Trong những năm qua, căng thẳng Biển Đông do yêu sách lãnh thổ chồng lấn giữa các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc đã biến thành vấn đề gai góc nhất đối với hòa bình và thịnh vượng khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên giờ đây, sự hội tụ các điều kiện thích hợp ở trong nước và khu vực khiến một giải pháp khả thi về các yêu sách chồng lấn giữa ASEAN và Trung Quốc trở nên hứa hẹn hơn.

Hiện tại, viễn cảnh về một giải pháp hòa bình có vẻ khả thi nhiều hơn so với những năm gần đây, mặc dù một số vấn đề tranh cãi chính vẫn cần phải dàn xếp.

Là quốc gia điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc trong giai đoạn 2012-2015, Thái Lan sẽ phải đóng một vai trò trung gian hòa giải quyết đoán để thực hiện Tuyên bố Ứng xử giữa các Bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy hình thành một Bộ Quy tắc Ứng Xử ở Biển Đông bền vững, được thể chế hóa dựa trên các luật lệ, đáp ướng lợi ích đa dạng và khác nhau của các bên ở khu vực. Cơ hội hợp tác ngắn ngủi này cho thấy nếu một Bộ Quy tắc Ứng Xử cụ thể không được ký kết vào năm 2015, thì trong tương lai, viễn cảnh về một giải pháp hòa bình càng khó thành hiện thực.

Trong số tất cả các quốc gia lục địa không có yêu sách tại Đông Nam Á, Thái Lan có vẻ là bên trung gian, hòa giải thích hợp nhất giữa một bên là các quốc gia yêu sách trong ASEAN gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và một bên là Trung Quốc.

Singapore và Indonesia là hai quốc gia biển nhưng họ không có kinh nghiệm phù hợp để đóng vai trò trung gian khách quan. Các quốc gia không có yêu sách như Campuchia, Lào và Myanmar đều có nhiều vấn đề và hạn chế nên không thể đóng vai trò trung gian hiệu quả. Thái Lan có mối quan hệ đặc biệt với Trung Quốc; mối quan hệ cơ hữu hàng trăm năm cho phép Bangkok thực hiện hiệu quả vai trò trung gian trong việc thi hành DOC và thiết lập COC. Không một quốc gia nào khác trong ASEAN có quan hệ tốt với Trung Quốc mà không trở thành một kiểu đối tác phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Vì vậy, với vai trò là một trong những thành viên sáng lập ASEAN, Thái Lan nên hình thành nên một thỏa thuận chung của khu vực mà Trung Quốc và các quốc gia yêu sách ASEAN có thể chấp nhận được. Việc dàn xếp những tranh chấp khu vực là một phẩm chất ngoại giao nổi trội của Thái Lan. Chẳng hạn, khi ASEAN được thành lập, chính Thái Lan bằng bước đi khéo léo của mình đã dàn xếp và điều hòa mâu thuẫn giữa Malaysia và Indonesia, giúp năm thành viên sáng lập có thể thống nhất và đoàn kết.

Tuy Thái Lan từng đóng vai trò đầu tàu trong ASEAN, đôi khi là vai trò trung gian, hòa giải song thời gian gần đây Bangkok đã không được phát huy vai trò đối ngoại của mình do những bất ổn chính trị trong nước kéo dài cả thập kỷ. Hiện những bất ổn chính trị trong nước của Thái Lan vẫn biến mất nhưng nó đã đi đến chỗ ổn định – một trạng thái bình thường mới – và giờ là lúc Thái Lan cần đẩy mạnh chương trình đối ngoại của mình với khu vực.

Năm ngoái, vai trò điều phối của Thái Lan trong việc thúc đẩy thực hiện DOC và hướng tới COC dường như khá ngập ngừng, có lẽ do chính quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra lúc đó chưa chắc chắn về quyền lực của mình sau bầu cử. Đảng cầm quyền vì người Thái (Pheu Thai Party) đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử vào tháng 7 năm 2011, nhưng những người tiền nhiệm của Đảng này trong những tình huống bầu cử tương tự đã bị cản trở và đi chệch hướng. Sau bầu cử, chính quyền Thủ tướng Yingluck cũng phải vật lộn đối phó với nạn lũ lụt tại Thái Lan. Vào năm 2012, tình trạng trong nước vẫn rối loạn do biểu tình diễn ra tại Thái Lan. Hệ quả là chính sách đối ngoại của chính quyền thiếu định hướng và động lực thúc đẩy.

Nhưng sau hơn hai năm, quá nửa chặng đường của một nhiệm kỳ 4 năm, chính phủ Thái đã dần trở nên tự tin hơn về định hướng chính sách của mình. Các nghị trình chính sách từ kinh phí cho công trình hạ tầng đồ sộ, hoạt động phòng chống lũ lụt tới chi tiêu ngân sách hàng năm vấp phải rất nhiều lời chỉ trích. Yingluck đã trở thành lãnh đạo Thái Lan phải đi lại nhiều nhất, bản thân bà cũng chịu những chỉ trích về việc lãng phí tiền thuế của dân. Những phê phán không ngừng chống lại chính phủ bắt nguồn từ cách thức mà Thái Lan thay đổi trong một thập kỷ qua. Một số người nhìn nhận thay đổi này là sự giải thoát quá muộn, trong khi số khác coi đây là sự lạm quyền quá mức.

Dù sao đi nữa, ở Thái Lan hiện có đủ sự ổn định chính trị để lần nữa tạo nên động lực chính sách đối ngoại. Dù chính phủ Yingluck không được đánh giá có nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề quốc tế thì những nhà ngoại giao Thái Lan vẫn có thể đóng một vai trò lớn hơn trong việc hoạch định chiến lược và chính sách, đồng thời thể hiện một sự tự chủ và chuyên nghiệp riêng. Điểm nổi bật và trung tâm trong nhiệm vụ của họ là làm thế nào để chèo lái trong mối quan hệ đầy biến động giữa ASEAN-Trung Quốc.

Trong một loạt các cuộc thảo luận giữa ASEAN và Trung Quốc, nổi bật là cuộc họp lần thứ 9 Nhóm Công tác chung ASEAN – Trung Quốc về triển khai DOC, Hội nghị Quan chức Cấp cao lần thứ 6 tại Tô Châu, và tiếp theo là Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc diến ra tại Brunei trong tháng tới, Trung Quốc đã thể hiện sự linh hoạt hơn trong việc thực thi DOC và bắt đầu tham vấn về COC. Mặc dù hành động của Trung Quốc có đôi chút nhượng bộ và bớt quyết đoán hơn, nhưng các quốc gia yêu sách ASEAN cho rằng điều này là chưa đủ và chủ yếu nhằm mục đích để câu giờ, Bắc Kinh sẽ hợp tác nhưng không chấp thuận những vấn đề cơ bản.

Vấn đề lớn nhất hiện nay là liệu Trung Quốc có từ bỏ bản đồ đường 9 đoạn yêu sách gần như toàn bộ Biển Đông hay không và liệu nước này có sẵn sàng tham gia vào trật tự khu vực dựa trên luật pháp, trong đó thừa nhận Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Đây là những vấn đề gai góc mà Thái Lan với tư cách nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc sẽ phải giải quyết trong năm tới.

Tuy nhiên giới lãnh đạo Trung Quốc đang cho thấy một sự khôn ngoan và thực dụng hơn năm ngoái khi nước này tìm cách lợi dụng vai trò chủ tịch ASEAN của Campuchia để gây chia rẽ, dẫn đến việc hội nghị thường niên của mười nước ASEAN không thể ra được một tuyên bố chung. Việc không thống nhất được quan điểm chung bằng văn bản viết do bất đồng về vấn đề Biển Đông là một bước thụt lùi chưa từng có của ASEAN. Một số bên yêu sách của ASEAN cảm thấy ái ngại cho Campuchia bởi nước này bị Bắc Kinh chi phối và người ta cho rằng Trung Quốc đang tìm cách làm tổn hại tới ASEAN.

Hiện tại Bắc Kinh, với một vị bộ trưởng ngoại giao mới là ông Vương Nghị, dường như đã thay đổi chiến thuật, tỏ ra linh hoạt hơn nhưng không hề khoan nhượng trong các vấn đề quan trọng. Việc Trung Quốc sẵn sàng thảo luận về các điều khoản cụ thể của COC và thúc đẩy thực thi DOC là điều đáng hoan nghênh. Hiện tại, ASEAN tập trung ưu tiên vào ba vấn đề chính, đó là xây dựng lòng tin, ngăn ngừa tranh chấp và biện pháp giải quyết tranh chấp cần thiết để duy trì an ninh ở Biển Đông. Hợp tác biển trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn và thiết lập đường dây nóng để giải quyết các vụ việc khẩn cấp cũng đang có tiến triển. Những bên yêu sách của ASEAN đang băn khoăn và lo ngại về ý định của Trung Quốc ở Biển Đông, họ cần thỏa hiệp đôi chút để mở ra không gian hợp tác và khuyến khích Trung Quốc tuân thủ luật chơi.

Việc Mỹ hiện đang vướng vào cuộc khủng hoảng ở Syria và Tổng thống Barack Obama đã tiến hành đầu tư chính sách lớn đối với Trung Đông vào đầu nhiệm kỳ thứ hai có thể là tín hiệu tốt trong việc quản lý Biển Đông. Chính quyền trong nhiệm kỳ đầu của ông Obama đã đặt một dấu ấn rất lớn tại châu Á, với việc ông chủ Nhà Trắng tự tuyên bố là tổng thống “Thái Bình Dương” đồng thời thực thi một chiến lược mới với tên gọi “tái cân bằng” và “xoay trục châu Á”.

Người ta có thể nghi ngờ về mức độ tin cậy và cam kết của Mỹ trong chiến lược tái cân bằng châu Á bởi Washington đang vướng bận nhiều vấn đề ở Trung Đông. Ngoài Syria, người Mỹ vẫn đang cố gắng rút ra khỏi cuộc chiến không được ủng hộ tại Iraq, kiểm soát tình hình ở Afghanistan-Pakistan, và khởi động lại các vòng đàm phán hòa bình giữa Israel-Palestine.

Sự can dự của Mỹ ở châu Á trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Barack Obama có thể không rõ rệt và ít nhận thấy hơn so với nhiệm kỳ 1. Khác với cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, một gương mặt quen thuộc ở Đông Nam Á, người kế nhiệm John Kerry dường như không chú ý nhiều tới khu vực. Mặc dù ông Obama vẫn sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh khu vực nhưng tâm trí của ông chủ Nhà Trắng sẽ tập trung vào các khu vực khác và và dành sự ưu tiên lớn hơn so với châu Á.

Điều này có nghĩa rằng ASEAN sẽ phải tự chủ hơn nữa và đương đầu với nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên trước những thách thức như sự quyết đoán trên biển của Trung Quốc, sự xao nhãng và các ưu tiên đang thay đổi của chính quyền Mỹ, ASEAN buộc phải đoàn kết lại và cùng nhau hành động. Thái Lan, với vai trò là một đồng minh hiệp ước của Mỹ, một đối tác đặc biệt của Trung Quốc, một nước sáng lập ASEAN và một người bạn tin cậy của tất cả các cường quốc trong khu vực, sẽ phải nỗ lực hết sức trong vấn đề Biển Đông. Đây thực sự là một thử thách đối với nền ngoại giao Thái Lan ở thế kỷ 21 trong bối cảnh đất nước đã trở nên dân chủ và tự do hơn.

Thái Lan phải chuẩn bị sẵn sàng để đảm nhận vai trò trung gian khó khăn này và tận dụng các lợi thế chính trị, ngoại giao nhằm thúc đẩy thực thi hiệu quả DOC, đồng thời hướng tới việc hình thành và pháp điển hóa COC. Đề làm được điều này có thể Bangkok sẽ làm mất lòng một số bạn bè hay đối tác xung quanh. Nhưng miễn sao những hành động trên được thực thi một cách công bằng và thận trọng, chắc hẳn nó sẽ đem lại một kết quả rõ ràng, toàn diện và khả dĩ đối với nền hòa bình và ổn định của khu vực.

Thitinan Pongsudhirak là Phó Giáo sư về Kinh tế Chính trị Quốc tế và là giám đốc của Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế, Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Chulalongkorn . Bài viết được đăng lần đầu tiên trên trang The Bangkok Post.

 

Người dịch: Trần Quang

Hiệu đính: Kim Minh