Lần đầu tiên, một quan chức quốc phòng cao cấp của Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nói rằng để thành công, các nước ASEAN phải “đoàn kết” trong chủ đề Biển Đông. Đó cũng là điều mà các nước Việt Nam, In-đô-nê-xia và Philíppin đang cố làm để ngăn chặn kế hoạch kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc.

Theo bình luận của Austin Ramzy ngày 6/6 trên tờ "Time" (Mỹ), giới quân sự Trung Quốc qua lời Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt khi đến dự họp ở Xinhgapo cũng “cố gắng trấn an các nước láng giềng” và thông điệp đó còn được Trung Quốc muốn gửi tới Mỹ chứ không chỉ ASEAN.

Ông Ramzy nhắc lại rằng mới tháng trước, Tướng Trần Bính Đức của Trung Quốc đã đọc một bài diễn văn “đầy tính hòa bình” ở Oasinhtơn, khẳng định Bắc Kinh không hề có tham vọng thách thức Mỹ. Đây có thể là lý do mà Bộ trưởng Robert Gates yên tâm đến Xinhgapo tuần qua để gặp đối tác Trung Quốc trong thái độ hạ nhiệt ở Biển Đông. Mỹ cũng biết rằng sau khi tuyên bố có “quyền lợi cốt lõi” trong an ninh hàng hải Đông Nam Á, họ cũng không thể làm nhiều hơn với cục diện ASEAN vốn chưa đoàn kết toàn bộ - như mong muốn của Tướng Nguyễn Chí Vịnh - trước sức mạnh Trung Quốc.

Đứng trước Trung Quốc, chỉ có ba nước In-đô-nê-xia, Philíppin và Việt Nam là kiên quyết lên tiếng hơn cả.

Tờ "Dân tộc" (Thái Lan) ngày 6/6 có bài cho rằng bên cạnh Việt Nam, Philíppin là nước gần đây nhất đã cử máy bay ra đuổi tàu Trung Quốc sau một vụ mà họ cho là “xâm phạm” của phía Trung Quốc tại vùng Trường Sa. Các nước như Thái Lan, Xinh-ga-po và Ma-lai-xia vì những lý do khác nhau đang đắn đo và muốn kiếm lợi hơn là làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc.

Trong khi đó, ba nước Campuchia, Lào và Mianma được cho là gần gũi và chịu ảnh hưởng mạnh của Trung Quốc. Chính quyền Mianma nhận được sự ủng hộ mật thiết từ chính giới tại Bắc Kinh trong bối cảnh bị phương Tây cô lập. Tại Lào, các dự án khổng lồ về cơ sở hạ tầng đều do Trung Quốc chi tiền và một cộng đồng di dân Trung Quốc ở đây đang ngày càng lớn mạnh. Thủ tướng Hun Sen của Campuchia đã làm thân với Trung Quốc và quan hệ quốc phòng giữa Phnôm Pênh với Bắc Kinh cũng khá mật thiết. 

Trong các nước có tranh chấp biển, thái độ của Ma-lai-xia hiện được cho là muốn kiếm lợi bằng cách làm thân với Trung Quốc. Đặc biệt, Malaixia đang có các dự án riêng để cùng Trung Quốc khai thác khí đốt ở Biển Đông, theo như tin tức của hãng Bernama từ Cuala Lămpơ thời gian qua.

Tờ báo trên cho rằng trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN, vai trò điều hòa của Inđônêxia hiện rất quan trọng. Là nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới, tiếng nói của Giacácta ngày càng có uy tín trên toàn cầu. Chính thái độ ôn hòa của lãnh đạo Inđônêxia sẽ quyết định việc thế giới bên ngoài đánh giá Trung Quốc ra sao. Năm tới, Campuchia sẽ làm chủ tịch ASEAN và đóng một vai trò “tế nhị” trong việc điều khiển hướng đi của quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN. Trong lúc ASEAN không ngừng cân nhắc những bước đi của mình, sẽ không có gì lạ khi Mỹ vẫn giữ tiếng nói “điều hòa” trong cả khu vực - điều mà các nước trong khu vực mong muốn Oasinhtơn tiếp tục làm.

NCBĐ (tổng hợp)