Sau khi yêu sách gần 80% diện tích Biển Đông, Trung Quốc vừa thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông. Điều này càng làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang với Nhật Bản và đe dọa nguyên tắc tự do lưu thông hàng hải và hàng không. Cũng trong thời gian này, Trung Quốc tiếp tục ngấm ngầm “gặm nhấm” vùng lãnh thổ dọc biên giới dãy Himalaya có tranh chấp với Ấn Độ. Trung Quốc đang tìm cách thay đổi từng bước hiện trạng nhằm mở rộng quyền kiểm soát các khu vực và nguồn tài nguyên chiến lược. 

Cách tiếp cận của Trung Quốc phản ánh điều mà Thiếu tướng Hải quân Trương Triệu Trung mô tả là chiến lược “cây bắp cải”: khẳng định chủ quyền lãnh thổ và từng bước bao vây khu vực bằng nhiều lực lượng an ninh, đồng thời ngăn cản đối thủ tiếp cận. Chiến lược này dựa vào việc tăng cường các biện pháp răn đe, từ đó thiết lập các hoạt động mới trên thực địa. Cách tiếp cận này hạn chế đáng kể khả năng của đối thủ, làm phức tạp hóa đối phương trong việc tìm ra những phương sách ngang tầm hoặc hiệu quả. Bằng cách duy trì các biện pháp gây căng thẳng, chiến lược đó đang giúp Trung Quốc củng cố tham vọng. Mô hình này đã được chứng minh. Đó là gây ra một cuộc tranh cãi, đưa ra yêu sách pháp lý bằng việc tiến hành các vụ thâm nhập thường xuyên, sau đó tăng cường tần suất và thời gian bằng cách hiện diện quân sự hoặc gây sức ép buộc đối thủ ký kết thỏa thuận theo các điều kiện mà Trung Quốc đặt ra. Việc Trung Quốc thiết lập ADIZ là lớp lá cuối cùng của "cây cải bắp" - một sự khẳng định chủ quyền đơn phương mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã nhanh chóng đánh giá là “âm mưu gây bất ổn để thay đổi hiện trạng trong khu vực”.

Chiến lược của Trung Quốc đã thành công mà không gây ra rủi ro nghiêm trọng khi Trung Quốc gây sự với nước yếu thế hơn là Philippines. Năm 2012, Trung Quốc đã chiếm được bãi cạn Scarborough (Philippines gọi là Panatag, Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Các tàu Trung Quốc trong năm nay duy trì sự hiện diện thường xuyên tại Bãi đá ngầm Second Thomas Shoal (Việt Nam gọi là bãi Cỏ Mây) đang tranh chấp tại quần đảo Trường Sa. Trung Quốc không chỉ muốn giành quyền kiểm soát một vài đảo đá ngầm hay nổi mà còn tìm cách kiểm soát một khu vực lãnh hải chiến lược rộng lớn trải dài từ phía đông tới phía nam nước này, cũng như các nguồn tài nguyên biển, nhất là khoáng sản. Những hành động của Trung Quốc xâm nhập các khu vực tranh chấp là nhằm gây bất ổn cho châu Á, làm gia tăng căng thẳng chính trị. 

Hiển nhiên Trung Quốc thận trọng tránh để tranh chấp bùng nổ thành chiến tranh. Trung Quốc đã nhiều lần cho thấy chiến lược của nước này là chia nhỏ, sau đó cô lập từng phần để xử lý vấn đề nhằm ít gây ra kháng cự nhất có thể. Điều đó không chỉ có lợi cho Trung Quốc trong việc cô lập đối thủ mà còn làm suy yếu cam kết bảo đảm an ninh của Mỹ đối với các đồng minh. Bằng cách ngụy trang hành động tấn công trong tư thế phòng thủ, Trung Quốc đang đổ lỗi gây chiến cho đối phương trong khi từng bước tìm cách thiết lập cơ sở cho chính sách bá quyền của Đế chế Trung Hoa. Thiện chí của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong việc giải quyết hòa bình các vụ tranh chấp lãnh thổ đơn giản chỉ là dàn hòa nhằm chiếm một vị thế đủ mạnh để đạt mục đích mà không phải mất một viên đạn nào. 

Theo “Project-syndicate

Viết Tuấn (gt)