thediplomat_2014-12-12_04-16-06-386x257.jpg

Sách trắng Quốc phòng Indonesia được phát hành vào cuối tháng 4 năm 2016 (ban đầu dự kiến năm 2013 - 2014, nhưng bị trì hoãn do chuyển giao quyền lực và thay đổi đội ngũ cố vấn chính phủ) đã đưa ra một cách nhìn toàn diện về tầm nhìn bao quát quốc phòng Indonesia, liên kết các vấn đề với nhau và tạo động lực thúc đẩy. Tuy nhiên, Sách trắng vẫn chưa đạt được mức độ sâu sắc trong việc đánh giá thực tiễn và dường như còn rất ít điểm mới liên quan các chính sách và các vấn đề quan trọng như Trục biển toàn cầu cũng như vai trò trong khu vực của Indonesia.

Sách trắng đã phân tích toàn diện sự tập trung của Indonesia vào các mối đe dọa khác nhau xem ra ngày càng gia tăng, đa dạng. Tầm nhìn chiến lược bao gồm sự nhận thức rằng vấn đề an ninh truyền thống và tình huống nan giải phát sinh từ sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực như Biển Đông, Biển Hoa Đông và bán đảo Triều Tiên (đặc biệt vấn đề Biển Đông) có thể có tác động sâu rộng trong khu vực. Mặc dù xác định Indonesia không phải là bên có yêu sách trong các vụ tranh chấp, Sách trắng vẫn đề cập tình trạng dễ bị tổn thương của quốc gia quần đảo này với nhiều vấn đề biên giới còn tồn tại và đi đến tuyên bố rằng trong số 92 hòn đảo nhỏ xa xôi cần ưu tiên quản lý 12 đảo để đảm bảo chủ quyền lãnh thổ của Indonesia.

Phải thừa nhận rằng những thách thức mà Indonesia sẽ phải đối mặt còn phức tạp hơn nhiều. Đất nước này có thể bị bao vây bởi cả những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trên cả cấp độ quốc tế và khu vực, như vấn đề tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu và thiên tai. Như vậy, Indonesia đưa ra chính sách quốc phòng trên cơ sở "Sistem Pertahanan Semesta” (kết hợp chiến lược quân sự và phi quân sự). Hơn nữa, Sách trắng kêu gọi sự tham gia của mọi thành phần trong nước - không chỉ quân mà cả dân - trong một nỗ lực chung để thiết lập một vị thế quốc phòng.

Tuy nhiên, Sách trắng kém thuyết phục trong việc đề ra tầm nhìn chiến lược cho các chính sách vĩ mô như “Trục biển toàn cầu” của Tổng thống Jokowi. Sách trắng nhấn mạnh rằng phát triển quốc phòng Indonesia không phải thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang mà nhằm mục tiêu để Indonesia trở thành một cường quốc hải quân. Về mặt địa lý, Indonesia được bao quanh bởi hai đại dương lớn - Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương - khiến Indonesia tăng cường sử dụng vùng biển của mình như “sân chơi” chính của quốc gia. Nhưng có một sự khác biệt giữa trở thành một quốc gia biển hay một cường quốc hải quân và Sách trắng nêu câu hỏi liệu Indonesia có thể trở thành một cường quốc hàng hải trong những năm tới. Mặc dù vậy, Sách trắng cung cấp ít định hướng chiến lược làm thế nào để sự chuyển đổi này có thể xảy ra và sự thiếu vắng một chiến lược rõ ràng tập trung vào chính sách Trục Hàng hải toàn cầu của Jokowi quả là đáng thất vọng.

Sách trắng nêu việc hướng tới khả năng phát triển phòng thủ có ý nghĩa quan trọng để hỗ trợ chính sách, nhưng mới chỉ đề cập các ưu tiên cụ thể như mua sắm máy bay không người lái và các thiết bị công nghệ vệ tinh để bảo vệ lãnh hải của Indonesia khỏi sự xâm phạm. Ngoài ra, một vấn đề được đặt ra mà chưa có câu trả lời, đó là bằng cách nào Indonesia có thể đủ khả năng mua sắm công nghệ đắt tiền như vậy tại một thời điểm không có dấu hiệu cho thấy quốc phòng sẽ được dành ưu tiên hàng đầu trong chương trình phát triển chính phủ "RPJP Nasional" (Kế hoạch phát triển dài hạn quốc gia) như quy định tại Điều 4 của Luật số 25/2004. Ngân sách ít được chú ý trong Sách trắng, ngoài một tuyên bố rằng Indonesia sẽ dành 1% GDP cho quốc phòng.

Trong Sách trắng chưa đề cập đầy đủ vai trò của các tổ chức khác nhau trong việc thực hiện tầm nhìn của một Trục biển toàn cầu. Trong năm 2014, chính phủ Indonesia thành lập BAKAMLA hoặc Badan Keamanan Laut (Cơ quan An ninh Biển), có nhiệm vụ tiến hành tuần tra an ninh và bảo vệ lãnh hải và Bộ Điều phối các vấn đề biển với nhiệm vụ chính là giúp Tổng thống phối hợp lập kế hoạch và hoạch định chính sách, đồng bộ hóa các chính sách có liên quan về các vấn đề biển. Thật đáng tiếc, không chương nào trong Sách trắng Indonesia phân biệt rõ vai trò của các cơ quan này, và mức độ mà BAKAMLA sẽ hỗ trợ cho Hải quân Indonesia (TNI-AL) để tiến hành bất kỳ hoạt động trên biển. Dường như có sự chồng chéo giữa các chức năng của TNI-AL, BAKAMLA, Bộ Hàng hải và không có sự phối hợp rõ ràng giữa ba cơ quan này.

Ngoài ra, các quan sát viên của ASEAN mà phần lớn trong họ đều cho rằng Indonesia ít tập trung hơn vào ASEAN dưới chính quyền Tổng thống Jokowi, có thể nhận thấy Sách trắng Indonesia bàn rất ít về tổ chức này, có chăng chỉ là đề cập sơ sài về vai trò hòa giải ở Biển Đông và các trụ cột Chính trị - An ninh của Cộng đồng ASEAN. Như vậy, rất khó để đánh giá liệu Sách trắng quốc phòng Indonesia có góp phần vào việc thúc đẩy tầm nhìn quốc phòng rộng lớn của Indonesia hay không.Trong khi Sách trắng có thể được cho là tăng cường tầm nhìn chiến lược quốc phòng Indonesia thì cách thức để thực hiện chiến lược này và làm thế nào các mảng vấn đề được ăn khớp với nhau được thảo luận ít rõ ràng. Vấn đề bằng cách nào Indonesia sẽ thực hiện được tầm nhìn hầu như vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng./.

Theo “Diplomat” (ngày 17/5)

Lê Sơn (gt)