“Siêu tên lửa” nhằm vào Mỹ

Theo Asiasentinel, Trung Quốc đang phát triển một loại tên lửa hành trình được đặt trên tàu chiến và có khả năng tấn công các mục tiêu trên những hòn đảo cách xa hàng nghìn km. Những bức ảnh chụp loại tên lửa này đã được công bố trên một website quân sự. Lần đầu tiên, loại tên lửa này sẽ tạo cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) một loại vũ khí có thể so sánh được với loại tên lửa hành trình Tomahawk nổi tiếng và đã thu được những thành công lớn của Mỹ.

Trong khi đó, báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng đưa tin, các phương tiện truyền thông Trung Quốc Đại lục vừa thừa nhận lần đầu tiên rằng nước này đang phát triển một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) với kỹ thuật tối tân, có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân có thể đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng cho biết, Thời báo Hoàn Cầu – một ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật báo (Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc), đã phủ nhận một báo cáo do cơ quan tư vấn IHS Jane công bố mới đây rằng một quả tên lửa Đông Phong-41 (DF-41) đã được lực lượng Pháo Binh 2 – lực lượng tên lửa chiến lược của Quân Giải phóng Nhân Dân Trung Quốc (PLA) - thử nghiệm vào tháng 7. Thay vào đó, Thời báo Hoàn Cầu nói rằng Trung Quốc đang phát triển một loại tên lửa như vậy. Báo cáo của IHS Jane dẫn lời các quan chức giấu tên của Mỹ nói rằng Pháo binh 2 đã tiến hành vụ thử đầu tiên của loại tên lửa DF-41, thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thứ 3 của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên giới chức Mỹ xác nhận sự tồn tại của dự án tên lửa này.

Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời Ngụy Quốc An, một chuyên gia quân sự có quan hệ gần gũi với Pháo binh 2, nói rằng Trung Quốc đang phát triển thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thứ ba, một loại tên lửa đúng như sự mô tả của giới truyền thông phương Tây. Tuy nhiên, chuyên gia Ngụy Quốc An đã phủ nhận vụ thử tên lửa hôm 24/7 là một quả tên lửa DF-41. Phát biểu trên Thời báo Hoàn Cầu, ông Ngụy Quốc An nêu rõ: “Thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thứ ba được trang bị kỹ thuật mang nhiều đầu đạn có khả năng độc lập quay trở lại bầu khí quyển (MIRV) chính là hướng phát triển của lực lượng Pháo binh 2.”

Báo cáo của IHS Jane dẫn lời cựu quan chức tình báo quân đội Mỹ Larry Wortzel nói rằng thế hệ đạn đạo xuyên lục địa thứ ba của Trung Quốc có thể đánh bại các lực lượng phòng thủ tên lửa của Mỹ. Theo ông Larry Wortzel, “Tên lửa DF-41 là loại tên lửa có khả năng cơ động và sẽ rất khó phát hiện cũng như đánh chặn bởi khả năng cơ động cao của nó.”

Giáo sư Phillip Karber thuộc Đại học Georgetown (Mỹ), một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu các chương trình hạt nhân của Trung Quốc, cũng nói với IHS Janes rằng thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thứ ba của Trung Quốc, loại tên lửa có khả năng mang tới 10 đầu đạn MIRV, “sẽ đủ để Trung Quốc nhằm mục tiêu vào tất cả các thành phố có dân số hơn 50.000 dân” với 32 quả tên lửa loại này. Giáo sư Karber nhận định, nếu như Trung Quốc hoàn thành việc phát triển loại tên lửa như vậy nhằm vào các thành phố của Mỹ và Mỹ không xây dựng các hệ thống phòng thủ tên lửa để chống lại loại tên lửa này thì điều đó báo hiệu sự kết thúc của việc ngăn chặn tình trạng bành trướng hạt nhân ở châu Á.

Theo nhà báo Andrei Chang thuộc Tạp chí Quốc phòng Hán Hòa có trụ sở tại Canađa, hiện nay chưa chắc Pháo binh 2 đã đủ khả năng tiến hành một vụ thử nghiệm toàn bộ hành trình của loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ thứ ba. Ông Andrei Chang cho biết: “Những thách thức và khó khăn giữa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ thứ hai và thế hệ thứ ba rất phức tạp. Những thông tin mà tôi vừa thu thập được cho thấy Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng khắc phục nhiều vấn đề, mặc dù họ đã mất hơn 20 năm để phát triển nó.” Trong khi đó, ông Antony Wong Dong, Chủ tịch Hiệp hội Quân sự Quốc tế có trụ sở tại Ma Cao, cho rằng thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thứ ba của Trung Quốc sẽ không được đặt tên là DF-41 bởi vì dự án đó đã bị hủy bỏ từ cách đây 1 năm.

Báo Asiasentinel dẫn lời James R. Holmes, một Phó Giáo sư thuộc trường Chiến tranh Hải quân Mỹ nhấn mạnh, rõ ràng là loại “tên lửa Tomahawk của Trung Quốc” không phải để dùng vào những sự kiện bất ngờ xảy ra ở Đông Á hay Đông Nam Á. Theo ông Holmes, để chống lại những đối thủ của Trung Quốc ở các khu vực đó, Trung Quốc gần như không cần dùng đến loại vũ khí này.

Trung Quốc từ lâu đã luôn khẳng định sẽ không phải là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân và các lực lượng hạt nhân của Trung Quốc được thành lập để chống lại các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, chuyên gia Ngụy Quốc An cho rằng Bắc Kinh nên tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ thứ ba bởi vì Trung Quốc đang phải đối mặt với những mối đe dọa hạt nhân gia tăng, với việc cả Mỹ và Nga đều không loại trừ các loại vũ khí trong kho vũ khí hạt nhân của hai nước này.

Theo Nhật báo Phố Wall, Mỹ hiện đang có kế hoạch mở rộng các hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên và các hệ thống này cũng có thể phục vụ vào việc chống lại sự tăng cường lực lượng quân sự của Trung Quốc.

Tham vọng toàn cầu

Báo Asiasentinel cho rằng việc Trung Quốc phát triển loại “tên lửa Tomahawk Trung Quốc” là chương mới nhất trong cuộc săn lùng nghiêm túc danh hiệu cường quốc quân sự toàn cầu của Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc đã có các loại tên lửa hành trình đặt trên mặt đất từ cách đây hàng thập kỷ, sự xuất hiện của loại tên lửa được phóng từ tàu chiến, được thiết kế để tiến hành các vụ tấn công tầm xa chính xác nhằm vào các mục tiêu trên đất liền với nguy cơ tổn thất ít nhất cho các lực lượng của Trung Quốc, là một dấu hiệu cho thấy người Trung Quốc đã tiến xa như thế nào kể từ thời Mao Trạch Đông còn là lãnh tụ của nước này.

Dưới thời Mao Trạch Đông, Hải quân Trung Quốc được tập trung vào các nhiệm vụ phòng thủ bờ biển và đề phòng khả năng xâm nhập của Đài Loan. Mãi đến những năm 1990, các nhà hoạch định kế hoạch quân sự của Trung Quốc mới nhận ra rằng một quốc gia đang lên như nước họ có thể nhanh chóng bị buộc phải quỳ gối bởi một kẻ địch luôn tìm cách bóp nghẹt nguồn cung dầu mỏ và các nguyên liệu thô cho nền kinh tế được lấy từ các vùng biển ngoài khơi.

Hải quân Trung Quốc hiện có 74 tàu khu trục và tàu chiến loại nhỏ cùng 63 tàu ngầm. Những quả tên lửa mới, về mặt lý thuyết còn có thể được phóng từ các bệ phóng, cũng sẽ góp phần tăng cường sức mạnh của Hải quân Trung Quốc. Những thành tựu mà các tên lửa hành trình được phóng từ tàu chiến để tấn công mục tiêu trên mặt đất đã được thể hiện một cách ấn tượng bởi Hải quân Mỹ và các đồng minh của Oasinhtơn trong Cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, cuộc Chiến tranh Bốtxnia năm 1995, cuộc chiến Irắc năm 2003, và Chiến dịch tấn công Libi năm 2011…

Phó Giáo sư Holmes nhận định: “Việc Trung Quốc đưa các loại tên lửa đạn đạo được đặt trên đất liền vào danh mục vũ khí của nước này đã giúp cho Bắc Kinh có được một tài sản lớn trong quan hệ ngoại giao với các nước nằm trong vòng vây tên lửa của Trung Quốc. Điều này đã được miêu tả nổi bật trong các báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự của Trung Quốc.” Tuy nhiên, Phó Giáo sư Holmes nói rằng ngoài phạm vi của lực lượng Pháo Binh 2 – đơn vị kiểm soát kho vũ khí hạt nhân trên mặt đất và các tên lửa thông thường của PLA, bức tranh lại hoàn toàn khác. Ông Holmes cho rằng “việc sở hữu tên lửa hành trình tấn công mục tiêu mặt đất cho phép Hải quân PLA có một lựa chọn trong việc thể hiện sức mạnh từ biển, giống như Hải quân Mỹ đã từng làm kể từ khi tên lửa Tomahawk được trình làng trong những năm 80 của thế kỷ trước. Đây là một phần trong kế hoạch trở thành một cường quốc hải quân biển xa của Trung Quốc.”

Để phát triển lực lượng hải quân với truyền thống từ thời Mao Trạch Đông là giữ cho các bến cảng của đất nước luôn tươi đẹp, trở thành một lực lượng đảm bảo sự đi lại tự do cho những đội tàu thương mại của Trung Quốc vươn ra phạm vi xa hàng chục nghìn km, Bắc Kinh không chỉ cần tiếp tục những bước đột phá trong vấn đề sở hữu các hệ thống vũ khí mà còn phải gửi lực lượng hải quân tham gia các hoạt động thực tiễn. Những buổi lễ tiễn quân trong các căn cứ hải quân của Trung Quốc đã ngày càng trở nên quen thuộc hơn đối với các hạm đội hải quân biển xa của nước này kể từ năm 2008, khi Trung Quốc trở thành một thành viên tham gia các hoạt động tuần tra chống cướp biển ở vùng biển Xômali. Động thái này đánh dấu sự kiện các tàu chiến của Trung Quốc lần đầu tiên hoạt động bên ngoài các vùng nước thuộc lãnh hải nước này.

Biểu đồ minh họa cho tầm quan trọng của nhiệm vụ ở Xômali đối với sự trưởng thành của lực lượng Hải quân Trung Quốc là số lần lực lượng này tham gia làm nhiệm vụ tại vùng biển Xômali: Kể từ khi hoạt động bắt đầu, trong phần việc kéo dài khoảng 4 tháng của mình, Bắc Kinh đã triển khai 11 chuyến hộ tống của lực lượng Hải quân Trung Quốc. Những chuyến hộ tống này thường bao gồm 1 hoặc 2 tàu khu trục hoặc tàu chiến và một tàu tiếp tế. Nếu việc triển khai lực lượng hải quân làm nhiệm vụ hộ tống được tiếp tục với nhịp độ này, mỗi tàu khu trục và tàu chiến của Trung Quốc sẽ thay nhau làm nhiệm vụ trong khoảng 5 năm.

Bởi vì các lực lượng đặc nhiệm của Hải quân Trung Quốc có hơn 600 lính thủy, cộng thêm hàng chục nhân viên chuyên thực hiện những chiến dịch đặc biệt, nên hàng nghìn nam, nữ quân nhân Trung Quốc luân phiên nhau tham gia các hoạt động tuần tra chống cướp biển đã, đang và sẽ được trao cho những cơ hội được đến những nơi gần với điều được miêu tả một cách thận trọng là những chiến trường thực sự.

Những cơ hội được lên tàu đến các nơi khác trong hoạt động riêng lẻ cũng như các chuyến thăm hữu nghị ở nước ngoài cũng bắt nguồn từ nhiệm vụ ở Xômali: Năm 2010, các tàu chiến Trung Quốc đã thăm Ai Cập, Italia và Hi Lạp. Năm ngoái, một tàu chiến được trang bị tên lửa đã chuyển từ bờ biển Xômali tới vùng biển ngoài khơi Libi. Trong hoạt động đầu tiên từ trước đến nay của Hải quân Trung Quốc ở vùng biển Địa Trung Hải, con tàu này đã làm nhiệm vụ sơ tán các công dân Trung Quốc trong bối cảnh cuộc nội chiến ở Libi đến hồi quyết liệt. Nơi con tàu này làm nhiệm vụ cách căn cứ của nó khoảng 12.000 km.

Vào giữa tháng này, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, hải quân PLA đã có chuyến thăm hữu nghị tới Ixraen và sau đó có chuyến đi đầu tiên đến Biển Đen, với hai chuyến thăm của một tàu khu trục và một tàu chiến. Hai chuyến thăm này là một phần trong hoạt động hộ tống lần thứ 11 của Hải quân Trung Quốc tới Bungari. Tàu hải quân bệnh viện mang tên “Hòa Bình” của Trung Quốc cũng đã đến châu Á, châu Phi và vùng biển Caribê, điều trị cho hàng chục nghìn bệnh nhân trong các nhiệm vụ từ thiện.

Những binh sĩ và lính thủy Trung Quốc gần như không phải bắn một viên đạn nào trong suốt các chuyến hộ tống của họ ở bờ biển châu Phi, chưa kể đến những chuyến du ngoạn ở Địa Trung Hải. Các nhiệm vụ của Hải quân Trung Quốc có giá trị to lớn, bởi vì theo tính toán của PLA, kinh nghiệm thực tiễn này sẽ rất cần thiết nếu như trong các cuộc xung đột trong tương lai một kẻ thù nào đó phong tỏa kênh đào Xuyê, eo biển Hormuz hoặc eo biển Malắcca.

Phó Giáo sư Holmes cho rằng tên lửa “Tomahawk Trung Quốc ” sẽ điều chỉnh lại sự cân bằng. Chuyên gia này phát hiện ra rằng một hệ thống như vậy chắc chắn sẽ được sử dụng chủ yếu để đối phó với các cường quốc như Mỹ - nước không muốn Trung Quốc duy trì trong danh mục vũ khí của họ những quả tên lửa thông thường và tên lửa đạn đạo đặt trên mặt đất - những loại vũ khí vốn có thể tàn phá các đối thủ tiềm tàng nhất. Trong trường hợp Trung Quốc, đó là một lựa chọn rất hợp lý nếu chỉ để tạo ra lý lẽ tranh cãi đầy sức mạnh cho chính sách ngoại giao của Bắc Kinh. Phó Giáo sư Holmes nhấn mạnh khả năng đã được chứng minh của hải quân kết hợp với ảnh hưởng ngoại giao sẽ tạo thêm vinh quang cho danh tiếng của hải quân PLA ở ngoài khu vực Đông Á và làm cho danh tiếng của Trung Quốc sẽ nâng cao hơn nữa./.

Mỹ Anh (gt)