Ông Lê Lương Minh, tân Tổng Thư ký của ASEAN, là một nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam. Ông đảm nhận vai trò dẫn dắt ASEAN tại một thời điểm cực kỳ quan trọng trong lịch sử 46 năm của tổ chức này, khi ASEAN bước vào kỷ nguyên mới của sự hợp tác. Ông Lê Lương Minh nguyên là phái viên của Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ), và do vậy ông rất thông thạo các vấn đề quốc tế. Trong thời kỳ Việt Nam là một thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ năm 2008-2009, ông hoạt động rất tích cực tại tổ chức này nhằm mang lại hòa bình và hòa giải trên khắp toàn cầu.

Những kinh nghiệm của ông sẽ giúp ích cho ông rất nhiều trong 5 năm tới, khi mà những thách thức mới đang gia tăng liên tục đối với tổ chức khu vực này. Ông sẽ phải sớm tìm kiếm các cuộc đàm phán với Trung Quốc để đưa ra Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Thực tế, đây sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông. Tuy nhiên, cho tới nay, Trung Quốc vẫn chưa tỏ dấu hiệu sẵn sàng cho các cuộc đàm phán như vậy bởi đang có sự chuyển giao cho một thế hệ lãnh đạo mới tại Bắc Kinh.Tất nhiên, là một nhà ngoại giao của Việt Nam - một trong những nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền đối với các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông - những phát ngôn và hành động của ông Lê Lương Minh sẽ được Bắc Kinh theo dõi chặt chẽ và nghiên cứu cẩn thận.

Ông Lê Lương Minh sẽ khó có được vị trí vô tư và trung lập như ông Surin của Thái Lan, nước không có tuyên bố chủ quyền đối với các tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, ông Minh cần phối hợp chặt chẽ với Thái Lan, nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc trong vòng ba năm tới. Cả hai sẽ phải phối hợp nhịp nhàng, nếu không tiến trình soạn thảo COC sẽ bị trì hoãn hoặc thậm chí bị chệch hướng. Ngoài các tranh chấp biển, ông Lê Lương Minh sẽ phải giải quyết các vấn đề liên quan tới việc xây dựng cộng đồng ASEAN. Thời hạn chót cho việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 đang tới gần, và một vài thành viên ASEAN vẫn chưa thể hiện ý chí chính trị cần thiết nhằm thúc đẩy kế hoạch một cách thống nhất.

Thực tế đáng buồn là AEC đang giành được phần lớn sự quan tâm của công luận trong khi các lĩnh vực hợp tác khác như chính trị, an ninh, xã hội và văn hóa cũng quan trọng không kém. Trên thực tế, AEC sẽ không thành công nếu thiếu những trụ cột khác. Ông Lê Lương Minh cũng sẽ đóng vai trò cầu nối liên kết giữa các thành viên cũ và mới trong ASEAN. Việt Nam đã đóng vai trò hàng đầu trong ASEAN kể từ khi gia nhập tổ chức này năm 1995, hoàn thành mục tiêu dài hạn là hòa nhập với các nền kinh tế và cộng đồng khu vực. Ông Lê Lương Minh tin rằng ASEAN sẽ đối phó được với mọi thách thức xuất hiện trên con đường phía trước của tổ chức này và vượt qua được. Tuy nhiên, ông sẽ vẫn còn một nhiệm vụ khó khăn ở cả tầm quốc tế lẫn khu vực, đó là tân Tổng Thư ký ASEAN sẽ cần tất cả sự hỗ trợ của đội ngũ của Ban Thư ký ASEAN, của 10 nước thành viên cũng như của các đối tác đối thoại bên ngoài, những nhân tố đã làm tăng thêm giá trị và sức mạnh của toàn khối. 

Theo Báo "Dân tộc" Thái Lan (ngày 14/1)

Vũ Hiền (gt)