Sự suy thoái kinh tế dự kiến sẽ xảy ra với Trung Quốc vào năm 2015 khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy sự thay đổi có ảnh hưởng sâu rộng, trong đó có những nỗ lực nhằm thúc đẩy “sự cai trị của pháp luật”. Dưới đây là nội dung bài viết: 

Khi Chủ tịch Tập Cận Bình bước vào năm 2015 – năm thứ ba nhà lãnh đạo này nắm giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – ông ta sẽ thuận lợi hơn với vị thế của mình là một nhà lãnh đạo có quyền lực hùng mạnh nhất Trung Quốc trong kỷ nguyên hậu Mao Trạch Đông. Ông cũng đã nâng cao uy tín như là một nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bắc Kinh hồi tháng 11/2014. Sự kiện đó diễn ra sau hai cuôc họp quan trọng của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt ra tầm nhìn cai trị đất nước Trung Quốc như thế nào trong hai nhiệm kỳ 5 năm cầm quyền của mình. Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2013, ban lãnh đạo Trung Quốc đã vạch ra các kế hoạch cải cách toàn diện nhằm tái cấu trúc xã hội, kinh tế và hệ thống chính quyền. Và tại Hội nghị Trung ương 4 tháng 10/2014, ban lãnh đạo Trung Quốc đã nhất trí “đại phẫu” hệ thống tư pháp để thúc đẩy “sự cai trị của pháp luật” và “sự cai trị của Hiến pháp” ở quốc gia do Đảng Cộng sản cai trị này. 

Các chuyên gia phân tích nói rằng năm 2015 sẽ là một năm quan trọng đối với ông Tập Cận Bình và chính quyền của nhà lãnh đạo này khi họ thực hiện toàn bộ những kế hoạch lớn từ các cuộc họp này. Những dự đoán của người Trung Quốc cho thấy năm 2015 sẽ là thời điểm của sự tin tưởng mới giành được trong sự tăng trưởng kinh tế ổn định, nhưng hầu hết các chuyên gia kinh tế lại dự đoán nền kinh tế số hai thế giới sẽ gặp phải khó khăn chưa từng thấy trong vài thập kỷ qua. Đó chính là một sự suy thoái kinh tế. 

Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc đã kết thúc hôm 11/12 vừa qua với việc Chính phủ Trung Quốc nói rằng họ sẽ phấn đấu duy trì tăng trưởng vững chắc trong năm 2015 bằng cách thực hiện chặt chẽ một chính sách tài chính tích cực, chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo về sức ép nền kinh tế lao dốc mạnh. Nền kinh tế Trung Quốc có thể không thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2014 và đánh dấu mức độ phát triển yếu kém nhất trong 24 năm qua. Sự lo ngại lớn nhất của các chuyên gia kinh tế là Trung Quốc, quốc gia từng là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, hiện đang bên bờ sụt giảm tăng trưởng hàng năm xuống dưới 7% - một tỷ lệ hiếm khi xảy ra trong 3 thập kỷ qua. Báo cáo “Triển vọng Kinh tế Trung Quốc 2015-2016” của Công ty tài chính Chứng khoán châu Á (UBS), được công bố tháng 11/2014, dự đoán rằng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong hai năm tới lần lượt sẽ là 6,8% và 6,5%. 

Tháng 11/2014, Ngân hàng Nhân dân (Ngân hàng Trung ương) của Trung Quốc đã gây ngạc nhiên cho thị trường bằng một cú cắt giảm lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi – lần đầu tiên trong hơn 2 năm qua Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thực hiện động thái này – trong một nỗ lực rõ ràng nhằm kiềm chế sự suy thoái. 

Trong một báo cáo về kinh tế Trung Quốc trong năm 2015, hai chuyên gia kinh tế Lục Đình và Trì Hiểu Gia của Ngân hàng Mỹ (Bank of America) nói rằng do ông Tập Cận Bình đã củng cố được quyền lực của mình sau chiến dịch chống tham nhũng hai năm qua, nên chính quyền của nhà lãnh đạo này sẽ thay đổi mạnh mẽ hơn trọng tâm của họ trong năm tới đối với tăng trưởng kinh tế và các cải cách về mặt cấu trúc. 

Giáo sư Châu Chí Quần, một chuyên gia khoa học chính trị đồng thời là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Bucknell ở Pennsylvania (Mỹ), nhận định rằng việc đạt được sự tăng trưởng ổn định và bền vững hơn nữa vẫn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc. Giáo sư Châu Chí Quần nói rằng kỷ nguyên tăng trưởng nhanh đã kết thúc vì Trung Quốc phải tập trung vào chất lượng tăng trưởng. Một thách thức quan trọng sẽ là làm thế nào để đối phó với tình trạng suy thoái môi trường. Giáo sư Châu Chí Quần nhấn mạnh: “Đối với người dân thường, việc nói suông không có ý nghĩa gì; sự thể hiện của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ được phán xét bằng việc liệu họ có thể hít thở bầu không khí trong lành và được ăn thực phẩm an toàn hay không”. 

Trong những bài phát biểu gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi thực hiện một mô hình “bình thường mới” về tăng trưởng chậm hơn, với sự tập trung nhiều hơn vào cải cách về mặt cấu trúc và bảo vệ môi trường. Edward Friedman, một nhà Hán học thuộc Đại học Wisconsin-Madison ở Mỹ nói rằng Chủ tịch Tập Cận Bình và chính quyền của nhà lãnh đạo này đã đạt được thỏa thuận về chương trình nhiệm vụ cải cách kinh tế đã bị trì hoãn trước đây, nhằm đưa kinh tế Trung Quốc chuyển đổi từ một nền kinh tế mà ở đó các quyền lợi và những sự trợ cấp đặc biệt được trao cho lĩnh vực xây dựng và xuất khẩu công nghiệp, sang một mô hình kinh tế tập trung vào tiêu dùng trong nước.

Chuyên gia Edward Friedman nhấn mạnh: “Nếu Chính phủ Trung Quốc không làm như vậy thì tăng trưởng của họ sẽ lao dốc một cách đột ngột và nền kinh tế nước này sẽ dễ bị tổn thương trước việc ‘hạ cánh cứng’, dẫn đến một sự trì trệ khi các bong bóng tài chính phát nổ”. 

Những tranh luận về kinh tế làm tăng trưởng đã tập trung vào tác động của nó đối với thị trường việc làm, điều ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội. Tuy nhiên có thể lạc quan khi thấy rằng tăng trưởng chậm trong thời gian gần đây dường như có ít tác động tiêu cực tới thị trường việc làm của Trung Quốc Đại lục so với những gì người ta đã lo ngại. Thị trường lao động vẫn ổn định trong năm 2014 mặc dù rõ ràng nó đã suy giảm. Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện được mục tiêu thường niên về việc tạo ra 9 triệu việc làm mới tính đến cuối quý 3 vừa qua. 

Vương Đào, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của UBS, nói rằng Trung Quốc có thể chấp nhận giảm tăng trưởng vì “nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn các nền kinh tế khác và nguồn cung lao động mới đang giảm”. Chuyên gia Vương Đào ước tính rằng tỷ lệ tăng trưởng 6,5% có thể tạo ra nhiều việc làm mới ở khu vực thành thị tương đương với mức tăng trưởng 10% của năm 2008. 

Các chuyên gia phân tích nói rằng một thị trường việc làm ổn định sẽ giúp cho những nhà hoạch định chính sách và các nhà kế hoạch kinh tế có thêm nhiều không gian để thúc đẩy công cuộc cải cách cơ cấu đang hết sức cần thiết. UBS dự kiến Trung Quốc sẽ “đẩy mạnh cải cách lĩnh vực hỗ trợ tăng trưởng và mở rộng mạng lưới an sinh xã hội để thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư vào các ngành dịch vụ trong năm 2015”. 

Về chính trị trong nước, ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình là củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo này thông qua chiến dịch chống tham nhũng và chỉnh đốn của mình. Hôm 6/12 vừa qua, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố rằng nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính Pháp Trung ương Chu Vĩnh Khang đã bị khai trừ khỏi Đảng và bị giao cho cơ quan công tố. Các chuyên gia phân tích nói rằng việc xử lý vụ án Chu Vĩnh Khang của ban lãnh đạo và ngành tư pháp Trung Quốc sẽ là phép thử đầu tiên đối với những tham vọng của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nhằm thúc đẩy sự cai trị của luật pháp và sự độc lập tư pháp.

Giáo sư Tăng Thuyết Sinh (Steve Tsang), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại thuộc Đại học Nottingham của Anh nhận định: “Ưu tiên hàng đầu của Tập Cận Bình trong năm 2015 là củng cố vị trí và quyền lực của ông ấy với Giang Trạch Dân và các nhà lãnh đạo cấp cao đã về hưu khác… Ông ấy chắc hẳn đã đạt được một chút tiến triển tốt đẹp trong việc nhận được sự nhất trí của họ về việc đưa Chu Vĩnh Khang ra trước hệ thống tư pháp”. 

Trong khi đó, Giáo sư Châu Chí Quần nói rằng việc chờ xem có bao nhiêu “con ruồi” và “con hổ” bị bắt trong năm tới sẽ là điều rất thú vị. Chuyên gia này nhấn mạnh: “Nhiều người đã đặt câu hỏi rằng liệu chiến dịch chống tham nhũng hiện nay sẽ có thể đi xa đến đâu. Chiến dịch đó chỉ đủ để trừng phạt một số quan chức tham nhũng cho dù họ ở cấp cao đến đâu? Liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc có nghiêm túc trong việc tuân thủ hiến pháp và đi theo sự cai trị của luật pháp? Sự tranh luận gần đây về vấn đề liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc có đứng trên luật pháp hay không sẽ vẫn tồn tại trong năm 2015”. 

Năm 2015 sẽ chứng kiến Chính phủ Trung Quốc bắt đầu “đại phẫu” hệ thống tư pháp và pháp luật khi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình bắt đầu hành động để thể chế hóa sự cai trị độc đảng. Đề cương cải cách tại Hội nghị Trung ương 4 hồi tháng 10 vừa qua hứa hẹn những sự thay đổi đối với lĩnh vực tư pháp nhằm hỗ trợ cuộc chiến lâu dài chống nạn tham nhũng hối lộ tràn lan trong đội ngũ đảng viên, và thúc đẩy công lý vì người dân. Các chuyên gia phân tích nói rằng giới quan sát sẽ theo dõi chặt chẽ để xem Chính phủ Trung Quốc sẽ nghiêm túc như thế nào đối với cuộc “đại phẫu” này. 

Giáo sư Châu Chí Quần cho rằng những diễn biến ngoài dự kiến ở Đài Loan, Hong Kong, Tây Tạng và Tân Cương cũng có thể gây ra những thách thức nghiêm trọng đối với Chính phủ Trung Quốc. Ở bên ngoài, việc duy trì hòa bình ở biển Hoa Đông và biển Biển Đông sẽ là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế sẽ theo dõi các mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh. Giáo sư Châu Chí Quần nhấn mạnh: “Do phong cách ngoại giao tích cực của ông Tập Cận Bình, một điều thú vị sẽ là chờ xem Trung Quốc sẽ bảo vệ các lợi ích quốc gia của họ như thế nào trong khi vẫn duy trì các mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng và các nước lớn”. 

Nhà Hán học Edward Friedman nói rằng chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình phải đối mặt với nhiều thách thức. Sự đàn áp mạnh mẽ hơn ở trong nước và sự ủng hộ một nước Nga đế quốc ở nước ngoài có thể khiến cho châu Âu xa lánh Trung Quốc; một chính sách quyết liệt trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ trên biển ở châu Á có thể khiến Trung Quốc bị các nước láng giềng xa lánh, và khiến họ tiến gần hơn tới quân đội Mỹ; và hoạt động đầu tư vào những kẻ bạo chúa tham lam ở châu Phi nhằm giành lấy những nguồn tài nguyên giá rẻ sẽ chỉ càng làm gia tăng các cuộc khủng hoảng cùng các nhà nước mong manh dễ vỡ.

Tác giả Cary Huang, Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong)

Duy Anh (gt)