Đầu tháng 9, ông Modi có chuyến công du Tokyo trước khi đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại New Delhi vào giữa tháng 9 và tiến hành chuyến thăm Washington vào ngày 30/9 tới.

Trung Quốc hiện là thách thức khó khăn nhất của ông Modi mặc dù ông đã có cuộc gặp rất tốt đẹp với ông Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tại Brazil mới đây. Sau khi nhậm chức, ông Modi đã nhanh chóng "chìa tay" với Trung Quốc vì coi nước này, với lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ, là một đối tác tiềm tàng trong sự phát triển của chính Ấn Độ. Nhưng tại thời điểm mối quan hệ thương mại Trung-Ấn đang có sự chênh lệch - kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Ấn Độ cao gấp 3 lần kim ngạch nhập khẩu và Bắc Kinh đang đối xử với New Delhi như một nguồn cung cấp nguyên liệu thô giống như châu Phi - ông Modi phải tìm cách giải quyết sự mất cân đối này, trong khi "biến" một Trung Quốc giàu tiền bạc trở thành một đối tác quan trọng trong công cuộc phát triển của Ấn Độ.

Một thách thức nữa của ông Modi là phải cân bằng giữa sự can dự kinh tế sâu sắc này và các nhu cầu chiến lược của Ấn Độ, trong đó có việc tăng cường phòng thủ và kiềm chế những khiêu khích trên biên giới ngày càng tăng của Trung Quốc. Theo các số liệu mới nhất của chính phủ Ấn Độ, từ đầu năm 2014 đến ngày 14/8 vừa qua, Trung Quốc đã 334 lần xâm phạm biên giới của Ấn Độ.

Mối quan hệ thường xuyên căng thẳng giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới này có những tác động lớn đối với an ninh quốc tế và động lực của châu Á. Khi Trung Quốc và Ấn Độ có được sức mạnh kinh tế, hai nước này ngày càng thu hút được thêm sự chú ý của cộng đồng quốc tế. 

Cao nguyên Tây Tạng đã chia tách các nền văn minh Ấn Độ và Trung Quốc trong suốt lịch sử, hạn chế sự tương tác giữa hai nước thành những tiếp xúc văn hóa và tôn giáo thường xuyên. Sau khi Trung Quốc sáp nhập Tây Tạng đầu những năm 1950, các đơn vị quân đội Trung Quốc đã xuất hiện lần đầu tiên trên đường biên giới Himalaya của Ấn Độ, dẫn đến cuộc chiến tranh Trung-Ấn đẫm máu năm 1962. Hơn một nửa thế kỷ sau, các rạn nứt cũ giữa hai nước vẫn tồn tại song song với những vấn đề mới và bắt đầu làm căng thẳng mối quan hệ song phương, trong đó có việc nhắc lại tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh năm 2006 đối với bang Arunachal Pradesh (ở Đông Bắc Ấn Độ) có diện tích lớn gấp 3 lần Đài Loan. Lập trường cứng rắn của Trung Quốc đối với Ấn Độ cũng được thể hiện trong các dự án chiến lược của Trung Quốc tại khu vực ở Kashmir hiện do Pakistan chiếm giữ.

Trong các năm 2000-2010, kim ngạch thương mại hai chiều Trung-Ấn đã tăng 20 lần, khiến thương mại là lĩnh vực duy nhất có các mối quan hệ song phương phát triển. Tuy nhiên, vấn đề này cũng không làm giảm sự đối đầu giữa Bắc Kinh và New Delhi. 

Gốc rễ của những căng thẳng biên giới hiện nay là những nỗ lực không mệt mỏi của Trung Quốc nhằm làm thay đổi thực trạng lãnh thổ. Điều chắc chắn là Ấn Độ không phải là mục tiêu duy nhất của Bắc Kinh. Quân đội Trung Quốc cũng đang tìm cách thay đổi thực trạng lãnh thổ với một số quốc gia láng giềng khác, trong đó có Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Thay vì xâm lược, Trung Quốc đang chọn cách tiến hành dần từng bước để đánh lừa những người phản đối và tạo ra thực tế mới trên thực địa, cho dù là tại Biển Đông hay khu vực Himalaya của Ấn Độ. Bằng cách này, Trung Quốc đang tìm cách thay đổi thực trạng mà không tạo ra xung đột công khai với các nước láng giềng.

Bất chấp sự hiếu chiến của Bắc Kinh, ông Modi đã có những động thái để "kết bạn" với chính phủ của ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, những động thái đó chỉ có thể che giấu sự lo lắng của New Delhi trước sự phô trương sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh hay quyết tâm của ông Modi nhằm xây dựng các quan hệ chiến lược gần gũi với Tokyo để kiểm soát sự tích lũy quyền lực nhanh chóng của Trung Quốc. Chiến lược liên tục gây sức ép tại các đường biên giới của Trung Quốc không chỉ đe dọa sự ổn đỉnh ở châu Á, mà còn thúc đẩy các nước như Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam phải hợp tác. Ưu tiên của ông Modi vẫn là đảm bảo sự cân bằng quyền lực ở châu Á. 

Theo mạng tin Chinausfocus.us

Duy Anh (gt)