Trong môi trường an ninh bất ổn tại khu vực Ấn Độ Dương và châu Á-Thái Bình Dương, nơi một số quốc gia vẫn theo đuổi chính sách bành trướng trên biển và trên đất liền từ thế kỷ 19, vi phạm chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia khác, Ấn Độ cần có những đối tác chiến lược mạnh "trong mọi hoàn cảnh", và Việt Nam có thể là một trong những đối tác này.

Các chuyến thăm liên tiếp của giới quan chức cấp cao Ấn Độ tới Việt Nam mang nhiều hàm ý chính trị: Thứ nhất, quan hệ đối tác chiến lược Ấn-Việt được nâng tầm chính trị. Thứ hai, phản ánh tầm quan trọng về chính trị và chiến lược của Việt Nam trong con mắt của Ấn Độ, New Dehli coi Hà Nội như một "đối tác trụ cột" trong khu vực Đông Nam Á và có vai trò cân bằng tiềm lực an ninh tại châu Á. Thứ ba, Ấn Độ muốn hành động như một "cổ đông có trách nhiệm" tại khu vực Đông Nam Á và Biển Đông. Về mặt chiến lược, Ấn Độ và Việt Nam có chung những quan ngại về Trung Quốc. Trung Quốc không ngừng leo thang xung đột chống Việt Nam tại Biển Đông và không ngừng hành động khiêu khích, xâm nhập chống Ấn Độ tại các khu vực biên giới giáp Tây Tạng. Trong bối cảnh đó, sẽ là điều tự nhiên để Ấn Độ và Việt Nam chia sẻ nhiều điểm hội tụ chiến lược. 

Tiến sĩ Kapila bày tỏ hy vọng rằng dưới sự lãnh đạo quyết đoán của Thủ tướng Modi, Ấn Độ sẽ đóng vai trò lớn hơn tại Ấn Độ Dương và châu Á-Thái Bình Dương. Ông cho rằng đề xuất về việc thiết lập bộ ba chiến lược Ấn Độ-Nhật Bản-Việt Nam phải trở thành "hòn đá tảng" trong cấu trúc an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của New Delhi. Theo tiến sĩ Kapila, với vị trí địa chiến lược quan trọng, Việt Nam có thể đóng vai trò "đinh trục" trong tam giác chiến lược này. Ông cũng bày tỏ hy vọng sẽ có một số chuyển động cơ bản nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Ấn-Việt trong chuyến thăm của Tổng thống Mukherjee. 

Trong khi đó, nhận định về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mukherjee, Giáo sư Bharat Karnad - chuyên gia về quân sự và an ninh quốc gia của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi - cũng cho rằng Việt Nam là "đối tác trụ cột" trong "Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ", và mục tiêu của New Delhi là muốn giúp Việt Nam xây dựng tiềm lực để trở thành một quốc gia mạnh trên Biển Đông.

Theo Giáo sư Karnad, ý tưởng của "Chính sách Hướng Đông" là đưa các nước láng giềng của Trung Quốc xích lại gần nhau và cùng hợp tác trong lĩnh vực an ninh để kiềm chế các hành động hung hăng của Trung Quốc. Giáo sư Karnad giải thích thêm rằng, nội dung chủ yếu của "Chính sách Hướng Đông là xây dựng năng lực cho các nước, nhất là Việt Nam và Philippines. Ông nhấn mạnh: "Ấn Độ tham gia rất nhiều vào việc củng cố sức mạnh hải quân cho Việt Nam", đồng thời cho biết New Delhi đang tính đến việc cung cấp tên lửa hành trình BrahMos cho Việt Nam, giúp huấn luyện thủy thủ đoàn của các tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam mua từ Nga và sắp mở gói tín dụng trị giá 100 triệu USD cho Việt Nam để giúp nước này mua thêm 5 máy bay tuần tra của Ấn Độ. Giáo sư Karnad khẳng định: "Ấn Độ muốn Việt Nam trở nên hùng mạnh ở Biển Đông, và đây là cách mà chúng tôi tin rằng sẽ giúp răn đe Trung Quốc đừng có những hành động hung hăng".

Theo Giáo sư Karnad, "Chính sách Hướng Đông" của Ấn Độ trải dài từ Vịnh Bengal đến Biển Nhật Bản, do đó Việt Nam và Nhật Bản được New Delhi coi là "hai trục chính" trong "Chính sách Hướng Đông" của mình. Ông nói: "Việt Nam nổi lên như trục trung tâm, còn Nhật Bản là trục cuối. Đây là cách mà Ấn Độ sẽ thực hiện 'Chính sách Hướng Đông'". Bên cạnh đó, những quốc gia bị ảnh hưởng bởi tuyên bố chủ quyền "đường 9 đoạn" của Trung Quốc cũng sẽ được Ấn Độ ủng hộ. Điều này cho thấy Ấn Độ tái khẳng định cam kết của họ đối với khu vực Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.

Giới chuyên gia cho rằng chuyến công du Việt Nam lần này của Tổng thống Mukherjee chắc chắn nằm trong chiến lược thực hiện "Chính sách Hướng Đông" của Ấn Độ. Theo họ, một trong những nguyên nhân khiến Ấn Độ tăng cường quan hệ với Việt Nam là New Delhi muốn "trắc nghiệm" mức độ phản ứng của Bắc Kinh. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, lãnh đạo hai nước nhất trí rằng hợp tác quốc phòng và an ninh là "trụ cột quan trọng trong mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn-Việt". Bên cạnh đó, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mukherjee diễn ra chỉ vài ngày trước chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo nhận định của Giáo sư Karnad, đây là một tín hiệu mà Ấn Độ muốn gửi tới Trung Quốc, rằng New Delhi "đang có các lựa chọn khác ở châu Á".

Trong bản Thông cáo chung được công bố sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Pranab Mukherjee, hai bên cùng kêu gọi các nước tôn trọng quyền tự do lưu thông trên Biển Đông. Điều 13 bản Thông cáo chung ghi rõ: "Hai bên nhất trí rằng tự do hàng hải ở Biển Đông không thể bị cản trở và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được thế giới công nhận bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Hai bên hoan nghênh cam kết chung của các bên liên quan về việc tuân thủ và thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hợp tác tiến tới thông qua Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận. Hai bên kêu gọi hợp tác đảm bảo an ninh các tuyến đường biển, an ninh biển, chống cướp biển và tiến hành các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn".

Ngày 15/9, hai nước cũng đã ký kết 7 thỏa thuận quan trọng, trong đó có thỏa thuận về hợp tác dầu khí song phương tại Biển Đông và việc Ấn Độ cung cấp 100 triệu USD để Việt Nam mua thiết bị quốc phòng của Ấn Độ. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Hải ngoại của Ấn Độ (OVL) thuộc Tổng Công ty Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC) đã ký với Petro Việt Nam một ý định thư nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai bên trong lãnh vực thăm dò và khai thác dầu khí. OVL từng tham gia thăm dò hai lô dầu khí 127 và 128 tại Biển Đông. Hiện nay, tập đoàn này được triển hạn khai thác một lô, nhưng thỏa thuận vừa ký kết sẽ mở rộng địa bàn hoạt động của OVL. Hai hãng hàng không Việt Nam và Ấn Độ cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ khai thác và hợp tác xúc tiến đường bay thẳng. 

Nhật Linh (gt)