm thức của rất nhiều người, căn cứ tiền tiêu của Trung Quốc ở Biển Đông là đảo Hải Nam, chứ không phải các đảo ở Biển Đông. Việc thành lập Thành phố Tam Sa không những thể hiện sự tồn tại thực tế của Trung Quốc ở Biển Đông, mà còn mở rộng chiều sâu chiến lược nhằm ứng phó với vấn đề Biển Đông.

Thành phố Tam Sa cần có quyền chủ động nhiều hơn về đối ngoại so với các thành phố cấp địa khu thông thường khác, cho phép triển khai đấu tranh cụ thể và tương đối độc lập với các nước Việt Nam và Philippines. Chính quyền địa phương của Nhật Bản, Hàn Quốc rất năng động về ngoại giao, là lực lượng đấu tranh ngoại giao tương đối độc lập. Mặc dù tình hình mỗi nước khác nhau, nhưng cách làm của Nhật Bản và Hàn Quốc đáng để Trung Quốc học tập.

Trung Quốc nhất định phải hiểu rõ một vấn đề: tình hình xấu nhất ở Biển Đông là gì? có xảy ra chiến tranh không? Chưa hẳn là có. Có một điều còn tệ hại hơn, đó là Việt Nam là Philippines ngày càng hung hăng hơn. Dưới sự ủng hộ của Mỹ, họ sẽ hình thành thế trận thuần thục “lấy nhỏ đè lớn”, dần dần tạo vòng vây xung quanh trói chân trói tay Trung Quốc.

Theo “Thời báo Hoàn cầu (ngày 25/6)

Lê Sơn (gt)