Sự kiện này đánh dấu sức mạnh của hải quân Trung Quốc, bắt đầu làm biến đổi môi trường an ninh hàng hải của Ấn Độ đồng thời nhấn mạnh quyết tâm của Bắc Kinh nhằm thay đổi bức tranh chiến lược ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tàu sân bay Liêu Ninh bắt đầu hoạt động đúng vào thời điểm tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và các nước láng giềng tại Thái Bình Dương - trong đó có Nhật Bản, Việt Nam và Philíppin - trở nên gay gắt và quyền lợi kinh tế ngày một tăng của Bắc Kinh tại Ấn Độ Dương. Tàu sân bay Liêu Ninh cho thấy khả năng đầu tư lớn của Trung Quốc vào kế hoạch hiện đại hóa lực lượng hải quân. Tuy nhiên, phương Tây vẫn hoài nghi về khoảng thời gian cần thiết để tàu sân bay Liêu Ninh trở thành một căn cứ quân sự hiệu quả. Phi công của lực lượng hải quân Trung Quốc vẫn đang phải học cách cất và hạ cánh từ tàu sân bay. Hải quân Trung Quốc sẽ phải mất nhiều năm mới xây dựng được một đội tàu chiến đấu hoạt động xung quanh Liêu Ninh. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi một số chuyên gia tại Mỹ gọi sự kiện Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay Liêu Ninh là “đá bậc thang” chứ không phải là “đá tảng”. Một số quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ - nước đã có tàu sân bay từ nhiều thập niên - khẳng định điều cần thiết để tàu sân bay cũng như những thiết bị khác hoạt động hiệu quả là phải làm chủ được những hoạt động liên quan đến nó. 

Thực tế là, giới phân tích quân sự tại Mỹ và Ấn Độ lâu nay đã đánh giá thấp tốc độ hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc. Cũng như các lĩnh vực quân sự khác, Trung Quốc có thể khiến các nước láng giềng châu Á và Mỹ ngạc nhiên về tốc độ biến tàu sân bay thành một căn cứ chiến lược hiệu quả của mình. Trong giai đoạn đầu, tàu Liêu Ninh có thể được sử dụng làm nơi huấn luyện và nghiên cứu khoa học. Trong hai thập niên tới, nếu chế tạo được ba hoặc bốn tàu sân bay, sức mạnh hải quân và nghiên cứu hàng hải của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng quyết định đến cán cân lực lượng ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Vấn đề là ở chỗ, sẽ cần bao nhiêu thời gian để tàu sân bay Liêu Ninh có thể tiến vào Ấn Độ Dương? Trước khi có thể trở thành một công cụ chiến tranh đáng gờm, tàu sân bay Liêu Ninh - được xem như là biểu tượng về ý chí chính trị mới của Trung Quốc - sẽ có ảnh hưởng ngoại giao đáng kể đối với các nước ven bờ Ấn Độ Dương. Nếu đối phó với sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc là một thách thức chiến lược dài hạn đối với Ấn Độ thì việc đương đầu với chính sách ngoại giao hải quân mới của Bắc Kinh tại Ấn Độ Dương, được sự hỗ trợ của tàu sân bay Liêu Ninh, sẽ là một thử thách lớn đối với các nhà lãnh đạo Ấn Độ trong ngắn hạn. 

Theo nhận định của ông Vasily Kashin thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ của Nga trên “Tiếng nói nước Nga”, việc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc với tên gọi “Liêu Ninh” gia nhập Hạm đội hải quân quốc gia là sự kiện quan trọng và mang tính biểu tượng đối với Trung Quốc. Nó đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn chuẩn bị đầu tiên trong tiến trình phát triển hải quân Trung Quốc. Việc tàu sân bay Liêu Ninh đi vào hoạt động có thể không làm thay đổi thực sự cán cân quân sự trong khu vực, nhưng nó lại chuẩn bị nền tảng cho những thay đổi như vậy.Luận đề về sự cần thiết của tàu sân bay đối với Trung Quốc đã được nêu lên lần đầu tiên năm 1980, khi Tư lệnh hải quân nổi tiếng của Trung Quốc - Đô đốc Lưu Hoa Thanh, người sau đó trở thành Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc - cho rằng tàu sân bay là công cụ hữu ích giúp Trung Quốc trở thành bá chủ trên vùng. Tuy nhiên, ban đầu ông không trù liệu rằng Trung Quốc có thể và cần phải cạnh tranh với Mỹ hay Liên Xô trong việc xây dựng hạm đội tàu sân bay. Hạm đội đã được dự trù đối phó với những nhiệm vụ hạn chế hơn, đảm bảo lợi ích của Trung Quốc ở vùng biển tiếp giáp và gây áp lực với Đài Loan. Khi ấy, tạo lập hạm đội tàu viễn dương được coi là viễn cảnh xa xôi. Vào cuối năm những 1980-1990, Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm và công nghệ của phương Tây cũng như của Liên Xô để thiết kế xây dựng và vận hành tàu sân bay. Theo hàng loạt nguồn tin, Hải quân Trung Quốc đang phối hợp với Hải quân Braxin trong việc nghiên cứu kinh nghiệm vận hành tàu sân bay duy nhất của Braxin, chiếc "San Paolo".

Theo chuyên viên Vasily Kashin, Trung Quốc đang thực hiện một chương trình dài hạn và nhiều giai đoạn liên quan đến việc thiết lập hạm đội tàu sân bay. Việc thực hiện chương trình có sự giám sát từ cấp cao nhất, và qui chế sánh ngang với chương trình tàu vũ trụ có người lái. Việc tân trang biến tàu sân bay "Varyag" mà Trung Quốc mua lại của Ucraina thành tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc là kết thúc giai đoạn đầu tiên. Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng nhiều lần tuyên bố tàu sân bay này sẽ phục vụ chủ yếu cho mục đích đào tạo và thực nghiệm.Trung Quốc cũng đang trong quá trình chuẩn bị để có thể đóng tàu sân bay đầu tiên hoàn toàn "sản xuất tại Trung Quốc" ở nhà máy đóng tàu Giang Nam (Thượng Hải). Liêu Ninh đóng vai trò tiền đề để xây dựng và vận hành thành công tàu sân bay “thuần Trung Hoa” và những hạm tàu tiếp theo trong tương lai.Tuy nhiên, loại tàu sân bay mà Hải quân Trung Quốc muốn tiến tới theo kết quả thực hiện chương trình, xét theo mọi mặt, sẽ ít có điểm chung với tàu sân bay Liêu Ninh. Trái với tàu sân bay "Varyag", máy bay có thể cất cánh từ boong tàu với sự hỗ trợ của bàn đạp, tàu sân bay Trung Quốc tương lai sẽ được trang bị dàn phóng, thuộc loại phức tạp là dàn phóng điện từ. Nhiều khả năng, xét về mức tiêu tốn năng lượng cao cần thiết khi khởi động dàn phóng, chiếc tàu sân bay tương lai sẽ là hàng không mẫu hạm hạt nhân. Con tàu như vậy sẽ mang nhóm máy bay, bao gồm cả chiến đấu cơ hạng nặng (J-15), máy bay phản lực huấn luyện-quân sự (JL-9), các loại máy bay trang bị rađa tầm xa, trực thăng chống tàu ngầm và tìm kiếm cứu hộ hạng nặng.

Trong thành phần nhóm tàu sân bay tấn công cũng sẽ bao gồm các tàu chiến, như khu trục hạm đề án 052D. Trung Quốc trang bị cho những con tàu này hệ thống điều khiển-thông tin chiến đấu, tương tự mô hình của Mỹ. Cần lưu ý rằng trên bình diện này Mỹ đã mất hơn hai thập niên cho công việc nghiên cứu, thiết kế và thử nghiệm các hệ thống như vậy. Đương nhiên, bằng cách tận dụng những giải pháp đã được kiểm nghiệm bởi các nước khác, Trung Quốc có thể tiến nhanh hơn. Nhưng nếu tính đến những tham vọng quá lớn của Trung Quốc, không thể hoàn toàn tin tưởng rằng hệ thống của Trung Quốc sẽ có đầy đủ khả năng chiến đấu trong tương lai gần. Mặc dù vậy, với sự kiên nhẫn, khoản đầu tư và mối quan tâm tương ứng dành cho đề án từ phía Chính phủ Trung Quốc, tất cả những mục tiêu trên đều là khả thi.

Lê Sơn (gt)