800px-USNWC_Varyag02.jpg

Tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh đã hoạt động trên Biển Đông lần đầu tiên. Tàu này được trang bị đầy đủ các máy bay cùng với 5 tàu hộ tống hiện đại, tiến hành các bài diễn tập và thử nghiệm vũ khí trên biển trong bối cảnh sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc làm dấy lên những quan ngại của các nước láng giềng về hành động quân sự "bất ngờ" này.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố trên trang web của họ: "Cuộc diễn tập là một bài tập huấn luyện 'xuyên biển', có sử dụng máy bay chiến đấu J-15 và một số tàu chở máy bay trực thăng. Điều kiện thủy văn và khí tượng phức tạp ở Biển Đông, cùng với các vấn đề đang gia tăng trong khu vực, đã đặt ra một số thách thức đối với Trung Quốc. Cuộc tập trận đã đem lại nhiều kinh nghiệm quan trọng trong việc tăng cường khả năng chiến đấu của tàu sân bay". Việc triển khai tàu sân bay Liêu Ninh là một bài kiểm tra để lấy kinh nghiệm, từ đó Bắc Kinh có thể điều chỉnh phương án tác chiến, đào tạo và quy trình vận hành tàu sân bay cho phù hợp với tình hình khu vực và quốc tế trong thời gian tới.

Là chỉ huy lực lượng Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trước đây, Tướng Chen Yueqi đã mô tả chuyến đi của tàu sân bay Liêu Ninh cùng với các tàu hộ tống hiện đại là bước quan trọng đầu tiên để chứng minh rằng Trung Quốc có khả năng triển khai một nhóm tàu sân bay tấn công tích hợp. Bắc Kinh sẽ thử nghiệm quá trình nhận lệnh và kiểm soát, đào tạo và triển khai năng lực của các tàu để hoạt động hiệu quả cao nhất và phối hợp tác chiến ở quy mô rộng lớn.

Đánh giá về sức mạnh quân sự Trung Quốc trong báo cáo năm 2015, Lầu Năm Góc (Mỹ) cho rằng tàu sân bay Liêu Ninh cùng các tàu chiến đi kèm theo cấu hình quân sự hiện tại, chưa thực sự có khả năng tấn công trên biển ở khoảng cách xa. Tàu sân bay này quá nhỏ và chỉ phù hợp với công tác bảo vệ các hạm đội máy bay và mở rộng vùng kiểm soát trên không, giống như một đội tàu hoạt động xa bờ. Báo cáo này nhận định: "Tàu Liêu Ninh sẽ không thể triển khai sức mạnh tầm xa giống như tàu lớp Nimitz của Mỹ". Tuy nhiên, cũng không thể so sánh Liêu Ninh với siêu tàu sân bay của Hải quân Mỹ. Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn đầu học cách vận hành tàu sân bay trên biển, và tàu Liêu Ninh cũng là một công cụ học tập quan trọng đối với Bắc Kinh hiện nay và trong thời gian tới.

Lực lượng Hải quân Mỹ đã phải mất hàng thập kỷ và rất nhiều "xương máu", tiền của mới có thể làm chủ các tàu sân bay. Trung Quốc cũng sẽ mất khoảng thời gian tương tự mới đạt được trình độ tương đương như vậy. Do đó, tàu sân bay Liêu Ninh và nhóm tàu chiến hộ tống  của Trung Quốc về cơ bản là hoạt động để kiểm tra và đánh giá tài sản quân sự.

Điểm mấu chốt là mặc dù Trung Quốc đang tập trung phát triển một nhóm tàu chiến đấu trên biển nhưng phần lớn là chỉ về "phần cứng". Bắc Kinh vẫn cần phải phát triển công nghệ, công tác huấn luyện, đào tạo và các quy trình tác chiến để Hải quân Trung Quốc có thể hoạt động như một đơn vị độc lập thực sự trên biển. Đó là những gì Trung Quốc đang cố gắng làm. Tuy nhiên, lực lượng Hải quân Trung Quốc sẽ cần có thời gian để đạt đến cấp độ năng lực và khả năng tác chiến tương đương với Lực lượng Hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Liệu Trung Quốc có thể làm được điều đó hay không? Nếu làm được thì cường quốc châu Á này cũng phải mất hàng thập kỷ nữa.

Tác giả Dave Majumdar là biên tập viên về lĩnh vực quân sự. Bài viết đăng trên "National Interest" (ngày 5/1).

Hương Trà (gt)