Tuyên bố mới đây về chuyến công du Mỹ chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 tới đang nhấn mạnh đà tiếp tục cải thiện các mối quan hệ song phương kể từ sau khi thỏa thuận khí hậu Mỹ-Trung đạt được tại Bắc Kinh hồi tháng 11/2014. Tuy nhiên, trong những tháng trước chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình, cả hai nước cần nỗ lực để tạo ra các điều kiện thuận lợi cho một hội nghị cấp cao Mỹ-Trung hữu ích.

Mỹ và Trung Quốc đang có những đặt cược lớn vào một chuyến công du Mỹ thành công của Chủ tịch Tập Cận Bình. Đối với ông Tập Cận Bình, một chuyến thăm như vậy sẽ không chỉ thúc đẩy vị thế chính trị trong nước của ông mà còn giúp tạo ra "một kiểu quan hệ mới giữa các cường quốc". Kể từ khi chính thức lên nắm quyền vào tháng 11/2012, ông Tập Cận Bình đã thực hiện các chuyến công du chính thức đến hầu như tất cả các thủ đô của các nước lớn, trừ Washington. Đối với một nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, chuyến công du chính thức Mỹ được coi là cột mốc đánh dấu sự công nhận của Mỹ đối với nhà lãnh đạo đó. Các lãnh đạo tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã phải mất khá nhiều năm mới nhận được lời mời tới Washington. Ông Giang Trạch Dân công du Mỹ chính thức năm 1997, 8 năm sau khi trở thành Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc. Chuyến công du Mỹ chính thức của ông Hồ Cẩm Đào là vào tháng 11/2011, cũng khoảng 8 năm sau khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc. Còn ông Tập Cận Bình chỉ mất chưa đầy 3 năm để nhận được lời mời chính thức thăm Mỹ.

Đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, một chuyến công du thành công của ông Tập Cận Bình sẽ giúp đảm bảo di sản ngoại giao của ông. Thời điểm của chuyến thăm là thích hợp do diễn ra trước chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Cả hai nhà lãnh đạo này sẽ có nhiều thời gian để đạt được những thỏa thuận quan trọng.

Tất nhiên, chương trình nghị sự cho cuộc gặp cấp cao Obama-Tập Cận Bình tại Washington vẫn chưa được lập ra, nhưng có thể bao gồm các vấn đề mà cả hai ông này đều coi là những ưu tiên lớn. Ông Tập Cận Bình có thể quan ngại đến diễn biến tại Đài Loan, khi đảng Dân Tiến (DPP) ủng hộ độc lập đang giành được những thắng lợi lớn và dường như có thể giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 3/2016. Trung Quốc cũng sẽ muốn Mỹ nhắc lại, có thể bằng những thuật ngữ mạnh mẽ hơn, cam kết của Washington đối với chính sách "Một Trung Quốc". Do những căng thẳng chính trị đang diễn ra tại Hong Kong và bạo lực sắc tộc tăng lên tại Tân Cương, ông Tập Cận Bình cũng có thể tìm kiếm sự tái ủng hộ của Mỹ đối với việc tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc.

Thêm vào đó, ông Tập Cận Bình, người đang tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng lâu dài, có thể mong muốn Mỹ tăng cường hợp tác trong việc hồi hương những kẻ lẩn trốn, thường là những quan chức tham nhũng đã trốn sang Mỹ với số tài sản đánh cắp khổng lồ của họ. Trong lĩnh vực kinh tế, một phần thưởng quan trọng đối với Bắc Kinh là Hiệp định đầu tư song phương (BIT) Mỹ-Trung. Các cuộc thương thuyết về hiệp định này đã được tiến hành trong nhiều năm, nhưng ít đạt được tiến bộ. Khi khoản đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc được dự đoán lên đến 1.000 tỉ USD trong thập kỷ tới, một BIT Mỹ-Trung sẽ giảm những rào cản và khiến Mỹ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư Trung Quốc.

Chính quyền Obama sẽ có những ưu tiên khác. Đứng đầu danh sách các ưu tiên của Nhà Trắng sẽ là một cam kết của Trung Quốc để hợp tác với Mỹ một cách chặt chẽ hơn trong vấn đề biến đổi khí hậu. Một hội nghị về biến đổi khí hậu quan trọng của Liên Hợp Quốc sẽ diễn ra tại Paris vào tháng 12 tới. Sự thành công của hội nghị này sẽ phụ thuộc khá lớn vào sự hợp tác Mỹ-Trung. Hiệp định biến đổi khí hậu giữa ông Tập Cận Bình và ông Obama tại Bắc Kinh năm 2014 đã làm thay đổi đáng kể những động lực chính trị trong các cuộc đàm phán khí hậu toàn cầu. Hội nghị Paris sẽ là dịp quan trọng nhất để thử thách liệu Mỹ và Trung Quốc có thể thuyết phục được các nước khác hay không. Các vấn đề khác mà Mỹ muốn thảo luận là những tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với các nước láng giềng. Với những tiết lộ gần đây về việc Trung Quốc tăng cường đáng kể hoạt động xây cất trên các hòn đảo tranh chấp tại Biển Đông, Mỹ muốn thúc giục Trung Quốc đình chỉ các hoạt động có thể dẫn đến những leo thang nguy hiểm.

Những vấn đề cuối cùng, quan trọng với Mỹ hơn là đối với Trung Quốc, có liên quan đến Iran và nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Chính quyền Obama có thể mong muốn giành được sự hỗ trợ lớn hơn của Trung Quốc trong hai vấn đề đó. Bắc Kinh dường như sẽ hỗ trợ hơn nữa cuộc chiến chống IS do những nguy cơ mà lực lượng này gây ra tại Iraq, nơi các công ty dầu mỏ Trung Quốc đang có những hợp đồng sinh lợi.

Tất nhiên, những vấn đề mà Bắc Kinh và Washington có thể đưa vào chương trình nghị sự của cuộc gặp cấp cao Obama-Tập Cận Bình vào tháng 9 tới có thể thay đổi. Nhưng có một điều không đổi: Trong thời gian trước hội nghị trên, hai nước phải tránh những vấn đề có thể làm "trật bánh" một hội nghị cấp cao hữu ích. Nếu quy tắc này vẫn được giữ, ít nhất thế giới có thể kỳ vọng về một giai đoạn quan hệ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo China-US Focus

Văn Cường (gt)