Theo các đại diện của Phòng Thương mại Indonesia-Thái Lan (INTCC), sự hợp tác này sẽ được xây dựng dựa trên các mối quan hệ đối tác chiến lược riêng biệt mà Việt Nam đã ký kết với Indonesia và Thái Lan trong năm 2014 dưới thời của bà Yingluck Shinawatra. Prachuap Chaiyasan, một cố vấn của INTCC và là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan, nói: "Với việc cả ba nước cùng nhau tham gia, tôi cho rằng chúng ta sẽ có một cơ hội lớn để thu được nhiều lợi ích từ việc hội nhập khu vực trong khuôn khổ của AEC".

Dân số Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, là 250 triệu người, còn dân số Việt Nam là 90 triệu người và Thái Lan là 67 triệu người. Do đó tổng dân số của cả ba quốc gia này lên tới hơn 500 triệu người, trong khi dân số của ASEAN là 600 triệu người. Ông Prachuap, hiện là chủ tịch Hội Hữu nghị Thái Lan-Việt Nam, phát biểu bên bề diễn đàn thảo luận về lộ trình của INTCC trong năm 2015 được tổ chức tại Bangkok hồi tuần trước: "Một khi được xây dựng thành công, mối quan hệ đối tác này sẽ cho phép cả ba nước cùng chia sẻ các nguồn tài nguyên thiên nhiên - đặc biệt là từ Indonesia - cũng như nguồn nhân lực, đồng thời giúp các nước củng cố năng lực chuyên môn của nhau".

Các nguyên liệu thô của Indonesia có thể được vận chuyển tới cảng gần nhất ở Việt Nam và sau đó sẽ được đưa tới Thái Lan để chế biến. Bên cạnh đó, than đá từ Indonesia, quốc gia có trữ lượng than đá lớn nhất thế giới, sẽ được đưa tới các nhà máy điện ở Việt Nam để sản xuất điện phục vụ nhu cầu trong nước và chuyển tới Thái Lan thông qua mạng lưới điện khu vực. Ông Prachuap nói thêm rằng tại Thái Lan, việc xây dựng các nhà máy điện vận hành bằng than đá gần như là không thể do vấp phải sự phản đối kịch liệt của các nhà hoạt động môi trường. Nếu quan hệ hợp tác ba bên trở thành hiện thực, Thái Lan sẽ được tiếp cận với nguồn điện giá rẻ được sản xuất từ than đá. Ông Prachuap đang chuẩn bị tới Việt Nam để thảo luận sâu hơn về vấn đề này với những người đồng cấp.

Lutfi Rauf, Đại sứ Indonesia tại Thái Lan đồng thời là đại diện thường trực tại Ủy ban Kinh tế-Xã hội châu Á và Thái Bình Dương của của Liên hợp quốc (Escap), nhất trí với quan điểm của ông Prachuap, đồng thời nhấn mạnh rằng các thỏa thuận tiểu khu vực là thông lệ chung của ASEAN. Indonesia từng có những thỏa thuận như vậy với Brunei, Philippines và Malaysia, và một thỏa thuận khác với Singapore và bang Johor Bahru của Malaysia. Đại sứ Lutfi Rauf phát biểu: "Đây là điều chúng ta có thể khai thác vì lợi ích chung. Tất cả những gì chúng ta cần làm là cùng ngồi lại và thảo luận với nhau về việc làm thế nào để đạt được điều đó".

Năm 2015 sẽ kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Thái Lan và Indonesia. INTCC, được thành lập từ năm 2013, sẽ tổ chức các sự kiện với chủ đề "2015 - Hãy đầu tư vào Indonesia", và thành lập một phái đoàn chịu trách nhiệm thúc đẩy kinh doanh mà trong đó các tập đoàn và các quan chức cấp cao của chính phủ Thái Lan sẽ tới thăm Indonesia vào đầu tháng 4 tới. Tổng Thư ký INTCC Sukit Uarmhacharoen nói: “Indonesia là thị trường lớn nhất và có nhiều tiềm năng nhất của ASEAN với dân số lên tới 250 triệu người, chiếm gần một nửa dân số ASEAN, và 10-15% người tiêu dùng Indonesia có sức mua cao. Đây là một quốc gia có tầm quan trọng chiến lược và có tốc độ mở rộng nền kinh tế khá lớn”.

Ông Sukit Uarmhacharoen cho biết thêm rằng những mặt hàng xuất khẩu chính của Thái Lan sang Indonesia bao gồm gạo, đường và hoa quả, và ngành công nghiệp dịch vụ của Thái Lan cho rằng các hoạt động kinh doanh liên quan tới du lịch tại Indonesia có tương lai rộng mở.

Theo Đại sứ Lutfi Rauf, các doanh nghiệp của Thái Lan xếp thứ 15 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Indonesia, với tổng số vốn đầu tư năm 2014 là 318 triệu USD. Singapore là nhà đầu tư nước ngoài đến từ ASEAN lớn nhất tại Thái Lan, với tổng số vốn đầu tư là 5,8 tỷ USD. Theo kế hoạch Phát triển trung hạn quốc gia của Tổng thống Joko Widodo, Indonesia đặt mục tiêu từ năm 2019 sẽ đầu tư 250 tỷ USD vào các ngành công nghiệp chế biến, chủ yếu là các ngành sử dụng nhiều lao động, định hướng xuất khẩu và các lĩnh vực làm tăng giá trị tài nguyên thiên nhiên.

Kế hoạch 5 năm này yêu cầu cần có 460 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm sân bay, cảng biển, đường sắt, đường bộ và đường có thu phí. Khoản đầu tư này nhằm mục đích giảm chi phí hậu cần từ 24,2% GDP xuống còn 19,2% GDP vào năm 2019, và tăng phần đóng góp của các phương tiện công cộng trong thành phố từ 23% lên 32%.

Chủ tịch INTCC, bà Sarasvati Ellie Santoso, nói rằng tân Tổng thống Indonesia đang nhận được ủng hộ từ mọi tầng lớp xã hội và quốc gia này đã đạt được những tầm cao mới trong việc ổn định chính trị trong nước. Bà nói: “Ông ấy đã khởi xướng việc cải tổ quy mô lớn bộ máy quan liêu của Indonesia, tạo điều kiện thuận lợi hơn để tăng cường đầu tư và hợp tác với các công ty nước ngoài, bằng các chính sách ủng hộ kinh doanh”. Bên cạnh đó, không giống như các nước ASEAN khác đang có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, Indonesia không có tranh chấp chính trị với bất kỳ quốc gia nào và có mối quan hệ đối tác chiến lược tốt với Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Theo "Bưu điện Bangkok

Anh Thư (gt)