Malaysia chắc chắn phải đối mặt với những cơ hội và rủi ro chính trị, cho cả ASEAN và danh tiếng quốc tế của mình trong năm 2015.

Theo dự kiến, năm 2015, ASEAN sẽ hội nhập hoàn toàn với tư cách một Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Theo lời Ikram Yaakob, Trưởng Ban thư ký Quốc gia ASEAN-Malaysia, "Malaysia có trách nhiệm to lớn trong việc đảm bảo thực thi những việc còn lại trong kế hoạch chi tiết hoàn tất lộ trình hình thành Cộng đồng ASEAN". Thực tế cho thấy, để AEC trở thành hiện thực còn nhiều việc phải làm và với cương vị Chủ tịch ASEAN, Malaysia có trách nhiệm tiến hành và vấn đề nhạy cảm nhất liên quan tới an ninh trong khu vực là xử lý quan hệ ASEAN-Trung Quốc.

Mong muốn có được Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông của ASEAN lâu nay khó có thể đạt được trong năm nay hoặc trong tương lai gần. Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn với bất cứ nước nào giữ cương vị Chủ tịch ASEAN, đặc biệt đối với Malaysia vì bản thân nước này cũng có tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này. Dù không công khai, quyết đoán như Philippines và Việt Nam trong phản đối tuyên bố và hành động của Trung Quốc nhưng Malaysia cũng đã bày tỏ quan ngại của mình với Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao. 

Trong khi đó, Malaysia cũng đang củng cố quan hệ chính trị và quân sự với Mỹ, tham gia Sáng kiến An ninh do Mỹ đứng đầu mà Trung Quốc phản đối. Hơn nữa, Malaysia cũng cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ để tiếp liệu cho máy bay giám sát tàu ngầm Poseidon. Những máy bay này có khả năng phát hiện và theo dõi tàu ngầm của Trung Quốc trên Biển Đông - hành động mà Trung Quốc xem là không thân thiện. Lập trường của Malaysia về việc Philippines kiện Trung Quốc được giới chức Mỹ hoan nghênh. Evan Medeiros - Giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ về vấn đề châu Á - cho rằng Malaysia đã "ủng hộ nguyên tắc của trọng tài quốc tế". Rõ ràng là Mỹ cho rằng Malaysia ủng hộ quan điểm của Philippines đối với Trung Quốc và ủng hộ nỗ lực duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ muốn Malaysia trung lập hơn. 

Là Chủ tịch ASEAN, Malaysia nhiều khả năng "mắc kẹt" giữa sức ép ngoại giao từ phía Trung Quốc, Mỹ và các nước ASEAN. Kuala Lumpur cần phải tìm vị trí "bên thứ ba", không quá nghiêng về Trung Quốc và những nước ủng hộ trong ASEAN hay quá nghiêng về phía Philippines và Việt Nam. Nếu lựa chọn giữ nguyên trạng thay vì đối đầu với Trung Quốc hay Mỹ, áp lực và căng thẳng trong ASEAN có thể dẫn đến tranh cãi và chia rẽ trong nội bộ khối. Điều đó sẽ làm suy yếu tính trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực. 

Ban trọng tài tiếp nhận đơn kiện chống Trung Quốc của Philippines có thể sẽ ra phán quyết trong năm nay, ít nhất về việc họ có thẩm quyền tiếp nhận vụ việc hay không. Nếu họ quyết định tiếp nhận vụ việc, căng thẳng sẽ gia tăng khi Trung Quốc sẽ không chấp thuận tiến trình cũng như kết quả phân xử đó, nhiều khả năng gia tăng áp lực buộc Philippines và Việt Nam phải đàm phán trực tiếp. Nếu vậy, Malaysia, với tư cách Chủ tịch ASEAN và một bên tranh chấp, có thể rơi vào một tình thế rất khó khăn. Bất kể quyết định của ban trọng tài ra sao, Philippines và Việt Nam sẽ tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của ASEAN và các thành viên trước những thách thức của Trung Quốc, và Mỹ sẽ tiếp tục lặng lẽ ủng hộ hai nước này. Trong ASEAN, Campuchia, Lào và Myanmar có thể tiếp tục lảng tránh, còn Indonesia có thể bắt đầu thể hiện vai trò lãnh đạo trong ASEAN và tìm cách lấp khoảng trống giữa ASEAN và Trung Quốc. Làm thế nào Malaysia nhận thức và đối phó với thực tế này? 

Ngoài ra, trong trường hợp xảy ra những tình huống không thể lường trước như đụng độ quân sự Mỹ-Trung trên Biển Đông, thảm họa thiên nhiên hay tấn công khủng bố liên quan tới ASEAN, liệu Malaysia có thể hiện vai trò lãnh đạo hiệu quả ứng phó với các sự kiện này hay không? Dù gặp những khó khăn song Malaysia chắc chắn đã chuẩn bị cho cương vị Chủ tịch ASEAN đầy thử thách

Chắc chắn rằng Malaysia đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ rất lâu cho thời điểm này. Tuy nhiên, họ lại phải bắt đầu với những bước bất lợi và phải giải quyết với những vấn đề hết sức khó khăn.

Tuy vậy thì cũng hi vọng rằng họ có thể áp dụng những sáng kiến và viễn cảnh tương lai được xây dựng từ thời Ismail Abdul Rahman và từ thời điểm sáng lập xây dựng nên ASEAN. Ismail Abdul Rahman là ngoại trưởng đầu tiên của Malaysia, người ủng hộ hoà bình và trung lập cho khu vực Đông Nam Á, mà từ sáng kiến đó đã hình thành khối ASEAN

Malaysia có cơ hội để dẫn dắt khối ASEAN phát triển và nâng cao uy tín của bản thân họ trên trường quốc tế. Và điều này được nhiều quốc gia cũng như các nhà phân tích trên thế giới hi vọng. 

Bài viết của Mark J. Valencia trên trang mạng The Straits Times (Singapore)

Duy Anh (gt)