0912trungmy_0e298(1).jpg

Chính sách châu Á dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump chắc chắn sẽ phức tạp và khó dự đoán trong vài năm tới. Cho đến nay, các quan điểm trong chính sách đối ngoại của ông Trump thường hướng tới sự khiêu khích cùng những thay đổi gây tranh cãi, tạo ra sự mù mờ và nghi ngờ cho các năm tới. Chiến thắng của ông Trump đã mở ra một kịch bản mới và không chắc chắn, đồng thời làm dấy lên các câu hỏi rằng những chính sách của ông sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với môi trường khu vực và toàn cầu. Một trường hợp điển hình là việc ông Trump đưa ra quan điểm về “Chính sách một Trung Quốc” có độ nhạy cảm cao và về vị thế của Đài Loan- khu vực tiềm ẩn xung đột ở mức độ cao nhất tại Đông Á, bên cạnh bán đảo Triều Tiên. Vị thế của Đài Loan như một phần của Trung Quốc là điều rất quan trọng. Trung Quốc đã liên tục nhấn mạnh rằng vấn đề Đài Loan liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.  

Đài Loan cũng có tầm quan trọng chiến lược vì sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan là biểu tượng cho ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực, bên cạnh ý nghĩa đáng kể về kinh tế. Về chiến lược, Đài Loan là một nhân tố quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung ở châu Á-Thái Bình Dương. Đã có một vài sự lo ngại kể từ khi Trung Quốc đối phó với sự ủng hộ này bằng việc đưa tàu sân bay qua eo biển Đài Loan như một phần trong tập trận hải quân và triển khai hệ thống tên lửa đất đối không từ đảo Hải Nam, đồng thời dự kiến sẽ triển khai tiếp ở các điểm mà Trung Quốc chiếm giữ trên Biển Đông.  

Các vấn đề liên quan đến các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc bao gồm việc lắp đặt hệ thống vũ khí tại 7 đảo nhân tạo do Quân đội giải phóng Trung Quốc chiếm giữ, dường như làm phức tạp việc quản lý trên Biển Đông cho cả Trung Quốc và ASEAN. Đây là một động thái rất nhạy cảm khi các hoạt động quân sự hóa tại châu Á-Thái Bình Dương tạo ra nhiều quan ngại. Mỹ, Nhật Bản, Úc và một vài nước châu Âu chắc chắn sẽ đưa ra cảnh báo với các động thái như vậy, và điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến hòa bình cũng như ổn định tại châu Á. Không phải quá lời khi cho rằng những động thái như vậy sẽ phủ định các nỗ lực của các học giả, các viện nghiên cứu an ninh cùng các sáng kiến về quản lý xung đột tiềm ẩn ở Biển Đông và nới rộng khoảng cách bất ổn giữa các nước.  

Ở khu vực Biển Đông, các quốc gia đang ngày càng bi quan về trật tự an ninh khu vực khi nó rơi vào tình trạng mất kiểm soát như hiện nay. Những động lực nếu không được quản lý trên tinh thần xây dựng có thể dẫn đến sự bất ổn lớn hơn khi Biển Đông sẽ vẫn là yếu tố then chốt trong sự cân bằng địa chính trị mới và tạo ra nguy cơ can thiệp quân sự ở trong khu vực này. ASEAN đã tái khẳng định cam kết của mình nhằm đưa các nước thành viên và các đối tác đối thoại tham gia vào các diễn đàn có ý nghĩa, đồng thời tiến hành việc hợp tác an ninh thông qua các cơ chế đa phương như Diễn đàn an ninh khu vực, Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM) và ADMM+.

Một thách thức quan trọng trong các cam kết chính là việc tham gia của các cường quốc khu vực và ảnh hưởng của việc này đối với vai trò lãnh đạo của ASEAN trong các chính sách độc lập để định hướng địa chiến lược sẽ như thế nào. Về vấn đề này, đoàn kết ASEAN là vấn đề tối quan trọng để đảm bảo rằng vai trò của nhóm sẽ không bị chi phối bởi các đối tác. Tình hình và các động lực ở khu vực biển châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông và Biển Hoa Đông, đang rất mong manh và đầy căng thẳng. Trong bối cảnh các quốc gia trong và ngoài khu vực đều muốn tránh khỏi xung đột, Các biện pháp xây dựng lòng tin (CBM) và Ngoại giao phòng ngừa là những điều cần phải được thực hiện hơn là sự chuẩn bị cho quản lý khủng hoảng. Trung Quốc, ASEAN và các cường quốc bên ngoài cần tập trung vào các biện pháp làm giảm nguy cơ xung đột và các sáng kiến xây dựng lòng tin giữa các bên có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, cùng với việc hình thành chế độ ngăn chặn khủng hoảng. Để đạt được điều này, các phương thức mới nhằm tăng cường CBM thông qua sự can thiệp của các cơ quan chấp pháp, quân đội và bán quân sự là điều cần thiết.  

Xác định được các vấn đề chính mà khu vực đang phải đối mặt, như các yếu tố địa chiến lược và các hoạt động quân sự, sẽ khiến sự thay đổi lãnh đạo ở Mỹ và ảnh hưởng của quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục quyết định các động lực an ninh ở Đông Nam Á. Điều này bao gồm cả các kế hoạch ưu tiên ngăn chặn khủng hoảng và việc sử dụng các phương pháp quản lý khủng hoảng hiện có. Các phương pháp này bao gồm Bộ ứng xử tránh va chạm trên biển, Quy chế của Tổ chức hàng hải quốc tế trong việc ngăn chặn va chạm trên biển, quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, đường dây nóng Mỹ-Trung, đường dây nóng hợp tác Trung Quốc-ASEAN (10+1), Thỏa thuận Quy tắc ứng xử Mỹ-Trung 2014, và Bản nghi nhớ 2015 về an toàn va chạm hàng không và hàng hải. Đây là những cơ chế ở cấp độ thực tế được chuyển tải từ các chính sách cũng như sự can dự chính trị ở nhiều cấp độ giữa các nước tại khu vực này. Cùng phối hợp áp dụng, các phương pháp này sẽ góp phần đáng kể vào sự ổn định ở khu vực.

Theo "News Straits Times" (ngày 5/1)

Vũ Hiền (gt)