Năm ngoái, Mỹ và Philíppin đã tăng cường mối quan hệ an ninh với việc Mỹ trang bị cho Hải quân Philíppin một tàu tuần duyên cao tốc và một chiếc nữa sẽ được chuyển giao trong năm 2012 này. Mỹ cũng đã gia tăng giúp đỡ kỹ thuật cho các lực lượng vũ trang Philíppin, cung cấp tình báo và giúp huấn luyện chống khủng bố, đồng thời cũng đã nâng cấp đối thoại chiến lược. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell từng tuyên bố trong một cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ: “Chúng ta đang trên đà phục hưng mối quan hệ giữa Mỹ và Philíppin”. Sự gia tăng quan hệ với đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng ở Biển Biển Đông, nơi 6 quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Philíppin, có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở vùng biển được cho là giàu tài nguyên này. Trung Quốc, nước có tuyên bố chủ quyền mở rộng vào tận nơi chỉ cách lãnh thổ Philíppin vài dặm, đã nhiều lần hù dọa các tàu của Philípin và cả tàu của Mỹ. Bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông rõ ràng là nằm trong lợi ích của Mỹ vì có tới 1.200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ chuyển qua vùng biển này hàng năm. Nó cũng cực kỳ quan trọng đối với Philíppin, quốc gia mà, theo báo chí, đang hoan nghênh một vai trò lớn hơn của Mỹ trong khu vực. Mới đây, Tổng thống Philíppin Benigno Aquino bày tỏ mong muốn Mỹ và Philíppin gia tăng quan hệ, theo đó sẽ có nhiều chuyến thăm Philíppin hơn của các tàu chiến Mỹ, có nhiều cuộc diễn tập và huấn luyện chung hơn, giống như thỏa thuận hồi tháng 11/2011 giữa Mỹ và Ôxtrâylia. Ngoại trưởng Philíppin Albert del Rosario mới đây cũng bày tỏ nguyện vọng “chúng tôi muốn có nhiều người Mỹ đến thăm thường xuyên hơn bằng việc nói tới việc mở cửa các cơ sở quân sự của Philíppin để sử dụng chung với các lực lượng của Mỹ”. Ông Rosario cho biết trong cuộc hội đàm 2+2 giữa ông và Bộ trưởng Quốc phòng Philíppin với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta vào ngày 30/4 tới, phía Philíppin sẽ đề nghị mua thêm tàu tuần duyên thứ ba và một phi đội máy bay F-16. Đây rõ ràng là những bước đi rất khích lệ và Mỹ cần sẵn sàng cung cấp cho Philíppin những vật liệu và thiết bị quân sự thiết yếu cũng như những chương trình huấn luyện cần thiết.

Hơn nữa, với vị trí địa chiến lược của Philíppin ở Biển Đông, Oasinhtơn và Manila cũng cần đi tới một thỏa thuận về sự hợp tác Mỹ-Philíppin trong việc tiến hành các hoạt động do thám từ các căn cứ không quân của Philíppin. Mỹ cũng nên hỗ trợ xây dựng lực lượng thủy quân lục chiến còn yếu kém của Philíppin để lực lượng này có đủ khả năng thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, sự cam kết của Mỹ với Philíppin cần mở rộng, chứ không chỉ thuần túy về quân sự. Mở rộng buôn bán, tạo thuận lợi cho Manila tham gia vòng đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ giúp cho Philíppin có một nền tảng cơ sở rộng rãi để Philíppin không lệ thuộc vào Oasinhtơn và cũng không lệ thuộc vào Trung Quốc. Sự quan tâm ở cấp cao, trong đó có chuyến thăm Mỹ trong mùa Hè này của Tổng thống Aquino, cũng rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh nước Mỹ đang bị chia rẽ do năm bầu cử. Hơn nữa, cách tốt nhất để bảo đảm sự ổn định ở Biển Đông là bằng việc duy trì một lực lượng triển khai ở tuyến trước và luôn ở thế sẵn sàng về quân sự khắp vùng biển Tây Thái Bình Dương. Mặc dù ngân sách Lầu Năm Góc bị cắt giảm nhưng nếu không dành một khoản ngân sách để hậu thuẫn cho những cam kết trên đây thì Mỹ có nguy cơ sẽ bị mất niềm tin của khu vực, điều đó sẽ càng dẫn tới một tình trạng không chắc chắn và bất ổn tại Biển Đông. Chuyển giao cho Philíppin một vài con tàu trước mắt là để giúp đồng minh của chúng ta tự vệ, nhưng về lâu dài, hòa bình và ổn định cần được bảo vệ thông qua việc thể chế hóa sự có mặt của Mỹ trong khu vực. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 20 vừa diễn ra tại Campuchia, nước khá hữu hảo với Trung Quốc và vấn đề Biển Đông đã bị nước chủ nhà đưa ra khỏi chương trình nghị sự, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Philíppin. Tuy nhiên cũng phải nói thẳng ra rằng ASEAN không thể bảo vệ được các lợi ích an ninh và hàng hải của Mỹ trên các vùng biển. Bởi vậy, Mỹ và Philíppin không có gì phải lo lắng về vấn đề Biển Đông với năm Campuchia làm Chủ tịch ASEAN. Tăng cường các liên minh truyền thống và tìm kiếm các đối tác mới sẽ là công cụ hiệu quả nhất của Mỹ để duy trì sự ổn định ở Biển Đông. 

Liên quan tới sự can dự quân sự của Mỹ trong khu vực, báo “Bưu điện Oasinhtơn” ngày 27/3 đưa tin Mỹ và Ôxtrâylia đang soạn thảo một kế hoạch mở rộng hợp tác quân sự giữa hai nước, trong đó có thể bao gồm việc triển khai lực lượng máy bay do thám tại nhóm đảo san hô và tăng cường quyền tiếp cận của Hải quân Mỹ đối với các hải cảng của Ôxtrâylia. Kế hoạch này là sự mở rộng thỏa thuận đạt được tháng 11/2011 theo đó Ôxtrâylia cho phép Mỹ triển khai 2.500 lính thủy quân lục chiến tại căn cứ Darwin nằm ở bờ biển phía Bắc của nước này. Các cuộc đàm phán về kế hoạch mở rộng hợp tác quân sự với Ôxtrâylia là dấu hiệu mới nhất cho thấy Chính quyền Obama đang rất khẩn trương chuyển hướng trọng điểm chiến lược toàn cầu của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chính phủ Mỹ hiện cũng đang trong giai đoạn hoàn tất thỏa thuận triển khai 4 tàu chiến tại Xinhgapo, đã và đang thương thuyết để gia tăng sự hiện diện quân sự tại Philíppin. Ở tầm mức thấp hơn, Lầu Năm Góc cũng đang tìm cách nâng cấp các mối quan hệ quân sự với Thái Lan, Việt Nam , Malaixia, Inđônêxia và Brunây. Lầu Năm Góc hiện cũng đang xem xét lại quy mô và bố trí lại lực lượng ở khu vực Đông Bắc Á, theo hướng từng bước giảm bớt quy mô tại Nhật Bản và Hàn Quốc để gia tăng sự hiện diện ở khu vực Đông Nam Á, nơi án ngữ các tuyến vận tải đường biển nhộn nhịp nhất của thế giới và cũng là nơi đang có sự giành giật quốc tế ngày quyết liệt đối với nguồn dầu khí và các nguồn tài nguyên khác. Kết quả rà soát mới đây về thế bố trí binh lực của Ôxtrâylia khuyến nghị chính phủ điều chỉnh thế bố trí quân sự, bằng việc cân nhắc các lợi ích an ninh của Mỹ. Một khuyến nghị là mở rộng căn cứ hải quân Stirling ở thành phố Perth nằm ở miền Tây Ôxtrâylia để có thể cho phép Mỹ sử dụng làm nơi triển khai quân và thực thi các hoạt động tác chiến ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương. Tại Ấn Độ Dương, Mỹ hiện sử dụng chung căn cứ trên đảo Diego Garcia của Anh và hợp đồng thuê sẽ hết hạn vào năm 2016. Lầu Năm Góc đang cùng với Ôxtrâylia khảo sát dãy đảo san hô Cocos Island của Ôxtrâylia ở Ấn Độ Dương vì coi đây là địa điểm lý tưởng để triển khai lực lượng máy bay do thám, rất thuận tiện cho việc thực thi các chuyến bay do thám thường xuyên vào khu vực Biển Đông. Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng đang cân nhắc đề xuất của Ôxtrâylia nâng cấp căn cứ Stirling, thậm chí cả đề nghị xây dựng một căn cứ hải quân mới ở thành phố Brisbane, nằm ở bờ biển phía Đông của Ôxtrâylia./.

Theo Heritage (ngày 30/3)

Mỹ Anh (gt)