B3_asean_Dragon_GG_WEB_s620x610.jpg

ASEAN đã trở thành tâm điểm của trật tự khu vực và luôn được Indonesia coi trọng trong chính sách đối ngoại của mình kể từ khi tổ chức này được thành lập. Tuy nhiên, sau nửa thế kỷ hình thành và phát triển, rõ ràng là những thách thức khu vực hiện đang nổi lên và đòi hỏi tổ chức này phải có những cải cách đáng kể để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

ASEAN là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Indonesia thời kỳ những năm 1970 - thập niên đầu tiên của chế độ “trật tự mới” - bằng việc tăng cường khả năng phục hồi của khu vực thông qua sự cạnh tranh quyền lực có ý nghĩa sống còn đối với việc theo đuổi khả năng phục hồi của một quốc gia. Sự phát triển của Indonesia và sự gắn kết chính trị phụ thuộc vào mức độ ổn định của khu vực. Do đó, ASEAN phù hợp với lợi ích của Indonesia.

Tuy nhiên, ASEAN hiện không thể thống nhất được cách thức tổ chức để có thể tiếp tục đóng vai trò là trung tâm an ninh khu vực. Lý do là bởi ASEAN đã có những thay đổi lớn trong những năm gần đây, trong khi những lợi ích cốt lõi của Indonesia trong nửa thế kỷ qua vẫn giống như trước, đó là đạt được sự ổn định và phát triển quốc gia. Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã thực hiện nhiều thay đổi so với các chính quyền tiền nhiệm, cụ thể là việc theo đuổi chính sách đối ngoại song phương thực dụng hơn. Tuy nhiên, điều này không phải là vấn đề lớn trong mối quan hệ với ASEAN bởi những lợi ích của Indonesia ở tổ chức này vẫn còn rất lớn.

Sự phát triển của khu vực cũng là một trong những nguyên nhân cản trở sự thống nhất của ASEAN trong vòng một thập kỷ qua. Tuy vậy, thế giới đã chứng kiến khả năng của ASEAN trong việc bảo vệ khu vực khỏi sự cạnh tranh quyền lực của các cường quốc. Chính trong giai đoạn này, cụ thể là từ khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm Indonesia vào năm 2009, Trung Quốc đã bắt đầu hành động một cách quyết đoán hơn để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.

Trung Quốc luôn có nhiều lợi thế để tiếp cận các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, không giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh - thời điểm mà khu vực có sự chia rẽ về hệ tư tưởng chống chủ nghĩa cộng sản - Trung Quốc hiện đã có những cách tiếp cận khác nhau đối với mỗi thành viên của ASEAN. Sự khác biệt này đã khiến cho nguyên tắc đồng thuận trong việc ra quyết định của ASEAN trở thành một trở ngại gần như không thể vượt qua được và kết quả là tổ chức này đã rơi vào tình trạng bất ổn trong những năm gần đây.

Việc thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm củng cố cho Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, vẫn là một mục tiêu khó có thể trở thành hiện thực. Sự khác nhau trong cách giải quyết đối với vấn đề Biển Đông đã khiến tổ chức này lần đầu tiên không thể ra thông cáo chung vào năm 2012. Ngay sau đó, cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã có những chuyến ngoại giao con thoi để vận động các quốc gia liên quan tránh không để xảy ra những bất đồng và tiếp tục thể hiện tình đoàn kết của ASEAN đối với những vấn đề lớn của khu vực.

Tuy nhiên, sự bất hòa giữa các nước thành viên ASEAN về cách đối phó với Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu suy giảm mà còn có phần tăng lên. Năm ngoái tại Viêng Chăn, khi Lào giữ chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Campuchia vẫn tiếp tục đóng vai trò là quốc gia đi đầu trong việc ủng hộ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông và khiến tổ chức này chỉ một chút nữa lại không thể đưa ra được tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông.

Điều này xảy ra sau phán quyết của Tòa trọng tài ở La Hay đối với vụ kiện của Philippines về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Tòa đã kết luận rằng Trung Quốc "không có quyền lịch sử" đối với vùng biển nằm trong yêu sách "Đường 9 đoạn". Do đó, sau 3 lần có những cuộc đụng độ với Trung Quốc ở vùng biển quanh quần đảo Natuna, đã đến lúc Indonesia cần phải có nhận thức đúng đắn về việc này và tiếp tục thể hiện vai trò "lãnh đạo tự nhiên" trong ASEAN để có thể đối phó lại với các tham vọng bành trướng của Trung Quốc.

Hiện nay, nếu ASEAN không có khả năng ngăn cản Trung Quốc, các quốc gia ở khu vực sẽ phải cần đến sự hiện diện và bảo hộ lớn hơn từ Mỹ cùng các quốc gia đồng minh của Mỹ ở khu vực. Do đó, việc làm gia tăng căng thẳng cũng như những bất ổn ở khu vực là điều Jakarta luôn muốn tránh, bởi điều đó cùng lúc sẽ làm giảm giá trị chiến lược của ASEAN cũng như của Indonesia.

Việc Chính quyền Tổng thống Jokowi không thể hiện vai trò lãnh đạo của mình đối với ASEAN là kết quả cho sự khác biệt giữa các mục tiêu mà ASEAN và Indonesia theo đuổi. Ông Jokowi là một tổng thống thực tế và quan tâm đến những lợi ích trong việc phát triển Indonesia trở thành một "trục biển toàn cầu". Tuy nhiên, để thực hiện điều này, Indonesia cần phải nhận được sự đầu tư trực tiếp nước ngoài vô cùng lớn từ tất cả các đối tác có thể.

Còn đối với ASEAN, tổ chức này vẫn theo đuổi cách tiếp cận nguyên gốc của mình kể từ khi được thành lập trong việc giải quyết những vấn đề chung của khối, trong đó có việc duy trì nguyên tắc đồng thuận khi ra quyết định và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nước lớn có thể tiếp cận, tranh thủ và gây chia rẽ trong ASEAN. Nếu ASEAN không sớm khắc phục vấn đề này thì những thách thức an ninh của khối vẫn sẽ hiện hữu và rất khó giải quyết.

Đến nay, Indonesia vẫn khẳng định trọng tâm chính sách đối ngoại của mình đối với ASEAN: “Chỉ cần ASEAN có những cải cách phù hợp trong tình hình mới, tổ chức này sẽ trở lại đúng vai trò mà nó đã bị đánh mất trong một thập kỷ qua, đồng thời khiến nó tiếp tục trở thành những ưu tiên chiến lược của Jakarta”.

Tác giả David Willis là nghiên cứu sinh tiến sĩ về quan hệ quốc tế, Đại học Flinders. Bài viết đăng trên báo “Bưu điện Jakarta”.

Vũ Hiền (gt)