Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quốc phòng và Đối ngoại của Quốc hội Đài Loan, một quan chức cấp cao của Hải quân Đài Loan đã đề nghị các chính đảng lớn trong Quốc hội ủng hộ Ngân sách tài khóa 2013-2014, trong đó có ngân sách thực hiện chương trình phát triển tàu ngầm bản địa. Ngày 21/2, khi được hỏi về chính sách của Chính quyền Mã Anh Cửu đối với chương trình sản xuất tàu ngầm bản địa, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đài Loan Luo Shao cho biết Bộ này ủng hộ mạnh mẽ chương trình tàu ngầm bản địa nếu Hải quân giải quyết tốt các hạn chế kỹ thuật. Tuy nhiên, quyết định theo đuổi chương trình tàu ngầm bản địa của Chính quyền Mã Anh Cửu khó có thể sớm trở thành hiện thực. Năm 2009, một số nguồn tin gần gũi với Hội đồng An ninh Quốc gia Đài Loan (NSC) cho biết theo lệnh của tổng thống, NSC đã chỉ đạo Hải quân tiến hành một nghiên cứu khả thi về khả năng của Đài Loan để sản xuất các tàu ngầm trong nước. Sau đó, các quan chức cấp cao của Hải quân tổ chức 5 hội nghị và hoàn thành một bản báo cáo trình Tổng thống Mã Anh Cửu xem xét và chấp thuận. Cũng trong thời gian này, NSC và Hải quân Đài Loan thành lập một lực lượng đặc nhiệm để phát triển quan hệ và ký một thỏa thuận hợp tác kỹ thuật với các nhà chức trách của Chính phủ Nga để xây dựng các thân tàu ngầm. Ngoài ra, Công ty Đóng tàu Trung Quốc (CSBC) của Đài Loan, đặt trụ sở tại thành phố cảng Cao Hùng, cũng thành lập một nhóm triển khai dự án đóng tàu ngầm. Dự án này liên quan đến việc thu thập thông tin về việc xây dựng tàu ngầm theo mô hình tàu ngầm 209 của Đức. Nhóm triển khai dự án của CSBC cũng được cử đến các nước như Pháp, Tây Ban Nha và Italia để tìm hiểu kinh nghiệm và tìm kiếm sự giúp đỡ của nhiều công ty đóng tàu khác nhau của các nước. Sau đó, các công ty đóng tàu của Pháp, Tây Ban Nha và Italia đã cử chuyên gia đến Đài Bắc nhằm đánh giá thực trạng và khả năng của các ngành công nghiệp quốc phòng Đài Loan trong việc triển khai dự án xây dựng tàu ngầm bản địa. 

Do thiếu các hệ thống vũ khí mới của Mỹ, những năm gần đây Đài Loan đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy các khả năng quân sự bản địa, trong đó có các công nghệ tàu ngầm. Nhưng Đài Loan vẫn cần đạt được các hệ thống thông tin liên lạc và tác chiến đặc biệt của nước ngoài. Theo đánh giá của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Michael Tsai, Đài Loan không cần mua các tàu ngầm lớn của Mỹ. Thay vào đó, ông Tsai đề nghị Bộ Quốc phòng Đài Loan, NSC, CSBC và các công ty tư nhân khác của Đài Loan hợp tác với nhau để phát triển loại tàu ngầm cỡ nhỏ nặng 300 tấn. Ông khẳng định Đài Loan có khả năng, nhiều nguồn tài chính và kinh nghiệm để đóng các tàu ngầm loại nhỏ. Hơn nữa, loại tàu ngầm 300 tấn sẽ phù hợp với hoạt động tác chiến của quân đội ở Eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy Hải quân Đài Loan không chấp nhận các kế hoạch như vậy. Theo đánh giá phòng thủ hàng năm của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Đài Loan tháng 10/2011, một phái đoàn Đài Loan đã đến thăm ít nhất 3 nước Tây Âu để tìm kiếm các nhà cung cấp công nghệ và thiết kế, các đối tác và nhân viên kỹ thuật có thể giúp Đài Loan thực hiện chương trình chế tạo tàu ngầm bản địa. Theo dự kiến, Hải quân Đài Loan và CSBC sẽ báo cáo Bộ Quốc phòng, quốc hội và tổng thống về chương trình sản xuất tàu ngầm bản địa trong phiên họp mùa xuân năm 2012 để yêu cầu quốc hội và chính phủ duyệt chi ngân sách sản xuất tàu ngầm bản địa tài khóa 2013-2014. Trong đánh giá mới nhất, Bộ Quốc phòng Đài Loan dự kiến sẽ cho phép Hải quân sản xuất loại tàu ngầm bản địa nặng 1.000-1.500 tấn. Bên cạnh đó, những biện pháp gần đây của Chính quyền Mã Anh Cửu cho thấy Chính quyền Đài Loan đang quyết tâm sản xuất các tàu ngầm bản địa. Đồng thời, quyết định này cũng thể hiện sự bất bình và lo ngại ngày càng tăng của Đài Loan trước việc Trung Quốc tăng cường triển khai lực lượng quân sự ở Eo biển Đài Loan.

Theo "Jamestown Foundation" (ngày 3/4)

Viết Tuấn (gt)