Khi các cuộc diễn tập quân sự được tiến hành tại Đài Loan và Philíppin, Thái Bình Dương bỗng trở thành điểm nóng của một cuộc xung đột trong tương lai. Và lần này, các đối thủ là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ và Trung Quốc. Mỹ huy động 4.500 binh sĩ tham gia cuộc diễn tập hàng năm với Philíppin trên Biển Đông, chỉ một tuần sau cuộc đối đầu giữa các tàu của Trung Quốc và Philíppin. Cùng lúc đó, hàng nghìn binh sĩ Đài Loan cũng diễn tập tình huống đẩy lùi một cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc. Hiện nay, vấn đề lo ngại nhất ở Thái Bình Dương là ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng mạnh. Chỉ 10 năm qua, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần và hiện chỉ đứng sau Mỹ. Ước tính, mỗi năm Trung Quốc chi 120 tỷ USD cho ngân sách quân sự. Con số này có thể chưa chính xác và thậm chí còn lớn hơn nhiều. Có một điều rõ ràng là Trung Quốc đang hiện đại hóa quân đội. Trước đây, quân đội Trung Quốc thường tự hào về sức mạnh con người và hiện nay quân số của quân đội Trung Quốc là 2,3 triệu binh sĩ thường trực, lớn nhất thế giới. Quân đội Trung Quốc đang chú trọng công nghệ hiện đại và hợp đồng tác chiến tốt hơn để có thể giành chiến thắng trong một cuộc xung đột khu vực trong thế kỷ 21. Bên cạnh các chương trình nhập khẩu công nghệ quân sự hiện đại của Nga, Trung Quốc phát triển mạnh các loại công nghệ bản địa. Nhiều quan chức Mỹ cho biết đội quân tin tặc của Trung Quốc đang hoạt động ngày đêm nhằm đánh cắp các công nghệ hiện đại của chính phủ cũng như các nhà thầu quân sự lớn của Mỹ. Các nhà hoạch định kế hoạch quân sự và giới phân tích Mỹ nhận định Trung Quốc đang âm mưu kiểm soát toàn bộ các vùng biển khu vực, trước hết là các hòn đảo xung quanh bờ biển Trung Quốc, kể cả Biển Đông và Đài Loan.

Để nhanh chóng nâng cao khả năng của lực lượng hải quân và triển khai hàng nghìn tên lửa trên biển, quân đội Trung Quốc âm mưu biến bờ biển của họ thành khu vực cấm qua lại đối với hải quân Mỹ. Khi Trung Quốc cảm thấy đạt được sức mạnh vượt trội trong khu vực, cán cân sức mạnh hiện nay sẽ bị đảo lộn và hậu quả trước mắt đối với các nước láng giềng có thể rất lớn. Đối với Mỹ, sau thất bại tại Irắc và Ápganixtan, Nhà Trắng chính thức loan báo sẽ "tái cân bằng" bằng cách chuyển các lực lượng tinh nhuệ đến Thái Bình Dương. Mặc dù Oasinhtơn tuyên bố tạm hoãn xây dựng một siêu căn cứ quân sự trị giá nhiều tỷ USD như kế hoạch đề ra tại Guam, nhưng Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy các căn cứ hiện có, điều động binh sĩ và thiết bị nhiều hơn nữa, và thường xuyên tiến hành các cuộc diễn tập quân sự nhằm đe dọa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Các bên dường như cũng hiểu ý đồ của nhau. Nhiều quan chức Mỹ chỉ trích tính không minh bạch của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc không tin khi Mỹ tuyên bố thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hòa bình khu vực. Trung Quốc thường tố cáo người Mỹ là chủ nghĩa thực dân và khẳng định hành động của Mỹ nhằm đạt được lợi ích quốc gia, chứ không quan tâm đến vấn đề tự quyết hay nhân quyền. Trung Quốc cũng cho rằng Mỹ sử dụng các đồng minh như Philíppin làm các nước ủy nhiệm để cung cấp tiền bạc và bảo vệ các nước này nhằm đổi lấy ảnh hưởng của Mỹ. Những thay đổi xã hội nhanh chóng ở Trung Quốc đến nay không đưa nước này lên con đường hiện đại. Nhưng khi phát triển thành cường quốc kinh tế, Trung Quốc có thể trở nên kiên quyết hơn về chính trị. Trung Quốc đã và đang mở rộng ảnh hưởng bằng cách thực hiện vai trò lãnh đạo trong nhiều nhiệm vụ quân sự của Liên hợp quốc, nhưng một số chuyên gia coi hành động này là hình thức huấn luyện cho quân đội Trung Quốc để chuẩn bị cho các cuộc xung đột khu vực tương lai. Nhân tố lớn nhất để bảo đảm ổn định khu vực là sự lệ thuộc kinh tế lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong khi đó Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ. Khi hai cường quốc hạt nhân đối mặt nhau, một cuộc xung đột dường như khó xảy ra, nhưng xung đột giữa Trung Quốc và các nước đồng minh của Mỹ thì gần như chắc chắn.

Theo Eurasiareview (ngày 17/4)

Hương Trà (gt)