tap-can-binh-duoc-tang-luong-gap-doi.jpg

 

Cuộc gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình. Chuyến thăm này ở một số khía cạnh được đánh giá là chuyến thăm Mỹ quan trọng nhất của một nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ chuyến thăm của Đặng Tiểu Bình năm 1979, thu hút sự chú ý toàn cầu, phản ánh vị thế đang lên của Tập Cận Bình như một chính khách tầm cỡ thế giới và một Trung Quốc đang nổi trên trường quốc tế. Chuyến thăm diễn ra trong thời điểm quan hệ song phương căng thẳng, với một chương trình nghị sự kinh tế và an ninh rộng lớn cho cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình với ông Obama.

Cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo trên bao gồm nhiều vấn đề như triển vọng nền kinh tế toàn cầu sau sự giảm giá của đồng Nhân dân tệ; hội nhập kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương; các vấn đề an ninh khu vực ở châu Á và xa hơn là vấn đề Biển Đông; các cáo buộc Bắc Kinh tấn công mạng vào các lợi ích của Mỹ. Đặc biệt, vấn đề tài chính đang tiếp tục gây áp lực khi thế giới đang hết sức quan tâm, kể cả phố Wall, về sức mạnh nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà suy giảm với mức tăng trưởng thấp nhất trong hai thập kỷ qua và những biến động trên thị trường chứng khoán trong mùa Hè vừa qua đã gây ra sự bất ổn. Ngoài việc trấn an về sức mạnh nền kinh tế Trung Quốc, ông Tập Cận Bình còn có một mong muốn lớn hơn khi tận dụng chuyến thăm để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ cường quốc kiểu mới với Mỹ, một mục tiêu táo bạo nhưng vẫn còn thiếu định nghĩa cụ thể.

Tuy nhiên, rõ ràng tham vọng của ông Tập Cận Bình phản ánh quan niệm sức mạnh đang lên của Trung Quốc cần phải được củng cố bởi sự hiểu biết và sự đánh giá cao hơn từ quốc tế về đất nước này. Kể từ khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đã có một sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của quốc tế về sự kỳ vọng Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành siêu cường, điều được phản ánh không chỉ trong nhận thức của một số giới tinh hoa chính trị mà còn từ dư luận quốc tế. Năm 2015, đa số người được hỏi ở 27 trong số 40 quốc gia được Viện Nghiên cứu Toàn cầu Pew khảo sát cho rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ thay thế Mỹ trở thành siêu cường hàng đầu thế giới. Sự thừa nhận của quốc tế về sức mạnh của Trung Quốc thường được chào đón ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, xu hướng này không hoàn toàn tích cực, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm dấy lên sự lo lắng ở một số nước, bao gồm cả ở Mỹ.

Nói chung, Mỹ và phần lớn dư luận quốc tế có xu hướng ủng hộ sự trỗi dậy của Trung Quốc khi nước này được đóng khung trong vấn đề quyền lực kinh tế đang lên. Tuy nhiên, uy thế của Bắc Kinh được xem là thiếu thiện cảm khi nhìn qua lăng kính về sức mạnh quân sự. Bắc Kinh cho rằng sự lo ngại của quốc tế như vậy phản ánh nhận thức sai lầm về một cường quốc đang lên. Bắc Kinh đã đầu tư nhiều tỷ USD trong những năm gần đây cho chiến dịch tấn công "quyến rũ" ở nước ngoài và đã đạt được một số thành công đáng kể. Tuy nhiên, "sức mạnh mềm" của Trung Quốc đã không tăng lên với tốc độ tương tự như "sức mạnh cứng" của nước này (kinh tế và sức mạnh quân sự). Chẳng hạn, trong cuộc điều tra của BBC về ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc ở 25 quốc gia, chỉ số này đã bị giảm sâu trong năm 2013, mức giảm nhiều nhất kể từ cuộc nghiên cứu bắt đầu từ năm 2005.

Theo khảo sát năm 2014 của BBC, Trung Quốc là một trong những nước mà sự ảnh hưởng của họ đã trở nên tồi tệ nhất trong thập kỷ qua khi tỷ lệ người được hỏi có quan điểm tích cực đối với nước này chỉ còn 35%. Thâm hụt "quyền lực mềm" là một trong những lý do chính tại sao ông Tập Cận Bình đặt trọng tâm thúc đẩy một mối quan hệ cường quốc kiểu mới với Mỹ. Trong thực tế, ông Tập Cận Bình đang tìm cách tăng gấp đôi những cam kết lâu dài của Bắc Kinh trong việc đảm bảo sự trỗi dậy của một cường quốc hòa bình, một bên tham gia có tránh nhiệm trong hệ thống quốc tế. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc muốn thực sự thay đổi hình ảnh của mình thì cần phải vượt qua nhiều vấn đề khác mà cho đến nay Bắc Kinh vẫn tương đối hạn chế trong việc đầu tư "quyền lực mềm". Hình ảnh của Trung Quốc cũng sẽ được cải thiện từ việc tăng cường hoạt động ngoại giao nhân dân để giành được "trái tim và trí óc của người nước ngoài".

Những thách thức đối với Trung Quốc tất nhiên nằm ở phạm vi rộng lớn và sâu xa hơn. Việc thúc đẩy danh tiếng của Trung Quốc ở Mỹ là một nhiệm vụ thực sự nặng nề, đòi hỏi không chỉ đầu tư bền vững, mà còn phải cải cách trong nước trong nhiệm kỳ của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Theo “Jakarta Toàn cầu

Mỹ Anh (gt)