Là một cường quốc toàn cầu đang lên, đồng thời là nền kinh tế-quân sự quan trọng và lớn nhất châu Á, Trung Quốc có lợi thế để thử thách các nước láng giềng thông qua các yêu sách chủ quyền gây tranh cãi khi nhận thức rằng mình không có đối thủ. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi trong những năm gần đây, Nhật Bản đã trở nên mạnh mẽ hơn khi phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), và Philippines đã kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Quốc tế sau những tuyên bố chủ quyền cũng như những hành động hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trung Quốc nói rằng không có ý định tham gia vụ kiện với Philippines. Nỗ lực của Philippines đưa Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Quốc tế không dễ bị bỏ qua bởi nó dựa trên các thẩm quyền bắt buộc dù Trung Quốc đã bác bỏ từ năm 2006. Tuy nhiên, ngay cả khi các nỗ lực của Philippines bị thất bại, bất cứ lập luận nào cũng sẽ được xem xét và có thể được chuyển sang tòa án khác. Nếu xảy ra hành động quân sự, vụ việc sẽ được đưa lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cơ quan thực thi pháp luật của Liên hợp quốc. 

Trong khi Trung Quốc từ chối sử dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) nhằm phản bác lập luận của Philippines về vụ kiện, thì nước này lại nhanh chóng viện dẫn các quy định trong UNCLOS để chống lại Nhật Bản. Năm 2009, Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư, sử dụng quy tắc UNCLOS để xác định và phân định ranh giới thềm lục địa của mình vượt ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Trong các vụ việc này, rõ ràng Trung Quốc đã không nhất quán trong việc áp dụng các quy tắc luật pháp.

Đáng nói hơn, Trung Quốc muốn sử dụng chiến thuật “gặm nhấm” bất chấp các quy tắc trong điều ước quốc tế về việc không thay đổi hiện trạng. Đó là hành vi không tương xứng với một cường quốc toàn cầu đang lên, khiến cho các quốc gia ký kết điều ước quốc tế với Trung Quốc phải tự hỏi liệu chữ ký của họ có giá trị gì? Sự quyết đoán của Trung Quốc trong việc dựa vào các tấm bản đồ cũ của các thế kỷ trước để làm cơ sở cho yêu sách biển của mình ở Biển Đông rõ ràng không phù hợp với pháp luật biển hiện hành, thậm chí còn bộc lộ những mâu thuẫn. 

Dù có hay không việc Tòa án Trọng tài ra phán phán quyết có lợi cho Philippines, Trung Quốc không có khả năng chiếm ưu thế tại tòa án công luận quốc tế về vấn đề này. Tranh chấp ở Biển Đông cuối cùng sẽ là một phép thử xem liệu Trung Quốc có đóng vai trò một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, sẵn sàng tham gia với các nước khác dựa trên các quy tắc phù hợp với các chuẩn mực ngoại giao quốc tế, tương xứng với tầm vóc của một quốc gia có tầm quan trọng bậc nhất khu vực hay không. Đây thực sự là một thách thức của Trung Quốc.

Theo “Jakarta Post

Anh Thư (gt)