Những ai theo dõi sát tình hình Biển Đông đều không khỏi lo ngại về khả năng Trung Quốc phát triển quân sự khi tiến hành việc xây dựng đảo biển chưa từng thấy trong suốt năm qua. Việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng hạ tầng cơ sở, các bến tàu và ít nhất một đường băng máy bay tại khu vực Quần đảo Trường Sa nhằm mục đích tăng cường khả năng kiểm soát và giám sát sẽ khiến các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trở nên phức tạp.

Các quốc gia cùng có khiếu nại chủ quyền và chính phủ các nước khác cũng cần nhận thấy rằng chiến dịch xây dựng đảo biển của Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực tới những triển vọng pháp lý trong việc tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho các vấn đề tranh chấp. Tháng 6/2014, Chính phủ Philippines đã công bố những bức ảnh cho thấy Trung Quốc nạo vét cát ở đáy biển và tìm cách mở rộng năm bãi đá ngầm mà Trung Quốc đã chiếm trước đây ở Quần đảo Trường Sa gồm: Đá Châu Viên (Cuarteron), Đá Én Đất (Eldad), Đá Ga Ven (Gaven), Đá Tư Nghĩa (Hughes) và Đá Gạc Ma (Johnson). Sau đó là bằng chứng rõ ràng về việc Trung Quốc tiến hành xây dựng và cải tạo tại Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) để xây dựng đường băng thứ 4 tại khu vực quần đảo nêu trên và gần đây nhất việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động xây dựng, cải tạo tại Đá Vành khăn (Mischief Reef). 

Hầu hết những hoạt động mở rộng xây dựng và cải tạo nêu trên của Trung Quốc đều được khẳng định bằng những hình ảnh của Công ty Tư vấn và Phân tích quốc phòng toàn cầu IHS Jane's và bằng thông tin tại hiện trường của hãng tin BBC. Trong số những địa điểm Trung Quốc đang tiến hành mở rộng cải tạo, Đá Ga Ven, Đá Tư Nghĩa và Đá Vành khăn là ba địa điểm mà trước đó Philippines đã đề nghị Tòa án Trọng tài Quốc tế ở La-Hay tuyên bố là các "bãi nổi khi triều xuống". Ba địa điểm khác gồm Đá Châu Viên, Đá Chữ Thập và Đá Gạc Ma cũng thuộc danh sách mà Philippines đã đề nghị Tòa án Trọng tài Quốc tế tuyên bố hợp pháp là "các đá", chứ không phải là "các đảo". Những định nghĩa này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tìm kiếm một giải pháp lâu dài nhằm giải quyết xung đột ở Trường Sa, bởi vì định nghĩa này xác định rõ ràng những quyền lợi trên biển mà mỗi thực thể tạo ra. Một "bãi nổi khi triều xuống" không tạo ra lãnh hải, không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), hoặc thềm lục địa, và không thể được tuyên bố là lãnh thổ về mặt pháp lý. 

Về mặt pháp lý, "bãi nổi khi triều xuống" là phần của đáy biển và ảnh hưởng thực tế duy nhất của nó đối với hệ thống biển là nếu nó nằm trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý kể từ một thực thể khác, thì nó có thể được coi như đường cơ sở để từ đó tiến hành việc đo giới hạn của các thực thể "đá" hoặc "đảo". Một "đá", khác với một "đảo" ở chỗ nó không thể duy trì sự cư trú độc lập của con người hoặc đời sống kinh tế, mà nó chỉ tạo ra một lãnh hải, song không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Một "bãi nổi khi triều xuống" không thể được cải tạo để trở thành một "đá" hoặc một "đảo" - điều khoản quy định rõ ràng trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển rằng thực thể "đá" và "đảo" phải do "thiên nhiên tạo ra" nhô hẳn trên mặt nước lúc thủy triều lên cao. Và trong bối cảnh từ trước tới nay chưa có tòa án nào phán quyết về chi tiết này, nhiều chuyên gia hiện nay tán thành một "đá" không thể được cải tạo để trở thành một "đảo". Vấn đề là ở chỗ trạng thái ban đầu của thực thể chứ không phải là trạng thái khi nó được cải tạo và xây dựng. 

Việc xác định trạng thái ban đầu của một thực thể, đặc biệt ở Trường Sa, khó khăn hơn nhiều so với sự mong đợi. Ảnh vệ tinh, hoặc thậm chí ảnh chụp từ máy bay, khó có thể được chấp nhận tại tòa án, ngoại trừ những trường hợp rõ ràng nhất. Thay vào đó, các thẩm phán sẽ đòi hỏi những nghiên cứu địa chất chính xác đối với các thực thể. Những nghiên cứu chính xác ở Biển Đông hiện vẫn còn chưa đầy đủ và sẽ không có khả năng chứng minh cho những thực thể bị thay đổi vĩnh viễn từ hoạt động bành trướng của Trung Quốc. Hy vọng tốt đẹp nhất cho một cơ chế lâu dài nhằm giải quyết tranh chấp ở khu vực Trường Sa đòi hỏi thỏa thuận trong phạm vi vùng biển và đáy biển có tranh chấp pháp lý. 

Việc Trung Quốc tiến hành xây dựng ở Biển Đông có thể khiến cho thỏa thuận thuận như vậy trở nên khó khăn hơn rất nhiều, và nó cũng khiến cho việc phân xử pháp lý gần như là không thể. Các bên yêu sách và các quốc gia có lợi ích, bao gồm cả Mỹ cần thức tỉnh, nhận thức rõ mối nguy này, tìm kiếm giải pháp trước khi quá muộn. Một thỏa thuận khảo sát chung tại Trường Sa như giữa Philippines và Việt Nam, Brunei và Malaysia, những thỏa thuận được các quốc gia bên ngoài hỗ trợ, nên được thực hiện trong năm nay. Đây sẽ là việc làm có ích đối với tất cả các bên yêu sách, nên xem đó là nỗ lực hợp tác mang tính khoa học chứ không phải là nhân tố làm leo thang tranh chấp.

 

Gregory Poling, Trung tâm nghiên cứu về Đông Nam Á và Sáng kiến Đối tác Thái Bình Dương. Bài viết được đăng trên CSIS.

Trần Quang (gt)