Trên trang mạng Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tối ngày 03/01/2012, Bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nhận định:

(1) Thế giới bước vào năm 2012 tiếp tục có nhiều nhân tố bất ổn định và không chắc chắn và đây là năm Trung Quốc cần đóng vai trò thậm chí lớn hơn nữa trong các vấn đề toàn cầu. “sự phát triển của các lực lượng toàn cầu, sự thay đổi và điều chỉnh hệ thống quốc tế cũng như căng thẳng và sự tương tác trong các quan hệ toàn cầu sẽ diễn ra ở nhiều tầng nấc sâu hơn.

(2) Năm 2012 sẽ chứng kiến nhiều thay đổi lớn trên toàn thế giới như các cuộc bầu cử tại Mỹ, Nga, Pháp, Hàn Quốc và Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 18 cũng sẽ diễn ra trong năm nay.

(3) Với Trung Quốc, mặc dù cơ hội nhiều hơn thách thức trong năm 2012 nhưng Trung Quốc cần có nhiều nỗ lực để tạo “môi trường bên ngoài thuận lợi hơn” thông qua việc kiên định theo con đường phát triển hòa bình. Theo đó, Trung Quốc cần kiên trì hơn với những nước mà bầu cử đang diễn ra, tránh làm tổn hại quan hệ song phương do các nhân tố chính trị nội bộ tại các nước này.

(4) Các cơ chế tăng cường hợp tác với các nước láng giềng để cùng có lợi sẽ tiếp tục được củng cố nhằm loại bỏ nghi ngờ, tăng cường niềm tin và ổn định khu vực.

Chuyên gia Ren Yuanzhe, Phòng Chính sách ngoại giao, thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc nhận định Trung Quốc cần làm sâu sắc các trao đổi thông tin với Mỹ thông qua các kênh đối thoại để tránh bị đánh giá sai về chiến lược nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Giải quyết các vấn đề tồn tại với các nước láng giềng cần đặt là quan tâm hàng đầu trong chính sách ngoại giao Trung Quốc năm 2012. “Duy trì ổn định tại các khu vực xung quanh Trung Quốc phù hợp với lợi ích không chỉ của Trung Quốc và các nước láng giềng mà còn vì cả lợi ích của Mỹ”. Chuyên gia nghiên cứu châu Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Wang Junsheng, cho rằng tuy nhiên điều này sẽ không dễ dàng bởi áp lực mà Trung Quốc phải đối mặt từ bên ngoài là kết quả của việc Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ. “Trung Quốc đang trong giai đoạn đột phá chiến lược và giai đoạn này sẽ diễn ra trong thời gian khá dài”. Các nguyên tắc ngoại giao cần phải thực tế, độc lập và dựa trên lý trí. Trung Quốc cần đảm nhiệm nhiều trách nhiệm đối với các vấn đề khu vực, toàn cầu hơn và tạo nhiều cơ chế đa quốc gia hơn nhằm thể hiện hình ảnh là cường quốc có trách nhiệm. Về những đánh giá năm 2011, Bộ Trưởng Ngoại Giao Dương Khiết Trì cho rằng: Năm 2011 là năm có nhiều thay đổi sâu sắc và phức tạp trên trường quốc tế. Những thay đổi này xuất phát từ những khiếm khuyết trong quản lý kinh tế toàn cầu mà đã được phản ánh thông qua mức độ khủng hoảng tài chính toàn cầu, tới các xung đột và căng thẳng khu vực, việc tăng ảnh hưởng chiến lược của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và xuất hiện các lực lượng cạnh tranh làm phức tạp cho sự năng động liên khu vực.

Trong khi đó chuyên gia Wang nhận định việc cải thiện quan hệ với các nước láng giềng tiếp tục là điểm nhấn của ngoại giao Trung Quốc trong năm qua. “Ngoài tăng cường quan hệ truyền thống với Bắc Triều Tiên và Pakistan, quan hệ Trung Quốc với Việt Nam và Ấn Độ, những nước mà Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ tiếp tục được tăng cường trong Thượng đỉnh APEC tại Hawaii vào tháng 11 vừa qua. Hơn nữa, chuyến thăm của Thủ Tướngg Nhật Bản Yoshihiko Noda gần đây tới Trung Quốc cũng đã góp phần cho nhận định trên. "Ngoại giao Trung Quốc năm 2011 đã bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích phát triển, đồng thời tăng cường ảnh hưởng và vị thế quốc tế của Trung Quốc. Việc cứu trợ và giúp 35.860 công dân Trung Quốc thoát khỏi khủng hoảng tại Libi là nỗ lực lớn nhất trong việc bảo hộ công dân ở nước ngoài của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc kể từ khi thành lập năm 1949 và cùng với tuần tra chung với Lào, Thái Lan, Myanmar dọc sông Mê Kông sau khi có vụ thiệt mạng của 13 thủy thủ tàu Trung Quốc đã cho thấy Trung Quốc cam kết bảo vệ quyền công dân hợp pháp tại nước ngoài. Chúng ta không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tăng ngân sách và bảo đảm quyền công dân của Trung Quốc tại nước ngoài”. Nhìn chung, điều này đã cho thấy ngoại giao Trung Quốc ngày càng cởi mở, tự tin và chủ động hơn./.

Theo Chinadaily

Vũ Hiền (gt)