NTS-Alert-sep-1102_image001.jpg

Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), 94 nước đang phát triển có hơn 60% doanh thu xuất khẩu trong năm 2012-2013 là từ hàng hóa. Báo cáo "Các nước phụ thuộc vào hàng hóa" tháng 4/2015 của UNCTAD cho biết có 63 nền kinh tế đang phát triển được coi là "phụ thuộc quá mức vào hàng hóa" khi hàng hóa chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó báo cáo "Những thống kê và xu hướng chính" tháng 6/2015 của UNCTAD nhấn mạnh những nước đang phát triển phụ thuộc hàng hóa nhiều nhất có xuất khẩu nguyên liệu thô chiếm hơn 20% tổng sản lượng kinh tế, và trong một số trường hợp, con số này lên đến hơn 50%.

Trong những năm kinh tế bùng nổ, giá trị hàng hóa xuất khẩu từ các nước đang phát triển nhảy từ mức 2.000 tỷ USD giai đoạn 2009-2010 lên đến 3.200 tỷ USD giai đoạn 2012-2013, phần lớn là nhờ giá cả tăng. Điều này cho thấy quy mô doanh thu hiện nay đang gặp rủi ro. Ví dụ, doanh thu từ xuất khẩu dầu thô của các nước thành viên Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng từ 123 tỷ USD năm 1994 và 375 tỷ USD năm 2004 lên tới 1.200 tỷ USD năm 2012. Doanh thu xuất khẩu của OPEC đã giảm xuống 965 tỷ USD năm 2014 và dự kiến còn giảm mạnh nữa trong năm 2015 do giá sụt giảm tiếp tục gây tác động.

Các nước đang phát triển vẫn luôn phải đấu tranh với nguy cơ biến động cao bất thường về doanh thu xuất khẩu và sản lượng do giá cả hàng hóa dao động quá mức. Theo David Jacks- người đứng đầu South Centre, một tổ chức liên chính phủ do các nước đang phát triển thành lập- các nền kinh tế phụ thuộc vào hàng hóa đã dùng doanh thu xuất khẩu tăng để cải thiện cân bằng ngân sách và tài chính công cho tới năm 2008, song sau thời điểm này, cân bằng suy giảm và nợ công đã tăng lên. Tại diễn đàn hàng hóa toàn cầu của UNCTAD hồi tháng 4/2015, ông đã cảnh báo rằng phần lớn các nước đang phát triển phụ thuộc vào hàng hóa đang bước vào thời kỳ suy thoái với ít hoặc không có cơ hội để thay đổi chính sách tài khóa.

Ngoại trừ một số quốc gia vùng Vịnh như Saudi Arabia và Kuwait tích trữ một trữ lượng lớn dầu mỏ trong thời kỳ phát đạt, có thể bảo vệ các nước này tránh khỏi sự suy giảm trong một vài năm, đại đa số các nước sản xuất hàng hóa phải đối mặt với áp lực điều chỉnh lớn cho tới khi giá cả phục hồi.

Sự sụt giảm giá cả hàng hóa từ năm 2012, và tăng tốc từ năm 2014, cho thấy một biến động lớn về mặt thương mại cũng như thu nhập và sự thịnh vượng giữa các nước sản xuất và tiêu thụ hàng hóa cũng như giữa các hộ cá thể và các doanh nghiệp. Phần lớn các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) sẽ là những nước thu lãi ròng lớn bởi họ nhập khẩu nhiên liệu và thực phẩm ròng: các trường hợp ngoại lệ rõ rệt là Canada, Australia và New Zealand, những nước có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu và GDP lớn từ hàng hóa.

Với các nước ngoài OECD, tình hình phức tạp hơn. Một số nước nhập khẩu hàng hóa lớn, đáng chú ý là Trung Quốc, là những nước thắng lớn, cũng như một số hộ gia đình thành thị hưởng lợi từ giá thực phẩm và nhiên liệu giảm. Song với phần lớn hoạt động kinh tế ở nhiều nước đang phát triển gắn với nông nghiệp, chiết xuất dầu, khí và khoáng sản, sự tác động lên doanh thu của chính phủ, việc làm và thu nhập sẽ rất nghiêm trọng.

Những thay đổi lớn về giá cả và tái phân phối thu nhập luôn tác động cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Mặt trái của sự bùng nổ hàng hóa những năm 1970 ở những nước đang phát triển là cuộc khủng hoảng năng lượng ở Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản do giá cả nhiên liệu tăng. Những điều chỉnh đau đớn do sự gia tăng giá cả năng lượng và các hàng hóa khác trong những năm 1970 vẫn hằn dấu trong trí ức của nhiều nền kinh tế đã phát triển. Tổng thống Mỹ Jimmy Carter khi xuất hiện trên truyền hình vào tháng 4/1977 đã có "bài phát biểu không dễ chịu" về cuộc khủng hoảng năng lượng được coi là "vấn đề chưa từng thấy trong lịch sử" và đòi hỏi phải có phản ứng dũng cảm "như trong thời chiến".

Sự sụt giảm giá cả hàng hóa từ năm 2012 là một cơ hội cho người tiêu dùng thực phẩm và nhiên liệu, nhất là ở những nước phát triển, song với người sản xuất, đa số trong đó là ở các nước đang phát triển, nó cũng tương tự như một cuộc khủng hoảng khi giá cả lao dốc hồi những năm 1973/1974 và 2008.

Theo “Reuters

Nhật Linh (gt)